Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, năm 2019 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), có khoảng 10- 12 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 4- 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ những tháng nửa cuối năm 2019.

 Tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu

Tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu

Mùa mưa năm 2019, khu vực Quảng Trị có khả năng bắt đầu sớm hơn TBNN cùng kì, vào khoảng đầu tháng 8 và có khoảng 6- 8 đợt mưa lớn xảy ra. Lượng mưa vùng đồng bằng có khả năng ở mức thấp hơn TBNN cùng kì từ 15- 30%, vùng núi ở mức xấp xỉ TBNN cùng kì. Theo đó, trên các sông ở Quảng Trị có khả năng xuất hiện 4- 5 đợt lũ, đỉnh lũ đạt từ báo động 3 đến trên báo động 3 và ở mức cao hơn đỉnh lũ TBNN. Thời kì xuất hiện đỉnh lũ lớn nhất năm vào khoảng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10.

Để chủ động phòng tránh và ứng phó với các diễn biến bất lợi của thiên tai năm 2019, UBND huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Triệu Phong chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về PCTT, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường. UBND xã, thị trấn, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của thiên tai, chủ động tổ chức việc phòng chống, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn cụ thể. Trong các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai, các địa phương chú trọng phương án sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp kịp thời trong và sau thiên tai; có phương án phòng chống dịch bệnh phát sinh trong mùa mưa bão, đảm bảo vệ sinh môi trường; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống, dầu thắp,... đủ dùng ít nhất từ 10 đến 15 ngày đề phòng trường hợp địa bàn bị chia cắt. Tăng cường công tác cảnh báo, thông tin liên lạc nhanh, kịp thời, chính xác.

Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định. Quán triệt phương châm “Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính” trên cơ sở phát huy tốt, có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” hợp lí. Đối với cấp huyện, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chịu trách nhiệm chỉ huy công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn huyện. Các thành viên chịu trách nhiệm hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo sự phân công. Huyện thành lập đội xung kích 30 người, trong đó Công an huyện 10 người, Ban Chỉ huy quân sự huyện 10 người, thị trấn Ái Tử 10 người và được trang bị đầy đủ áo phao, loa cầm tay, lương thực, thực phẩm dự phòng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài chính- Kế hoạch phối hợp với Văn phòng HĐND- UBND huyện chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật chất cần thiết phục vụ cho việc ứng cứu nhân dân và cho các hoạt động chỉ đạo của UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện trong bão lụt. Các vùng được xem là xung yếu như ven sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, vùng ven biển.

Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN của đơn vị mình. UBND xã, thị trấn, các HTX tổ chức lực lượng xung kích, ứng cứu nhân dân và bảo vệ các công trình trọng điểm như công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, hồ chứa nước Ái Tử, cống tràn xả lũ An Tiêm, hồ chứa nước Triệu Thượng I và II, kè Hậu Kiên, đập ngăn mặn Triệu Giang, đập Bà Huyện, đê hữu Thạch Hãn, đê Bắc Phước, đê Tường Vân, đê cát SơnTrạch, đập Hà Cui. Lực lượng xung kích từng xã có từ 30- 50 người, được trang bị đầy đủ dụng cụ hộ đê và phương tiện cần thiết sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh hoặc sự cố xảy ra.

UBND các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống lụt bão ở các hồ chứa, tuyến đê kè, kênh tiêu và các khu vực thường xuyên bị sạt lở. Mỗi xã, thị trấn đã có kế hoạch điều động từ 1 đến 2 thuyền máy, thuyền chèo; trang bị và thuê mướn một số thuyền nhỏ, có đủ phao cứu sinh, loa cầm tay, tổ chức lực lượng xung kích mỗi xã, thị trấn là 20 người, mỗi thôn, tiểu khu 10 người có đủ sức khỏe và biết bơi lội giỏi để kịp thời ứng cứu tính mạng, tài sản của nhân dân. Các xã nằm trong vùng trọng điểm bố trí đủ phương tiện, lực lượng ứng cứu, túc trực 24/24 giờ khi bão lũ xảy ra. Các xã ngoài việc ứng cứu tại chỗ và các vị trí được phân công, luôn sẵn sàng tham gia ứng cứu các xã khác khi có lệnh điều động. Tuyệt đối không để nhân dân bị đói, khát trong lụt bão. Chỉ đạo nhân dân tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu trước ngày 31/8 với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra tu sửa lưới điện trong địa phương trước mùa mưa lũ, phát quang hành lang an toàn, kiểm tra xà sứ, dây néo, hệ thống chống sét cho công trình. Tất cả nhà cửa, kho tàng đều phải được tổ chức chằng, chống bão, vật tư sản phẩm phải kê cao hơn lũ năm 1999, 2009. Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra trường học, tài sản phục vụ việc dạy và học, có phương án PCTT đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. UBND các xã, thị trấn triển khai phương án PCTT của đơn vị mình, đặc biệt lưu ý biện pháp phòng chống bão trong dân tránh tốc mái, tung cửa, đổ nhà và chằng chống bảo vệ các công trình của nhà nước đồng thời có kế hoạch khắc phục hậu quả và xử lí môi trường khi xảy ra lụt bão…

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141714