Chủ động phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh cho nên ngày 25-6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37- 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Ðộ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến từ 30-50%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 10 đến 19 giờ trong ngày.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái kiểm tra kho vật chất và chỉ đạo phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra. Ảnh: THANH NĂM

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái kiểm tra kho vật chất và chỉ đạo phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra. Ảnh: THANH NĂM

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh cho nên ngày 25-6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37- 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Ðộ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến từ 30-50%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 10 đến 19 giờ trong ngày.

* Toàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 157 hồ, đập vừa và nhỏ nhưng đến nay đã có rất nhiều đập như: Nhà Vân (xã Hương Vĩnh); đập Bắc (Phú Gia); hồ Hà Thông, đập Nậy (xã Hương Xuân); đập Nhà Tầu, đập Z20 (xã Hương Trạch); đập Làng (Hương Ðô); đập Trâm, Khe Nước, Cây Tắt (Hòa Hải); đập ông Ðọn (xã Phúc Ðồng)… nằm dưới mực nước chết. Lượng nước còn lại ở hầu hết các hồ chứa cũng chỉ đủ cho một đến hai đợt tưới cho cây trồng và lúa.

* Ngày 24-6, UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vụ mùa này toàn huyện phấn đấu gieo cấy gần 2.400 ha lúa nhưng đến thời điểm này các địa phương mới gieo cấy được 30% diện tích. Nắng nóng kéo dài, mực nước trong nhiều hồ chứa xuống thấp, không thể cấp nước phục vụ làm đất, gieo cấy. Toàn huyện có khoảng 460 ha thiếu nước phục vụ làm đất, gieo cấy lúa.

* Khoảng 3 giờ ngày 24-6, trên tuyến sông Ba Láng, ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành A (Hậu Giang) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 23,5 m, chiều rộng 7 - 8 m, chiều sâu từ ba đến bốn mét, diện tích mất đất 188 m2, làm một căn nhà bị sụp xuống sông một nửa ngôi nhà và ba căn nhà khác bị nứt. Ước tổng thiệt hại 133 triệu đồng. Vụ sạt lở gây ảnh hưởng năm hộ dân với 23 nhân khẩu và một doanh nghiệp.

* Rạng sáng ngày 23-6, trên sông Cần Thơ đoạn qua khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều (ven chợ nổi Cái Răng) xảy ra một vụ sạt lở bờ sông làm năm hộ dân phải di dời khẩn cấp. Vụ sạt lở làm sạt phần nhà phía sau của năm căn nhà, có căn bị sụp gần một nửa nhà. Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả.

* Chuẩn bị cho mùa mưa bão sắp tới, tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Hiện tất cả 173 xã, phường, thị trấn đều có các tổ xung kích PCTT, sẵn sàng ứng phó.

* Từ ngày 22 đến 23-6, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT làm việc tại tỉnh An Giang. Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay thiên tai đã gây thiệt hại hơn sáu tỷ đồng. Cụ thể, xảy ra 17 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 520 m, ảnh hưởng 71 căn nhà; 34 vụ dông, lốc làm một người bị thương, 135 căn nhà bị sập và tốc mái, 250 ha lúa và hoa màu bị ngã đổ. Ðoàn công tác lưu ý, hiện nay mùa mưa bão đang đến, tỉnh cần chủ động tiếp tục lên kế hoạch PCTT.

* Ngày 24-6, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT kiểm tra thực địa tại chốt cứu hộ xã Mỹ Xương, sạt lở khu vực Bình Hàng Trung (Ðồng Tháp). Tỉnh Ðồng Tháp đã thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 cụm tuyến dân cư giai đoạn 2, hiện có 14.071 hộ xây dựng nhà ở trong cụm tuyến dân cư đã hoàn thành, chiếm tỷ lệ 92,62%. Ngoài ra, tổ chức 425 chốt cứu hộ, với 2.609 thành viên; trong đó có 219 chốt xung yếu với 1.491 thành viên tham gia thường trực 24/24 giờ.

Trang bị kỹ năng an toàn hàng hải cho ngư dân

Ngày 24-6, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phối hợp Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi tổ chức tập huấn cho ngư dân Lý Sơn là các chủ tàu, thuyền viên tàu khách, tàu vận tải hàng hóa và phương tiện đánh bắt hải sản trên biển về kỹ năng an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu y tế ban đầu. Các đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn đã trao 220 lá cờ Tổ quốc, 200 áo phao cứu sinh, 20 túi đựng thuốc và cơ số thuốc cho các chủ tàu đánh bắt xa bờ.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44971302-chu-dong-phuong-an-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai.html