Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết sau bão số 3

Sau khi bão số 3 (bão Wipha) đổ bộ gây mưa lớn ở một số địa phương, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là sốt xuất huyết (SXH) trở thành mối lo ngại thường trực. Trước thực tế đó, ngành y tế Hưng Yên đã khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh SXH

Từ đầu năm đến ngày 11/7, cả nước đã ghi nhận hơn 34.400 ca mắc SXH, trong đó có 5 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc, tử vong giảm. Tại Hưng Yên, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 5 ca mắc SXH, tăng 3 ca so với tuần trước. Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca bệnh đã ghi nhận là 9 ca, chưa có ca nặng hay tử vong. Mặc dù số ca mắc chưa ở mức cao, dịch bệnh SXH vẫn cơ bản được kiểm soát tốt song số ca mắc có thể gia tăng do đã vào mùa cao điểm của dịch bệnh. Đây cũng là thời điểm mùa du lịch nhu cầu giao lưu, đi lại tăng cao; học sinh, sinh viên chuẩn bị nhập học. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết nóng ẩm, xen kẽ các đợt mưa là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển và gây bệnh SXH.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, giám sát muỗi, bọ gậy tại cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, giám sát muỗi, bọ gậy tại cộng đồng.

Thực hiện Công điện số 116/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống khẩn cấp về y tế, môi trường và dịch bệnh có thể phát sinh trong và sau cơn bão số 3. Trung tâm đã thành lập 2 đội cấp cứu thường trực và 4 đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ, chi viện y tế dự phòng cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống dịch trước và sau bão; rà soát khu vực có nguy cơ ngập úng, đánh giá nguy cơ phát sinh ổ dịch, rà soát, bổ sung thuốc, vật tư, hóa chất, bảo đảm đủ điều kiện xử lý môi trường và khử khuẩn nguồn nước. Trung tâm cũng ban hành hướng dẫn chuyên môn gửi các trung tâm y tế khu vực, trạm y tế và cơ sở điều trị, thống nhất quy trình phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.

Xã Tân Hưng tổ chức phun khử khuẩn tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Hanh.

Xã Tân Hưng tổ chức phun khử khuẩn tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Hanh.

Các địa phương chủ động phòng, chống SXH

Từ chỉ đạo của tỉnh và ngành y tế, nhiều địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Tại xã Diên Hà, trong ngày 23/7, địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng, tập trung vào các khu vực đông dân cư, trường học... Theo ông Bùi Viết Tuấn, Chủ tịch UBND xã, việc chủ động xử lý môi trường và diệt lăng quăng ngay sau mưa lớn là biện pháp then chốt nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ sớm, từ xa.

Tại phường Phố Hiến, các tổ xung kích vệ sinh môi trường đã ra quân dọn, lật úp các vật dụng chứa nước, xử lý điểm đọng nước quanh nhà dân và phun hóa chất phòng dịch. Nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực của chính quyền và y tế cơ sở, người dân đã nâng cao ý thức, chung tay giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.

Phun thuốc diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tại khu vực nhà dân thuộc địa phận phường Phố Hiến.

Phun thuốc diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tại khu vực nhà dân thuộc địa phận phường Phố Hiến.

Là địa phương nằm ở khu vực ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa, bão. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, trong đó có SXH sau cơn bão số 3, Trạm Y tế Thụy Xuân, xã Đông Thụy Anh đã triển khai nhiều giải pháp phòng dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Thoàn, Trạm trưởng Trạm Y tế Thụy Xuân cho biết: Hàng năm, Thụy Xuân đều ghi nhận có ca mắc SXH, trong đó có ca mắc SXH nội sinh. Do đó, cùng với việc chuẩn bị hóa chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phòng bệnh, Trạm Y tế đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, loại trừ nơi đẻ trứng của muỗi và ổ bọ gậy, không có muỗi, bọ gậy sẽ không có XSH.

Cán bộ Trung tâm Y tế Thái Thụy phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cán bộ Trung tâm Y tế Thái Thụy phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng bệnh SXH, bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng, bác sĩ chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như: Chủ động vệ sinh môi trường sống, dọn nhà cửa, phát quang bụi rậm, loại bỏ các dụng cụ phế thải, vật chứa nước đọng như chai lọ vỡ, lốp xe cũ, xô chậu ngoài trời (nơi muỗi vằn sinh sản). Bên cạnh đó, người dân cần bảo đảm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nước giếng, nước mưa cần được khử khuẩn bằng Cloramin B và chỉ sử dụng nước uống đã đun sôi. Sau mưa bão, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh nền. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy, xuất huyết cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Thu Trang - Dương Miền - Hoàng Lanh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chu-dong-phong-chong-sot-xuat-huyet-sau-bao-so-3-3182983.html