Chủ động bảo vệ thủy sản trước diễn biến phức tạp của bão số 3
* Bảo vệ thủy sản ở các xã ven biển
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các địa phương ven sông, ven biển của tỉnh có đầm nuôi trồng thủy sản và nuôi cá lồng đã chủ động thực hiện các biện pháp gia cố, bảo vệ đầm và lồng nuôi, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra.
* Bảo vệ cá lồng trên sông

Các hộ nuôi cá lồng ở xã Diên Hà chủ động di chuyền lồng bè vào khu vực an toàn.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 700 lồng nuôi cá tập trung chủ yếu trên các tuyến sông lớn ở các xã Tân Hưng, Diên Hà, Lê Quý Đôn…

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) giúp đỡ người dân gia cố, chằng buộc lồng bè nuôi cá ở xã Tân Hưng.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng cho biết: Hợp tác xã hiện có 9 hộ thành viên đang nuôi 60 lồng cá với diện tích khoảng 54m²/lồng. Tổng sản lượng cá hiện nay ước đạt khoảng 500 tấn, phần lớn trong số đó được lên kế hoạch thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Từ mấy ngày nay, chúng tôi đã quán triệt thành viên túc trực 100%, kiểm tra và gia cố hệ thống dây neo, phao nổi, nút buộc các lồng cá; xử lý ngay những điểm yếu có nguy cơ bị gió cuốn, sóng đánh vỡ…

Anh Nguyễn Văn Đình, xã Diên Hà khẩn trương thu hoạch cá đến kỳ xuất bán.
Tại xã Diên Hà, ông Nguyễn Văn Đình hiện đang nuôi 15 lồng cá; trong đó có cá lăng và cá chép giòn dự kiến thu hoạch 70 tấn, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng. Từ ngày 19/7 đến nay, ông Đình chủ yếu bán lẻ 1 - 2 tấn cá mỗi ngày. Bên cạnh đó, ông Đình cũng vừa đầu tư 400 triệu đồng để mua thả thêm 2 tấn cá giống mới. Ông Đình cho biết: Bước vào mùa mưa bão năm nay, gia đình tôi đã chủ động mua thêm dây thừng, dây cáp, gia cố lại toàn bộ hệ thống phao nổi; di chuyển các lồng cá vào nơi an toàn, tránh dòng nước chảy xiết. Đồng thời theo dõi sát sao môi trường nước và sức khỏe thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời.

Anh Trần Đức Thành, xã Lê Quý Đôn chủ động phủ lưới mặt lồng bè tránh thất thoát cá khi bão đổ bộ vào.
Tương tự, anh Trần Đức Thành, xã Lê Quý Đôn cũng đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ các lồng bè. Hiện anh Thành nuôi 14 lồng cá, trong đó đã thu hoạch được 10 tấn cá lăng. Còn lại 7 - 8 tấn cá lăng và hơn 25 tấn cá chép giòn chưa đến kỳ thu hoạch. Anh Thành cho biết: Chúng tôi đã chủ động căng lưới mặt lồng và gia cố chắc chắn các dây thừng, dây chão để bảo vệ lồng cá trước sóng to, nước sông dâng cao, di dời vào khu vực an toàn.
Ông Nguyễn Duy Hoan, Chủ tịch UBND xã Lê Quý Đôn cho biết: Hiện nay, xã Lê Quý Đôn có 5 hộ nuôi tổng cộng 76 lồng cá. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, chúng tôi chỉ đạo các hộ nuôi cá lồng kiểm tra và gia cố hệ thống lồng bè để bảo đảm khả năng chịu lực trước sóng gió; di chuyển lồng bè vào các vùng nước sâu, kín gió, nơi ít chịu tác động từ sóng lớn và gió bão; vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng và phủ lưới trên các mặt lồng bè tránh thất thoát thủy sản.

Người nuôi cá lồng xã Lê Quý Đôn chủ động căng lưới mặt lồng bảo vệ thủy sản.

Ông Trần Văn Khôi ở xã Nam Phú kiểm tra ao nuôi tôm.
Cùng với các chủ cá lồng, các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các địa phương ven biển trong tỉnh đang khẩn trương gia cố lại bờ bao, ao đầm nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Được tin bão số 3 sẽ đổ trực tiếp vào địa bàn tỉnh, cả gia đình ông Trần Văn Khôi ở xã Hưng Phú đứng ngồi không yên khi gần chục tấn tôm trong 1,7 ha ao nuôi công nghiệp chưa đến kỳ thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí mất trắng nếu không có giải pháp bảo vệ hiệu quả. Ông Trần Văn Khôi cho biết: Ngay từ chiều và đêm qua tôi đã phải tăng cường sục nước, bổ sung vôi bột và hóa chất để xử lý nước trong ao nuôi.
Hưng Phú là xã ven biển có hơn 1.000 ha NTTS, tập trung tại khu vực cồn Vành và giáp với khu vực để biển số 6. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Vì vậy, hàng trăm hộ NTTS tại xã đang rất lo lắng cho các diện tích NTTS. Do tôm chưa đủ kích cỡ thương phẩm nên nhiều hộ dân chưa thể thu hoạch được. Các hộ dân đang tích cực gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát thủy sản; đồng thời chủ động điều tiết nước để hạn chế ảnh hưởng do mưa lớn làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, bổ sung khoáng chất để tăng sức đề kháng cho thủy sản. Theo ông Trần Văn Dương, Giám đốc HTX SXKD DNNN Nam Phú (Hưng Phú): HTX đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng, chống bảo vệ thủy sản trước mưa bão; chủ động khơi thông kênh mương ở vùng nuôi để tránh ngập, chuẩn bị hóa chất để xử lý ngay sau mưa bão.
Ông Bùi Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: Toàn xã có hơn 1.367 ha bãi đầm nuôi ngao ngoài bãi triều ven biển, hơn 437 ha NTTS trong và ngoài đê biển số 6. Để giảm thiệt hại do bão số 3 gây ra, xã đang tích cực chỉ đạo các đơn vị đôn đốc người dân thu hoạch sớm và triển khai các biện pháp chằng chéo, gia cố ao đầm và di dời đến khu vực an toàn.
Theo ông Nguyễn Quang Toản, thôn Chí Cường (Nam Cường): Nhà tôi hiện có hơn 1 ha nuôi tôm công nghiệp. Do nuôi công nghiệp có hệ thống nhà lưới nên khi có thông tin về mưa bão chúng tôi đang tập trung giằng néo nhà lưới, tránh bị tốc mái, cuốn bay và gia cố hệ thống bờ, cống thoát nước cho hệ thống nuôi ngoài trời. Những ngày qua, các cấp chính quyền địa phương cũng hỗ trợ, hướng dẫn người nuôi trồng các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có mưa bão, lũ lụt xảy ra.

Khu nuôi trồng thủy sản tập trung xã Thái Thụy.
Với hơn 300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 204 ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ và hơn 96 ha nuôi thủy sản nước ngọt, xã ven biển Thái Thụy đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão số 3 nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân. Địa phương đã chỉ đạo các thôn, hộ NTTS rà soát lại toàn bộ diện tích đầm, ao; khẩn trương gia cố bờ vùng, chủ động hạ thấp mực nước ao nuôi và gia cố chắc chắn hệ thống cấp, thoát nước để ứng phó khi bão đổ bộ. Theo ông Phạm Tiến Tăng, công chức Phòng Kinh tế xã Thái Thụy: Chúng tôi đã phân công cán bộ chuyên môn bám cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt tại các vùng thấp trũng, nguy cơ cao như xã Thụy Hải (cũ). Ngoài kiểm tra cơ sở hạ tầng vùng nuôi, chúng tôi còn yêu cầu các hộ dân dừng cho ăn trước bão để hạn chế hao hụt khi thời tiết xấu.
Ông Đào Ngọc Dương ở thôn Quang Lang Đông (Thái Thụy) cho biết: Gần 2 ha ao của tôi thả cá vược từ đầu tháng 4, kết hợp nuôi xen, ghép tôm. Nghe tin bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gia đình tranh thủ quay lưới, chằng chống hệ thống lưới chắn, bảo đảm nước không tràn, cá, tôm không thoát ra ngoài.

Hộ nuôi tôm xã Nam Cường chủ động chăm sóc, gia cố ao đầm phòng chống bão.
Để bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là trong đợt ảnh hưởng của bão số 3 ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chủ động thu tỉa những diện tích tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi mưa bão xảy ra; chuẩn bị tốt về giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học nhằm chăm sóc, bảo vệ và phòng dịch bệnh để NTTS đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong trường hợp có những diễn biến bất thường, cần liên hệ với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để được hỗ trợ.