Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Morocco
Tối 24/7 theo giờ địa phương (rạng sáng 25/7 theo giờ Hà Nội), chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ thủ đô Dakar, Senegal đã tới sân bay Salé Rabat, Thủ đô Rabat bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Morocco từ 24-27/7 theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami.

Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc Rachid Talbi Alami đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay Sale Rabat. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami ra sân bay đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Ngay sau lễ đón tại sân bay, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami.
Morocco được biết đến là quốc gia nằm ở Bắc Phi, tiếp giáp biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, là quốc gia gần châu Âu nhất, đồng thời là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do với EU, Mỹ, Liên minh châu Phi. Đây cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc tốp đầu của Châu Phi.
Đây là chuyến thăm chính thức Morocco đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau 6 năm. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2026. Sau gần 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Morocco ngày càng phát triển trên cả 3 kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hai bên thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Morocco hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại Bắc Phi, với kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm từ 13- 14%/năm, từ 169,2 triệu USD năm 2017 lên trên 300 triệu USD năm 2024, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 290 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, cà phê, hạt tiêu, dệt may, vải sợi các loại và nhập khẩu thức ăn gia súc, phân bón…
Chuyến thăm Morocco của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định sự tin cậy chính trị và mong muốn chân thành của Việt Nam trong việc thúc đẩy, tạo bước ngoặt mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt với Morocco.
Ngoại giao nghị viện là điểm sáng đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Morocco, gắn với nhiều dấu mốc hết sức quan trọng trong hợp tác song phương.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc cùng bà con người Việt Nam đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân. Ảnh: quochoi.vn
Các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cơ quan lập pháp hai nước được đánh giá sôi nổi và đa dạng nhất trong số hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Đã có ít nhất 3 chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Morocco tới Việt Nam, lần lượt các năm 2015, 2017, 2025.
Về phía Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm thứ ba của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tới Morocco kể từ năm 2005 đến nay.
Morocco là quốc gia châu Phi đầu tiên Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác nghị viện, tạo khung pháp lý quan trọng cho hợp tác song phương, thể hiện sự coi trọng vai trò của cơ quan lập pháp trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Năm 2020, tại Đại hội đồng Diễn đàn Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41 do Quốc hội Việt Nam chủ trì, Hạ viện Morocco đã trở thành Nghị viện châu Phi đầu tiên được công nhận tư cách quan sát viên của AIPA. Điều này thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Việt Nam đối với vai trò của Morocco trong khu vực.
Nghị viện hai nước cũng đã lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, đóng vai trò cầu nối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện trong các lĩnh vực tiềm năng.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Morocco; ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội; dự tọa đàm chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Morocco; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Morocco…
Nhân chuyến thăm, hai bên sẽ rà soát kết quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác nghị viện, đề ra định hướng cho quan hệ giữa hai nước nói chung, hai cơ quan lập pháp nói riêng trong thời gian tới với nội hàm tập trung vào củng cố quan hệ chính trị, nghị viện, tạo xung lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực, nhất kinh tế, thương mại, đầu tư…
Chuyến thăm cũng mở ra cơ hội tiếp xúc, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Morocco và Việt Nam đang rất quan tâm như tài chính - ngân hàng, đường sắt tốc độ cao, năng lượng tái tạo, logistic...