Chủ động phòng ngừa gian lận vì kỳ thi công bằng

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2024 - 2025 ở Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Với quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, bảo đảm cho kết quả thi phản ánh thực chất chất lượng học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng 'đầu vào' ở cấp THPT, việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn, chủ động phòng ngừa các hành vi gian lận được quán triệt trong toàn ngành.

Không để xảy ra gian lận

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 8 - 9/6 với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tiếp đến, từ ngày 10 đến hết ngày 12/6, các thí sinh có nguyện vọng sẽ làm bài thi các môn chuyên và chương trình song bằng. Tại kỳ thi này, Hà Nội có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có hơn 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên, hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên và hơn 250 lượt thí sinh đăng ký dự thi chương trình song bằng). Với số lượng thí sinh dự thi lớn, có tính cạnh tranh cao nên việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng luôn được cả hệ thống chính trị của Thành phố quan tâm, vào cuộc.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. (Ảnh: P.T)

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi. (Ảnh: P.T)

Thông tin tại Hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức, Thượng tá Ngô Xuân Hải (Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, Công an Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến tất cả các đơn vị, Công an quận, huyện, thị xã. Theo báo cáo, hiện các đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể tới các bộ phận, cử cán bộ, chiến sĩ tới các điểm thi liên hệ công tác...

Thượng tá Ngô Xuân Hải cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 của Hà Nội là kỳ thi quan trọng, được dư luận quan tâm bởi mức độ cạnh tranh cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gian lận thi cử. Ngoài việc sử dụng các thiết bị còn có tình trạng thí sinh nhờ người thi hộ, thi kèm, đánh dấu bài thi. Do đó, các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi cần nâng cao ý thức cảnh giác để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc nếu có. Về việc vẫn phổ biến tình trạng thí sinh vi phạm quy chế thi do sử dụng điện thoại di động, Thượng tá Ngô Xuân Hải đề nghị các điểm thi cần quán triệt, nhắc nhở thí sinh thực hiện quy định nghiêm túc.

Rút kinh nghiệm từ một số vụ việc xảy ra tại các kỳ thi trước, Thượng tá Ngô Xuân Hải đề nghị, mặc dù các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các điểm thi được tập huấn hàng năm, song nếu mất cảnh giác thì vẫn có thể diễn ra các vụ việc gian lận thi cử. Do đó, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, thí sinh, trưởng điểm thi cần phổ biến, tuyên truyền về mức độ nghiêm trọng của hành vi gian lận, cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Đặc biệt, khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, Trưởng điểm thi cần lập biên bản và báo cáo ngay cho lực lượng công an để kịp thời truy xét, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kỳ thi.

Một số phương pháp phát hiện hoạt động sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận thi cử cũng được Thượng tá Hà Thị Hằng (Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội) triển khai tới các Trưởng điểm thi. Trong đó, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn diễn ra với cả giáo viên và phụ huynh. Bên cạnh đó, việc quan sát, nhận biết thái độ, hành vi bất thường của thí sinh cũng cần được các cán bộ coi thi chú trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận...

Ông Nghiêm Văn Bình (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội) nêu một số lưu ý trong công tác coi thi, trong đó có việc nhắc nhở thí sinh kiểm tra tình trạng của đề thi và báo cho cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài. Nếu nhận được phản ánh về đề thi và các sự cố bất thường trong phòng thi, cán bộ coi thi phải báo ngay cho Trưởng điểm thi (qua cán bộ giám sát).

Đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi; hơn 2.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi; đồng thời huy động hơn 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi như: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển...

Hiện tại, 19 đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã hoàn thành kiểm tra tại 100% các điểm thi. Về cơ bản, các điểm thi đều chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi. Ban Chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng về nhân lực theo quy định với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, thực chất. Các Trưởng điểm thi và các thành phần liên quan đã được tập huấn quy trình tổ chức kỳ thi, trong đó có khâu coi thi. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, đúng 9h ngày 7/6, 201 điểm thi đồng loạt tổ chức cho thí sinh làm thủ tục dự thi, học Quy chế thi. Các điểm thi có trách nhiệm phổ biến đầy đủ, chính xác cho thí sinh về lịch thi, quy định về hiệu lệnh trống, hướng dẫn về sơ đồ phòng thi, cách làm bài thi...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu tất cả các thành viên tham gia kỳ thi cần có nhận thức nghiêm túc về kỳ thi quan trọng được xã hội quan tâm này. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng. Các đơn vị tiếp tục rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điện, nước, điều hòa, quạt mát tại các phòng thi; đồng thời lường trước được những tình huống có thể phát sinh để chủ động ứng phó, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh…

Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên, nhân viên cần ghi nhớ thực hiện “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” khi làm nhiệm vụ. Trong đó, “3 chủ động” là: Chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; chủ động đề xuất các điều kiện phục vụ thi, nhất là các biện pháp bảo đảm an toàn; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” là: Đúng quy chế, hướng dẫn; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. “3 không” là: Không chủ quan, lơ là; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng quá mức.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-dong-phong-ngua-gian-lan-vi-ky-thi-cong-bang-171771.html