Chủ động giữ an toàn mùa mưa bão
Hiện đã bước vào mùa mưa, lũ, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) gặp nhiều thách thức do địa bàn tỉnh có địa hình phức tạp, đèo dốc, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá, trơn trượt. Trước tình hình đó, các địa phương, lực lượng chức năng đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Hiện đã bước vào mùa mưa, lũ, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) gặp nhiều thách thức do địa bàn tỉnh có địa hình phức tạp, đèo dốc, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá, trơn trượt. Trước tình hình đó, các địa phương, lực lượng chức năng đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng kịp thời huy động máy móc, khắc phục điểm sạt, lở trên tuyến Tỉnh lộ 177.
Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường liên xã và nhiều khu vực tại xã Yên Minh thuộc vùng cao phía Bắc của tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, mất ATGT. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: xã chỉ đạo khẩn trương rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ sạt lở cao, ta-luy âm, cầu tràn, đường đèo để đặt biển cảnh báo. Đồng thời, thành lập tổ ứng phó nhanh tại các thôn, khi có mưa lớn sẽ đặt rào chắn, không để người dân, phương tiện qua lại các điểm nguy hiểm. Xã thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, hạn chế di chuyển khi có mưa lớn và tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi gặp sạt lở, ngập lụt, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Sở Xây dựng cũng đã xây dựng các kế hoạch, phương án triển khai cụ thể, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao. Chủ động phối hợp, chuẩn bị tốt các phương án khắc phục hậu quả thiên tai gây ra trên các tuyến giao thông theo phương châm “4 tại chỗ”.
Căn cứ chức năng, các phòng liên quan chủ động rà soát, xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên các tuyến để xây dựng biện pháp ứng phó khi có thiên tai, đảm bảo an toàn, không xảy ra ách tắc giao thông kéo dài. Sở Xây dựng tăng cường chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm ATGT cho các công trình. Đồng thời, phối hợp rà soát, đề xuất các phương án gia cố hạ tầng, xử lý các điểm xung yếu, sửa chữa mặt đường, rãnh thoát nước để tránh hư hỏng lan rộng trên các tuyến giao thông.
Là lực lượng quan trọng tham gia vào công tác bảo đảm trật tự ATGT, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Thượng tá Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chia sẻ: Trước mùa mưa, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường bộ và đường thủy nội địa. Đồng thời, gắn công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm với tuyên truyền quy định ATGT đến các chủ phương tiện và Nhân dân, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn.
Đối với những điểm có nguy cơ sạt trượt, đơn vị tham mưu cho Ban ATGT tỉnh bố trí bổ sung các biển cảnh báo; cử cán bộ, chiến sỹ ứng trực 24/24 giờ tại những điểm xung yếu, có nguy cơ cao như cầu tràn, đoạn đường ta-luy yếu để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, phát hiện các bất cập về tổ chức giao thông đường thủy thông qua quản lý bến bãi, phương tiện chở khách ngang sông, chủ phương tiện vận tải đường thủy. Qua đó, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các bến, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và không đủ điều kiện hoạt động.
Mặc dù có nhiều giải pháp tuyên truyền, cảnh báo về nguy hiểm khi di chuyển trong thời tiết xấu nhưng nhiều người dân còn chủ quan, dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Đơn cử như trong tối 22-6 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ việc liên quan; trong đó, một người đàn ông điều khiển xe máy khi đi qua cầu tràn suối Bún, xã Tân An do nước chảy xiết không may bị nước lũ cuốn trôi.
Còn tại xã Thái Sơn, một xe ô tô 7 chỗ đi qua đoạn đường ngập nước đã bị nước cuốn trôi, rất may người dân địa phương đã kịp thời phát hiện và giải cứu an toàn 4 người trên xe, phương tiện bị hư hỏng. Đây chỉ là một trong số rất ít những vụ việc mất ATGT khi di chuyển trong mùa mưa, lũ. Do vậy, người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, lưu ý khi mưa lớn không nên di chuyển qua các khu vực cầu tràn, cầu treo nước xiết, nhất là vào ban đêm để bảo đảm an toàn.
Bảo đảm ATGT trong mùa mưa, bão không chỉ là nhiệm vụ của các cấp các ngành mà cần sự chung tay của cả cộng đồng từ việc tuân thủ cảnh báo, đề cao cảnh giác và hỗ trợ ứng phó, khắc phục sự cố. Trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường, các địa phương cần tiếp tục duy trì chủ động, linh hoạt phương án ứng phó, bảo đảm an toàn trên các tuyến giao thông; quan tâm từng bước đầu tư hạ tầng giao thông...