Chủ động giải trình vấn đề 'nóng'

Sáng qua, 28.2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Phiên giải trình đã thu hút sự tham gia của rất nhiều bên liên quan từ cơ quan quản lý, đại diện các hiệp hội, các chuyên gia về lĩnh vực này.

Mới đây, ngày 7.2, chủ trì cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần nghiên cứu lựa chọn các chuyên đề phải tập trung giải trình, chất vấn. Những vấn đề nổi lên hiện nay như đăng kiểm, thị trường bất động sản, du lịch, hàng không... đều đang rất khó khăn, nếu chờ Quốc hội chất vấn, giám sát thì sẽ chậm. Vì vậy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể vào cuộc ngay, lựa chọn nội dung nào thực sự thiết thực, sát với thực tiễn cuộc sống để tiến hành giải trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nội dung nào đã có kế hoạch giải trình nhưng chưa cấp bách thì để lại sau. “Tình hình có những vấn đề nóng, bức xúc mới phát sinh thì phải có các giải pháp mới. Chúng ta đồng hành với Chính phủ hay không là ở góc độ như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Như vậy, chỉ 3 tuần sau, thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã “xắn tay” ngay vào việc, tổ chức phiên giải trình về vấn đề đã và đang rất "nóng" - đó là xăng dầu.

Việc Ủy ban Kinh tế lựa chọn vấn đề xăng dầu để tổ chức phiên giải trình được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Bởi nội dung được lựa chọn giải trình “đúng”, “trúng” vấn đề bức thiết mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Thực tế cho thấy, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng đến an ninh xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, xăng dầu là nguồn đầu vào quan trọng bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Quan trọng là vậy, nhưng thời gian qua, với sự biến động khó lường đã làm cho mặt hàng xăng dầu đã thực sự trở thành vấn đề “nóng”. Trên thị trường có lúc chưa chủ động được nguồn cung. Việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá chưa đạt mục tiêu bình ổn giá. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu đã diễn ra cục bộ ở một số địa phương. Điều này gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng và nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Bên cạnh lý do khách quan, thì tồn tại trên còn có nguyên nhân chủ quan là chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp. Việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh. Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường.

Trong khuôn khổ phiên giải trình, những nỗ lực của các bộ, ngành trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua đã được ghi nhận. Những tồn tại trong quản lý, những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành cũng được chỉ rõ. Những kế sách, giải pháp để khắc phục những tồn tại, trong đó cần hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu cũng được các được các đại biểu, các chuyên gia đóng góp một cách tâm huyết đã góp phần làm nên thành công bước đầu của phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế ngày hôm qua.

Những giải pháp tại phiên giải trình sẽ được cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để có những chính sách, quy định và triển khai cho phù hợp. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với lĩnh vực xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, phải xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân.

Những đóng góp, hiến kế giải pháp tại phiên giải trình sẽ được cơ quan liên quan tiếp thu một cách thấu đáo và sớm triển khai thực hiện, phục vụ cho công tác quản lý điều hành hiệu hiệu quả hơn. Tin rằng, với sự đồng hành, “đồng tốc” từ cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát thì xăng dầu sẽ không còn là vấn đề “nóng” trong tương lai.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/chu-dong-giai-trinh-van-de-nong-i317469/