Chủ tịch Quốc hội: 'Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ban hành từ khi nào mà gây ra vướng mắc như thế?'

Cuối buổi chiều 11-4, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ngay trước đó, UBTVQH đã xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ ngày 12-4, UBTVQH bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt nguyên tắc chung là khẩn trương, nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan hữu quan bảo đảm cho các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ thì mới trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội.

Ngay trước khi bế mạc phiên họp, UBTVQH đã xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, trong năm gần đây, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác này chưa thành nề nếp. Do đó, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 để hướng dẫn về công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở Nghị quyết số 560, với nhiều nỗ lực cố gắng của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, hiệu quả triển khai công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật là khá tốt.

Đáng lưu ý, qua giám sát, có văn bản chậm ban hành đến 8 năm, chứng tỏ từ lâu không có rà soát. “UBTVQH cũng có những văn bản chậm, cần đưa vào báo cáo để bảo đảm khách quan. Mình phải tự soi, tự sửa mình trước”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên đi sâu, phân tích kỹ trường hợp một số văn bản nổi bật từng thời kỳ. Dẫn chứng thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Phải làm rõ ban hành từ khi nào mà gây ra vướng mắc như thế? Và vì sao để sửa chậm như thế? Có những vấn đề rất bức xúc với đời sống xã hội, kinh tế - xã hội như một số nghị định vừa ban hành trong lĩnh vực của Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa sửa xong lại phải sửa lại, như Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp”. Việc giám sát kịp thời, tập trung vào một số văn bản có tính chất cá biệt nổi lên, làm rõ trách nhiệm sẽ có tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ thống.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội

Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.

Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo quy định của Nghị quyết số 560 về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Về cơ bản, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2021.

Tuy nhiên, tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong một số luật như: Bộ luật Lao động; Bộ luật Hàng hải Việt Nam; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Dược; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đại biểu dự phiên họp chiều 12-4

Đại biểu dự phiên họp chiều 12-4

Về kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, theo báo cáo của các cơ quan Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có 1 nghị định ban hành chậm hơn 10 tháng, 1 thông tư ban hành chậm 11 tháng…

Đặc biệt, về thẩm quyền ban hành, vẫn còn tình trạng ủy quyền tiếp trong văn bản quy định chi tiết là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-tich-quoc-hoi-thong-tu-huong-dan-dau-thau-thuoc-vat-tu-thiet-bi-y-te-ban-hanh-tu-khi-nao-ma-gay-ra-vuong-mac-nhu-the-post685379.html