Chủ động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để hội nhập, phát triển

Trong những năm qua, ngành văn hóa Quảng Trị với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã góp phần xây dựng lối sống đẹp, đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Cùng với đó, ngành còn tích cực xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

 Người dân tham gia hội bài chòi mừng Xuân Canh Tý 2020 tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh -Ảnh: TÚ LINH

Người dân tham gia hội bài chòi mừng Xuân Canh Tý 2020 tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh -Ảnh: TÚ LINH

Góp phần phát triển văn hóa dân tộc

Có thể khẳng định, kể từ khi phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay, thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của ngành văn hóa nên nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên, phong trào càng phát triển mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, tham gia của toàn xã hội.

Hướng Hóa là một huyện miền núi có hơn 9 vạn dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô sinh sống trên địa bàn 21 xã, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở 14 xã vùng bản. Nhờ được chú trọng triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc. Qua đó, các tầng lớp nhân dân đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Hát với cồng chiêng; lễ cúng cơm, A Riêu Ping, mừng lúa mới… được tổ chức với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, cũng như tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em.

Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết: Văn hóa cơ sở, tiêu biểu là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện được triển khai rộng khắp và có hiệu quả, góp phần nâng cao văn hóa trong mọi hoạt động và sinh hoạt của Nhân dân. Phong trào này gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu. Toàn huyện có 13/19 xã phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, trong đó có 6 xã được công nhận lần đầu; 2 thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo đã phát động và được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.

Vĩnh Linh cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết: Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tạo dựng một lối sống văn minh, lịch sự, những phong tục tập quán tốt đẹp, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Toàn huyện Vĩnh Linh có 13/15 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Trên 40 câu lạc bộ gia đình hoạt động có hiệu quả: “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc” của Hội phụ nữ, “Gia đình trẻ” của đoàn thanh niên...

 Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang -Ảnh: TÚ LINH

Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang -Ảnh: TÚ LINH

Ngoài ra công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật chất, tinh thần cũng luôn được địa phương quan tâm. Các hoạt động lễ hội như Lễ hội Rằm tháng 2, múa Chèo cạn ở Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú), múa trống, chạy cù (xã Trung Nam), đua thuyền truyền thống ở thị trấn Cửa Tùng, múa cồng chiêng, ngày văn hóa của người Vân Kiều… được tổ chức thường xuyên.

Mười năm trước, huyện Vĩnh Linh được UBND tỉnh công nhận là huyện điển hình về văn hóa. Phát huy kết quả đã đạt được, Vĩnh Linh tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo nền tảng văn hóa vững chắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Khẳng định tầm quan trọng về vai trò và ý nghĩa của tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Văn Bình cho biết: Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cán bộ và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng nên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Phong trào đã làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 100- CTHĐ/TU ngày 16/10/2014 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 2436/KH-UBND ngày 30/6/2015 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Đặc biệt tập trung cho công tác khoanh vùng cắm mốc bảo vệ di tích, lập hồ sơ, quy hoạch di tích… Ngành đã tham mưu kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam giai đoạn 2018-2023. Xây dựng đề án sưu tầm, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các điệu hò Quảng Trị, làm tiền đề xây dựng và trình HĐND tỉnh Nghị quyết bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị…

Chủ động xây dựng văn hóa hội nhập, phát triển

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 ghi nhận lĩnh vực văn hóa thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, một số chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng gia đình, họ tộc, thôn bản, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh.

Nhiều thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất và hoạt động thể thao được thực hiện từ nhiều nguồn lực xã hội. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm. Nhiệm vụ của giai đoạn 2020-2025 về phát triển văn hóa có điểm nhấn trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án Festival “Vì Hòa bình” vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa quảng bá hình ảnh, văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Trị với du khách trong và ngoài nước. Điều này phù hợp với chiến lược văn hóa của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa cơ sở trong nước ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Bình, để có được các công trình, tác phẩm văn hóa đủ tầm cỡ, mang đậm hơi thở cuộc sống người Quảng Trị đương đại giới thiệu với bạn bè quốc tế thì nguồn lực văn hóa cơ sở phải được phát huy mạnh mẽ. Trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa của tỉnh Quảng Trị hiện nay, lĩnh vực nào cũng có những cá nhân tài năng, có những tác phẩm có thể trò chuyện với bạn bè bằng ngôn ngữ sáng tạo của nghệ thuật thay vì chỉ đơn giản là những câu chuyện kể bám vào ký ức chiến tranh. Khó khăn lớn nhất ở đây chính là khả năng tập hợp lại các cá nhân sáng tạo thành một khối lớn, mạnh mẽ, có khả năng tạo ra các giá trị văn hóa lớn để có được những thế hệ tiếp bước cha ông và ngày càng lớn mạnh.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152355