Chủ động, quyết liệt hoàn thành mọi chỉ tiêu

Theo Bộ Tư pháp, năm 2023, mặc dù trong điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những giải pháp mang tính đột phá; số lượng việc mà hệ thống thi hành án dân sự thực hiện liên tục tăng, đặc biệt là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; góp phần khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi

Thống kê từ năm 2021 đến nay, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp nhằm giải quyết, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước trong các vụ việc phức tạp, kéo dài; xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng. Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án.

Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cụ thể, năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao.

Các chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang, Bắc Giang thực hiện xác minh tài sản. Nguồn: ITN

Các chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang, Bắc Giang thực hiện xác minh tài sản. Nguồn: ITN

Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022. Về tiền, đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỷ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.375 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 563), tăng 453 bản án, quyết định so với năm 2022; các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng tới 32% so với năm 2022). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành 3.311 bản án, quyết định về vụ án hành chính; kết quả, đã thi hành xong 1.456 bản án.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái, cùng với hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức hệ thống thi hành án dân sự thường xuyên được kiện toàn, củng cố, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng chuyên nghiệp; vị thế, vai trò của các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được nâng lên.

Thống kê đến ngày 31.7.2023, toàn hệ thống có 3.626 chấp hành viên; 904 thẩm tra viên; 1.602 thư ký, còn lại chuyên viên và các ngạch công chức khác (gồm kế toán, cán sự, văn thư, thủ kho, thủ quỹ và các chức danh khác). Đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường...

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh

Với Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, năm 2023 mặc dù lượng việc, lượng tiền phải thụ lý của thành phố tăng cao so với năm 2022 nhưng các cơ quan thi hành án đã nỗ lực thi hành xong đạt 82,97% việc; 46,08% tiền, vượt chỉ tiêu được giao. Theo Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội Phạm Văn Dũng, để có được kết quả đó, cơ quan thi hành án dân sự tại thành phố đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, thường xuyên báo cáo cấp ủy địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiến hành xếp hạng các cơ quan thi hành án dân sự toàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan; sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; phát huy tính gương mẫu đi đầu; đoàn kết nội bộ…

Hay với cơ quan thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023, cơ quan thi hành án dân sự phải giải quyết gần 9.000 việc với hơn 1.400 tỷ đồng. Trong số việc có điều kiện, đã thi hành xong hơn 6.600 việc với hơn 212 tỷ 274 trăm triệu đồng, đạt 85,9% về việc và 49,9% về tiền (vượt 1,9% về việc và vượt 3,6% tiền). Kết quả trên góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, những kết quả nêu trên đã đóng góp quan trọng, tích cực vào kết quả chung của bộ, ngành tư pháp; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương, được Chính phủ, Quốc hội đánh giá, ghi nhận. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như còn việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau; kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng còn thấp; một số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được các cơ quan, UBND các cấp tổ chức thi hành nghiêm; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa kịp thời.

Để thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu, các cơ quan thi hành án dân sự tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể, hệ thống thi hành án dân sự cần cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu; nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ngoài ra, cần kịp thời quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong toàn hệ thống THADS; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong hệ thống, thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/chu-dong-quyet-liet-hoan-thanh-moi-chi-tieu-i356159/