Chủ động từ cơ sở – 'lá chắn' phòng chống liên cầu lợn
HNN.VN - Dù số ca mắc bệnh liên cầu lợn (LCL) tại Huế chưa bùng phát thành dịch nhưng nguy cơ luôn hiện hữu, khi thói quen ăn tiết canh, lòng lợn của người dân vẫn tồn tại. Trước tình hình đó, cùng với năng lực điều trị chuyên sâu từ tuyến cuối là Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, tuyến y tế cơ sở tại TP. Huế đã vào cuộc quyết liệt với nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phù hợp thực tiễn, góp phần phòng chống bệnh hiệu quả.

Nhiều trường hợp nhiễm đã thuyên giảm sau khi được điều trị tích cực. Ảnh: Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới kiểm tra sức khỏe một ca bệnh.
Nhận diện sớm, can thiệp kịp thời
Bệnh LCL, nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Tại BVTW Huế - nơi tuyến cuối tiếp nhận điều trị các ca bệnh thời gian qua đã chuẩn hóa quy trình 5 bước điều trị, phối hợp chặt chẽ giữa các khoa phòng. Điều này khẳng định: Chủ động phòng ngừa và điều trị sớm sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thời gian qua, BVTW Huế đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm khuẩn Streptococcus suis, trong đó có ca diễn tiến nặng bịnhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng não mủ, suy đa cơ quan. Trước tình hình ca bệnh gia tăng trong 2 tháng qua, Ban Giám đốc BV đã chỉ đạo các đơn vị: Hồi sức tích cực, Ngoại thần kinh, Nội thần kinh, Khoa Bệnh nhiệt đới… chủ động phối hợp chặt chẽ, huy động các chuyên khoa phối kết hợp từ chẩn đoán đến điều trị kịp thời, chính xác, đúng phác đồ.
Theo ThS. BSCKII Hoàng Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế, kinh nghiệm điều trị của đơn vị là phát hiện sớm - điều trị kháng sinh kịp thời, theo dõi sát các biến chứng thần kinh và nhiễm trùng huyết, điều trị hồi sức tích cực khi cần thiết. Ngoài kháng sinh tích cực theo phác đồ, có thể sử dụng lọc máu, thở máy và các phương pháp hỗ trợ khác…
Sau khi khuẩn Streptococcus suis xâm nhập cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 - 3 ngày. Bệnh có thể khởi phát đột ngột với sốt cao, rét run, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tri giác và diễn tiến nhanh đến viêm màng não mủ hoặc sốc nhiễm trùng nếu không được điều trị tích cực.

TS.BS Nguyễn Tất Dũng theo dõi nước tiểu của bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải lọc máu
BV đã quy trình hóa 5 bước điều trị chuẩn, hướng dẫn cụ thể việc cần làm, loại thuốc nên dùng, các thông số cần theo dõi đánh giá được áp dụng: Nhận diện sớm – Khoanh vùng – Cách ly; Điều trị kháng sinh đặc hiệu – Không chờ kết quả vi sinh; Điều trị hỗ trợ – Xử trí biến chứng cấp cứu theo thể bệnh; Theo dõi sát – Điều chỉnh điều trị linh hoạt; Chăm sóc toàn diện – Phục hồi chức năng sau bệnh.
Trong 14 trường hợp nhiễm liên cầu lợn đang được BVTW Huế theo dõi, điều trị, có 1 bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, tai biến mạch máu não, suy đa cơ quan đang được hồi sức tích cực. Hiện, BV huy động toàn bộ nguồn lực, triển khai các kỹ thuật hồi sức cao cấp nhất hiện có tại khoa Hồi sức tích cực chăm sóc cho ca bệnh này.
TS.BS Nguyễn Tất Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực thông tin: “Chúng tôi sử dụng hệ thống lọc máu liên tục (CRRT) nhằm hỗ trợ thận và loại bỏ độc tố do vi khuẩn gây ra. Trong những trường hợp nặng như thế này, điều trị không chỉ dùng thuốc mà còn phải kết hợp các thiết bị hỗ trợ hồi sức hiện đại, phối hợp liên tục giữa các chuyên khoa. So với các ca bệnh nặng khác tại khoa, bệnh nhiễm LCL diễn tiến cực kỳ nhanh, nguy cơ hoại tử mô, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan xảy ra chỉ trong thời gian ngắn, đòi hỏi can thiệp sớm và chính xác. Đây là một thách thức lớn, nhưng chúng tôi đang nỗ lực tối đa để giành giật sự sống cho người bệnh”, BS Dũng nói thêm.
Đẩy mạnh truyền thông từ tuyến y tế cơ sở

Trạm Y tế phường Dương Nỗ tổ chức cuộc họp với các ban ngành, địa phương sau khi trên địa bàn xuất hiện ca bệnh
Cùng với năng lực điều trị ở BVTW Huế, tuyến y tế cơ sở cũng đã chủ động trong công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Thời gian qua, mặc dù số ca mắc bệnh LCL rải rác và chưa ghi nhận ổ dịch, nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu, nhất là trong điều kiện tập quán sử dụng thực phẩm sống, chưa chín kỹ còn phổ biến tại một số địa phương. Để chủ động ứng phó, Sở Y tế TP. Huế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với BVTW Huế nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn các trung tâm y tế cơ sở triển khai công tác điều tra, xác minh, xử lý dịch kịp thời.
Tại cơ sở, các trạm y tế (TYT) xã, phường đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa bàn. Tại phường Kim Long (sáp nhập từ 3 phường Long Hồ, Hương Long và Kim Long), nơi từng xuất hiện ca bệnh, TYT phường đã tăng cường truyền thông trực tiếp đến từng hộ dân, tiểu thương kinh doanh thịt lợn, hộ chăn nuôi… Bác sĩ Nguyễn Lương Hân, Trạm phó TYT phường Kim Long, chia sẻ: “Trạm đẩy mạnh truyền thông ăn chín, uống sôi, không sử dụng tiết canh và các sản phẩm từ thịt sống. Thông tin được truyền tải qua loa phát thanh, pano, áp phích, mạng xã hội và các buổi truyền thông cộng đồng”.

Người dân vẫn tiêu dùng thịt lợn, song tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế
Người dân cũng được hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng bệnh LCL, biện pháp vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm. Trong đó, nhấn mạnh việc sử dụng găng tay, kính bảo hộ khi giết mổ; không xử lý thịt lợn khi có vết thương hở; rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt sống hoặc động vật chết; chỉ mua thịt từ cơ sở đã kiểm dịch thú y. “Gần đây, thông tin về các ca bệnh LCL trên báo chí và mạng xã hội khiến gia đình tôi lo lắng, không dám mua thịt lợn để chế biến thức ăn trong khi đây là món ăn cả nhà ưa thích. Rất may, có cán bộ y tế đến tận nhà truyền thông nên yên tâm và sử dụng trở lại, đồng thời tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế”, bà Nguyễn Thị Nhung, phường Kim Long chia sẻ.
Tại xã Phú Vinh (sáp nhập các xã Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh An và Vinh Thanh), nơi tập trung nhiều cơ sở giết mổ và kinh doanh thịt lợn, nên mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện ca bệnh song công tác truyền thông cũng được triển khai sớm và đồng bộ. TYT xã đã thành lập Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu, Ban phòng chống dịch bệnh, rà soát danh sách cơ sở buôn bán, giết mổ để tập trung truyền thông. “Hiện trên địa bàn có 3 cơ sở giết mổ và hơn 15 cơ sở kinh doanh thịt lợn. Trạm đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ vi khuẩn Streptococcus suis phát triển ở các ổ dịch lợn tai xanh, từ đó khuyến cáo người dân báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường để xử lý kịp thời”, Bác sĩ Đoàn Trọng Sinh, Trạm trưởng TYT xã Phú Vinh thông tin.
Ở cấp quản lý, Sở Y tế TP. Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, cơ quan thú y, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông khuyến cáo người dân, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao”.
Với sự vào cuộc quyết liệt, chủ động và sáng tạo trong truyền thông từ tuyến y tế cơ sở, công tác phòng chống dịch bệnh LCL tại TP. Huế đang từng bước phát huy hiệu quả. Đây cũng là minh chứng cho vai trò nòng cốt của y tế cơ sở trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong việc ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm lây từ động vật sang người.
Một số biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn được chuyên gia khuyến cáo:
Chọn mua thịt lợn có kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn xuất huyết hoặc phù nề. Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO, thịt phải được nấu chín trên 70 độ C. Không ăn lợn chết, các món ăn tái, tiết canh lợn. Người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt cao bất thường sau khi tiếp xúc hoặc ăn thịt lợn nghi nhiễm bệnh.