Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quan trọng nhất vẫn là hành động của chính các doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ, Quốc hội/nghị viện hai nước sẽ tạo mọi khuôn khổ, chính sách, thể chế để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hành động của chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, một ý tưởng đầu tư cũng có thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Australia, tại trụ sở Đại học RMIT, thành phố Melbourne, bang Victoria, chiều 2.12, giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia.

Cùng dự có: Thị trưởng TP. Melbourne Sally Capp, đại diện Chính phủ bang Victoria, Cao ủy Đông Nam Á bang Victoria Rebecca Hall, Giám đốc điều hành Asia Society Australia Philipp Ivanov cùng đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước tham dự.

Hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng còn thấp so với tiềm năng, nhu cầu

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quan hệ chính trị tin cậy và rất tốt đẹp là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của hai nước, trong đó, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư là động lực quan trọng cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Cùng với đó, giao lưu nhân dân là chất xúc tác cực kỳ mạnh mẽ. Cộng đồng Việt Nam tại Australia hiện có khoảng 350.000 người, là cộng đồng lớn thứ 5 của nước ngoài tại Australia, trong đó có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các tiểu bang của Australia, đứng thứ tư trên toàn thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal). Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những sứ giả của tình hữu nghị, chất xúc tác cho quan hệ của hai nước.

Năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên cũng đang hướng tới việc nâng cấp quan hệ vào thời điểm phù hợp trong tương lai.

Với mối quan hệ như vậy, thì hiệu quả và kết quả hợp tác kinh tế thương mại đầu tư đến nay giữa hai nước đã hài lòng hay chưa? Đặt câu hỏi này với các đại biểu hai nước tham dự Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "câu trả lời vừa có, lại vừa chưa". Bởi hai nước đã có kim ngạch thương mại song phương khoảng 15 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù là thời điểm bị tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19 nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước không những không giảm đi mà còn tăng lên gần 50%. 10 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Australia đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Những con số trên đây thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhưng "vẫn còn thấp so với tiềm năng, nhu cầu hiện có của hai nước", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, theo số liệu chính thức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Australia hiện đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 1,9 tỷ USD, ở chiều ngược lại đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Australia cũng mới chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, rất thấp so với tiềm năng của mối quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước và Viện Chính sách Australia - Việt Nam giải mã vấn đề này. Tại sao Australia có tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài rất lớn, còn Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả về số lượng và hiệu quả đầu tư, nhưng đầu tư giữa hai nước lại vẫn còn khiêm tốn như vậy, từ đó, khuyến nghị cho cả Chính phủ và doanh nghiệp hai nước để nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả đầu tư giữa hai nước.

Khẳng định mạnh mẽ rằng, Chính phủ, Quốc hội/nghị viện hai nước sẽ tạo mọi khuôn khổ, chính sách, thể chế để hỗ trợ các doanh nghiệp, song, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, điều quan trọng nhất vẫn là hành động của chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, một ý tưởng đầu tư cũng có thể trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cam kết, Việt Nam luôn chú trọng công tác cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, không ngừng hoàn thiện thể chế theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính nhờ sự cầu thị và nỗ lực như vậy nên từ một đất nước gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trên 6% trong suốt 35 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thuộc Top 3 của Đông Nam Á.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong các doanh nghiệp Australia đến Việt Nam nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư; đồng thời bày tỏ mong chờ những Diễn đàn tương tự sẽ được tổ chức nhiều hơn và những người tham dự sẽ trở thành những “con chim đầu đàn” mang đến động lực và sức sống cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Việt Nam là ưu tiên hàng đầu đối với tiểu bang Victoria

Tại Diễn đàn, thay mặt lãnh đạo thành phố Melbourne, Thị trưởng Sally Capp bày tỏ vinh dự được chào đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, đại diện doanh nghiệp hai nước tới Melbourne tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.

Đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Nhấn mạnh mối quan hệ hai nước đã phát triển trên chặng đường dài, với gần nửa thế kỷ, Thị trưởng Sally Capp cũng chia sẻ niềm tự hào khi thành phố Melbourne được đóng góp một phần tích cực trong mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó. Hiện nay, số lượng du học sinh Việt Nam tại Melbourne chiếm khá lớn. Cộng đồng người Việt Nam tại bang Victoria có hơn 180 nghìn người, ngôn ngữ tiếng Việt được nói nhiều ở đây. Trường Đại học RMIT có trụ sở chính tại Melbourne và đã có 22 năm hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Viện Chính sách Australia - Việt Nam - cơ quan nghiên cứu chính sách đầu tiên của Australia về Việt Nam và quan hệ Australia - Việt Nam cũng được thành lập tại thành phố Melbourne. Thành phố cũng có tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh. Thị trưởng Sally Capp khẳng định, chính quyền thành phố và Tiểu bang Victoria đều mong muốn mở rộng mối quan hệ với Việt Nam.

Cao ủy Đông Nam Á bang Victoria Rebecca Hall nhấn mạnh, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu đối với tiểu bang Victoria. Việt Nam là thị trường rất quan trọng của Tiểu bang Victoria, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng. Hiện doanh nghiệp Australia quan tâm lĩnh vực làm đẹp, y tế, chăm sóc mẹ, bé, mẫu giáo… tại Việt Nam. Đánh giá rất cao việc lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới, bà Rebecca Hall khẳng định sẵn sàng cho việc nâng cấp quan hệ hai nước.

Cam kết kiến tạo, đột phá trong cải cách môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, tác động của đại dịch Covid - 19 và những yếu tố rủi ro bất định mới, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, đứt gẫy chuỗi cung ưng toàn cầu… đang làm thay đổi hoàn toàn cục diện thương mại thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn

Nắm bắt cơ hội từ những biến động, Việt Nam hiện vẫn được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng cao, độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, kết nối với hơn 2/3 dân số và 3/4 thị trường tiêu dùng của thế giới.

Với lợi thế và nỗ lực của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế tính đến tháng 11.2022, Việt Nam đã thu hút 36.109 dự án từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đăng ký là 437,52 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại của Việt Nam và Australia đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần rất lớn vào sự phát triển quan hệ song phương. Hai nước đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và cùng là thành viên trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hợp tác kinh tế. Gần đây hai nước đã thông qua chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Australia hỗ trợ mục tiêu chung của Việt Nam và Australia để tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Nhấn mạnh lại kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu kinh doanh, đầu tư Australia năm 2021 có gần 50% doanh nghiệp Australia nhận định cơ hội đầu tư ở Việt Nam là rất tiềm năng và sẽ đầu tư trong thời gian tới, lãnh đạo các Bộ, ngành Việt Nam mong các doanh nghiệp Australia tiếp tục nghiên cứu, mở rộng đầu tư sang Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế như: đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu mở rộng đầu tư tại Australia trên cơ sở tuân thủ nghiêm pháp luật hai nước.

Cùng với nỗ lực chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu, kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Australia đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Australia về Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; nêu rõ việc cơ cấu lại nông nghiệp tại vùng này là hết sức cần thiết để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, định hướng chung là sẽ điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn, phù hợp với từng tiểu vùng, xây dựng cơ cấu nông nghiệp hợp lý trên nền tảng tự chủ về giống, tự chủ về công nghệ, tự chủ chế biến, từ đó tạo cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp Australia về kinh tế dịch vụ của Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, lĩnh vực này đang phát triển nhanh và có tiềm năng lớn hơn khi thu nhập dân cư đang tăng. Việt Nam và Australia là thành viên của 3 hiệp định thương mại tự do quan trọng là CPTPP, RCEPT và Australia - ASEAN. Trong cả ba hiệp định này, Việt Nam đều đưa ra cam kết rất cao, tất cả dịch vụ như dịch vụ kiến trúc, dịch vụ cảnh quan đô thị, dịch vụ tư vấn kỹ thuật, quy hoạch gần như không có rào cản…

Đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam- Australia. Ảnh: Doãn Tấn

Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam có cơ chế chính sách thu hút tạo điều kiện tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh trong 3 lĩnh vực thế mạnh: nông nghiệp, giáo dục, hậu cần, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng tại diễn đàn, đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi đầu tư tại Melbourne, doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng còn gặp một số khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính.

Phạm Thúy (Từ TP. Melbourne, Australia)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-quan-trong-nhat-van-la-hanh-dong-cua-chinh-cac-doanh-nghiep-i309970/