Chủ động, linh hoạt giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra

Trưa 22/7, bão số 3 đổ bộ vào Thanh Hóa, mang theo mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần '4 tại chỗ' được phát huy tối đa, Thanh Hóa đã hạn chế tối đa thiệt hại.

Không để bị động, bất ngờ

Là xã ven biển phía Bắc Thanh Hóa, Tân Tiến được xác định là một trong những điểm trọng yếu khi bão số 3 đổ bộ. Mưa lớn kéo dài từ đêm 21/7 đến ngày 22/7 khiến 340ha lúa, 30ha rau màu và hơn 500ha nuôi trồng thủy sản bị ngập sâu.

Chính quyền và lực lượng xã Tân Tiến kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền.

Chính quyền và lực lượng xã Tân Tiến kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền.

Chủ tịch UBND xã Mai Văn Tài cho biết: “Xác định mức độ nguy hiểm của bão, chúng tôi đã kêu gọi và hỗ trợ di chuyển hơn 130 tàu thuyền của ngư dân về neo đậu an toàn tại Cống Mộng Giường 2. Các vị trí đê xung yếu được gia cố, nhà cửa được chằng chống, vật tư chống bão chuẩn bị sẵn sàng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) xã lập nhóm zalo để cập nhật tình hình, kịp thời đưa ra phương án ứng phó khi có diễn biến xấu. Diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng đang được tích cực vận hành các cống tiêu thoát".

500ha nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Tiến bị ngập.

500ha nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Tiến bị ngập.

Ghi nhận tại các xã vùng biển Thanh Hóa - nơi chịu tác động mạnh của bão số 3, công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” tiếp tục được triển khai quyết liệt. Đất, đá hộc, cọc tre, bao tải, phên liếp, bạt, lưới... được dự trữ tại các điểm quy định. Lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, bám sát từng khu dân cư ứng phó kịp thời các tình huống.

Từ ngày 21/7, hệ thống phòng chống bão của Đồn Biên phòng Đa Lộc được kích hoạt theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồn thành lập 4 tổ công tác với 19 cán bộ, chiến sĩ túc trực tại địa bàn, phối hợp cùng chính quyền các xã ven biển kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tại các khu vực xung yếu như ven biển, ven sông, nhà cấp 4 xuống cấp, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đến từng hộ tuyên truyền, vận động chằng chống nhà cửa, hỗ trợ di dời tài sản và chuẩn bị phương tiện sơ tán dân khi có lệnh.

Các lực lượng hỗ trợ di dời trang trại gia cầm bị ngập lụt tại thôn Yên Hòa, xã Vạn Lộc.

Các lực lượng hỗ trợ di dời trang trại gia cầm bị ngập lụt tại thôn Yên Hòa, xã Vạn Lộc.

Thượng tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đa Lộc chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim người lính biên phòng. Dù mưa to, quân số vẫn duy trì trực 24/24 tại các điểm phân công, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống”.

Ở khu vực miền núi, trước nguy cơ mưa lớn gây sạt lở, chính quyền các địa phương đã chủ động rà soát, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu. Tại xã Tam Chung, đến 16h ngày 22/7 Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS xã đã tổ chức sơ tán 33 hộ/194 khẩu tại các bản: Phái, Suối Lóng, Pom Khuông, bản Cân và Bản Ón đến nơi an toàn.

“Chúng tôi đã chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân đủ dùng đến ngày 25/7. Đồn Biên phòng Tam Chung cũng đã hỗ trợ rất tích cực. Tuy nhiên, địa bàn nhiều đồi cao, nguy cơ sạt lở lớn nếu hoàn lưu bão gây mưa to. Chiều 22/7 lực lượng của xã đang tiếp tục rà soát các khu dân cư, nếu phát hiện khu vực có nguy cơ cao sẽ di dời ngay để bảo đảm an toàn”, Chủ tịch UBND xã Tam Chung Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Người dân xã Tam Chung di dời đến nơi ở an toàn được hỗ trợ các nhu yếu phẩm.

Người dân xã Tam Chung di dời đến nơi ở an toàn được hỗ trợ các nhu yếu phẩm.

Tại xã Trung Hạ, 39 hộ với 168 nhân khẩu ven sông Lò và khe suối có nguy cơ sạt lở cao tại bản Muỗng đã được chính quyền di dời khẩn cấp đến khu vực an toàn gần bản. Bí thư Đảng ủy xã Trung Hạ Hà Xuân Thành cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ điện, nước, lương thực tại lán tạm, bố trí lực lượng trực túc trực để bảo vệ và hỗ trợ người dân khi cần thiết”.

Các hộ dân neo đơn, người già cũng được chính quyền bố trí lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên thường xuyên qua lại kiểm tra, tiếp tế thức ăn, nước uống trong mưa bão. Bà Nguyễn Thị Mùi ở thôn Mót, xã Nguyệt Ấn chia sẻ: “Sống một mình, sức khỏe yếu, tôi rất lo lắng khi có thông tin bão tới, nhưng đã được chính quyền và hàng xóm hỗ trợ đồ ăn, nước uống nên rất yên tâm”.

Sẵn sàng phương án tiếp theo

Ước tính sơ bộ, bão số 3 gây ngập hơn 7.000ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương. Một số khu vực trũng thấp bị chia cắt tạm thời, trong khi nhiều đoạn đê và hạ tầng giao thông xuất hiện sạt lở cục bộ.

Lãnh đạo phường Ngọc Sơn kiểm tra vị trí xung yếu.

Lãnh đạo phường Ngọc Sơn kiểm tra vị trí xung yếu.

Toàn tỉnh đã chủ động sơ tán gần 500 người đến nơi an toàn, huy động hàng chục trạm bơm hoạt động liên tục để tiêu úng. Một số sự cố về đê điều, phương tiện thủy cũng đã được xử lý kịp thời. Với các tuyến quốc lộ và đường tỉnh xuất hiện sạt lở và bị ảnh hưởng, ngập, lún nứt, đá rơi, các đơn vị đường bộ đã nhanh chóng khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt tại các điểm xung yếu.

Công an xã Yên Định hỗ trợ người dân di dời tài sản.

Công an xã Yên Định hỗ trợ người dân di dời tài sản.

Trước dự báo hoàn lưu của bão tiếp tục gây mưa lớn, nguy cơ ngập lụt vẫn ở mức cao tại các vùng trũng thấp, khu đô thị, ven biển, ven sông suối... các ngành chức năng, các địa phương đang tiếp tục nỗ lưc, chủ động ứng phó. 34 trạm bơm do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý đang vận hành 151 máy bơm nước để tiêu úng cho đồng ruộng. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cũng tích cực tiêu nước đệm, chủ động các giải pháp bảo vệ công trình, đặc biệt là các hồ chứa, đập, cống tiêu, đập ngắn trên kênh tiêu. Đồng thời, giao cán bộ thường trực 24/24 tại các công trình trọng điểm, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Lộc Đoàn Văn Nga cho biết: “Nước mưa tràn vào nhà dân gây ra tình trạng ngập cục bộ. Địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc lên vị trí cao và chuyển toàn bộ vật nuôi trong các trang trại có nguy cơ bị ngập nước đến nơi tránh trú an toàn. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư để tiếp tục ứng phó khi có các tình huống mới xảy ra; đồng thời kiên quyết cấm biển theo lệnh đối với hơn 400 tàu thuyền để bảo đảm an toàn”.

Lực lượng quân hội hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân.

Lực lượng quân hội hỗ trợ gia cố nhà cửa cho người dân.

Tại Mường Chanh, xã đã phân công Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS xã túc trực thường xuyên tại các bản để chỉ đạo xử lý khi có tình huống khẩn. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Tế cho biết: “Chúng tôi đã cử lực lượng quân sự, dân quân thường trực, công an xã trực 24/24 giờ ở các cầu tràn, đoạn đường ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, không cho người dân và phương tiện đi lại”.

Đặc biệt, tại xã Na Mèo từ sáng 21/7 địa phương đã chủ động hoàn thành khu lán trại tạm tại khu đất trống cách bản Cha Khót khoảng 1km, sẵn sàng phương án di dời người dân trong bản đến nơi an toàn nếu có nguy cơ sạt lở đất. Các lán được làm bằng tre, luồng, lợp bạt, đủ sức chứa 14 đến 55 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, với trang bị điện, nước uống, lương thực, chiếu đệm và thuốc men. Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Phúc Hậu cho biết: “Xã cũng đã chủ động các điều kiện cần thiết để phục vụ người dân trong thời gian tránh trú như lương thực, thực phẩm, điện sáng, nước uống"...

Xã Na Mèo hoàn thành khu lán trại tạm, sẵn sàng di dời người dân bản Cha Khót nếu có nguy cơ sạt lở xảy ra.

Xã Na Mèo hoàn thành khu lán trại tạm, sẵn sàng di dời người dân bản Cha Khót nếu có nguy cơ sạt lở xảy ra.

Với công tác an toàn hồ đập, hiện toàn tỉnh có 277/610 hồ chứa đầy nước, các đơn vị quản lý đang chủ động theo dõi, vận hành an toàn, đặc biệt tại những công trình trọng yếu. Theo ông Lê Bá Huân, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 - đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi Cửa Đạt - đơn vị đã phân công lực lượng trực 24/24h tại công trình, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”, rà soát hiện trạng công trình và máy móc để đảm bảo vận hành bình thường, an toàn trong mưa lũ. Đồng thời xây dựng các kịch bản điều tiết hồ phù hợp, tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã sẵn sàng ứng phó mọi tình huống khi mưa lớn kéo dài.

Lực lượng chức năng xã Như Xuân hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng xã Như Xuân hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn.

Dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, nguy cơ ngập sâu tại vùng trũng thấp, ven biển và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Với phương châm “4 tại chỗ” và tinh thần “không chủ quan, không để bị động, bất ngờ”, chính quyền và lực lượng chức năng đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Các địa phương sẽ tiếp tục duy trì sự cảnh giác cao độ, triển khai phương án ứng trực 24/24h để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn của hoàn lưu bão gây ra.

Nhóm PV thời sự

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chu-dong-linh-hoat-giam-thieu-thiet-hai-do-bao-so-3-gay-ra-255760.htm