Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nepal với hàng loạt dự án, Ấn Độ trông chừng

Chiều 12/10, Nepal trải thảm đỏ chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Nepal sau chuyến thăm của ông Giang Trạch Dân năm 1996.

Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự, ngày 12/10 tại Kathmandu. (Nguồn: Nepali Times)

Ông Tập Cận Bình đến Nepal ngay sau khi kết thúc Thượng đỉnh không chính thức với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại bang Tamil Nadu. Trong 24 giờ tại Kathmandu, nhà lãnh đạo Trung Quốc có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Bidya Devi Bhandari, Thủ tướng KP Sharma Oli và các cựu Thủ tướng Sher Bahadur Deuba và Pushpa Kamal Dahal.

Tuy nhiên, sự chú ý lại đang tập trung vào các thỏa thuận mà hai nước láng giềng sẽ ký kết và ý nghĩa chính trị của chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc đến Nepal sau 23 năm

“Cơn mưa” dự án

Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác giữa Nepal và Trung Quốc. Nhiều điều khoản trong chương trình nghị sự của chuyến thăm đã được cuộc họp Nội các Nepal thông qua một ngày trước đó song số lượng và nội dung một số thỏa thuận vẫn đang tiếp tục được quan chức hai bên trao đổi.

Theo các nguồn tin của tờ Kathmandu Post, ưu tiên cao trong chương trình nghị sự là việc chuẩn bị báo cáo chi tiết dự án tuyến đường sắt Kerung-Kathmandu do Trung Quốc viện trợ. Hai bên cũng đã đạt được đồng thuận trong hai thỏa thuận quan trọng liên quan đến sự phát triển của ngành năng lượng Nepal, trong đó có việc hồi sinh Dự án Thủy điện Budhi Gandaki có công suất 1.200MW, vốn “đắp chiếu” trong một thời gian dài.

Thủ tướng KP Oli và Phó Tổng thống Nanda Bahadur Pun chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Tribhuvan. (Nguồn: Nepali Times)

Ông Naraya Kaji Shrestha, Người phát ngôn của Đảng Cộng sản Nepal (NCP) cầm quyền cho hay, Thủ tướng Oli đã thông tin với các cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Nepal rằng một số thỏa thuận liên quan đến cơ sở hạ tầng và kết nối cùng với bản ghi nhớ về giảm thuế đối với các sản phẩm của Nepal xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được ký kết trong chuyến thăm này.

“Các vấn đề khác như đường dây truyền tải điện xuyên biên giới và các biện pháp giảm khoảng cách thương mại cũng sẽ được thảo luận với phía Trung Quốc”, ông Naraya nói.

Trung Quốc đã nhất trí mở rộng hỗ trợ thành lập Đại học Khoa học và Công nghệ Madan Bhandari ở Chitlang, Makwanpur. Dự án trị giá 43 tỷ rupee (khoảng 380 triệu USD) sẽ chào đón hơn 4.000 sinh viên theo học các ngành về khoa học và công nghệ, nhân văn, xã hội học, quản lý và luật.

Ít nhất ba hành lang Bắc – Nam là Koshi, Karnali và Gandaki, liên kết biên giới Ấn Độ và Trung Quốc cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm. Các thỏa thuận về việc xây dựng đường hầm Tokha-Chahare dài 6km, đường bộ đến Rasuwagadhi qua Betrawati ở Nuwakot và đoạn đường Kimathanka- Hile cũng sẽ được ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước.

Ngoài ra, hai bên sẽ bàn đến việc nâng cấp các trạm biên giới Kimathanka và Korala và đường cao tốc Araniko. Phía Nepal đã đề xuất mở rộng đường cao tốc Kodari - đường cao tốc duy nhất kết nối Nepal và Trung Quốc.

Nguồn tin từ Chính phủ Nepal cho hay, hiệp định dẫn độ với Trung Quốc sẽ là một chủ đề thảo luận trong chương trình nghị sự, trên tinh thần của Tuyên bố chung về chuyến thăm của Thủ tướng Oli tới Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái. Bản dự thảo đã được hai bên thống nhất song sẽ không ký kết vào dịp này.

Hàm ý chiến lược

Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện nhiều trên đường phố Kathmandu. (Nguồn: Nepali Times)

Với số lượng dự án “khủng”, chuyến thăm nhấn mạnh hàm ý của Bắc Kinh trong việc gia tăng sự quan tâm đến Nam Á như một trung tâm chiến lược cho các dự án năng lượng và trung chuyển. Giáp với Tây Tạng và miền Bắc Ấn Độ, Nepal là ứng cử viên sáng giá cho tuyến đường sắt xuyên biên giới mới theo Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) nhằm kết nối Trung Quốc với tiểu lục địa.

Về mặt lịch sử, quốc gia Himalaya từ lâu chứng kiến cuộc chạy đua mở rộng phạm vi ảnh hưởng của hai “gã láng giềng khổng lồ”. Mặc dù Nepal có truyền thống gần gũi với Ấn Độ, nhưng trong những năm gần đây, việc các nhà đầu tư Trung Quốc hào phóng bơm nhiều triệu USD vào Nepal đã làm giảm bớt ưu thế của Ấn Độ tại một trong những quốc gia kém phát triển nhất châu Á.

Quan hệ láng giềng hữu hảo giữa Ấn Độ và Nepal từng xuống mức thấp trong năm 2015, khi Nepal ban hành Hiến pháp mới và Ấn Độ đã không chính thức áp đặt lệnh phong tỏa biên giới, khiến việc giao thương bị đình trệ trong nhiều tháng. Nepal dưới thời Thủ tướng K.P. Sharma Oli đã cố gắng đa dạng hóa các thỏa thuận thương mại và giảm dần sự phụ thuộc vào Ấn Độ.

Trong khi đó, các khoản viện trợ của Trung Quốc cho Nepal còn rất “nhỏ giọt” so với hàng tỷ USD đầu tư vào các nước Nam Á khác như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives. Và điều này sẽ sớm thay đổi với chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tới Nepal.

Việc Kathmandu mở rộng cửa với Bắc Kinh – động thái khiến New Delhi không hài lòng, không có nghĩa là đang quay lưng với New Delhi. Theo ông Rajan Bhattarai, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Oli, nguyên tắc cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Nepal là làm bạn với tất cả, không gây thù với bất cứ nước nào.

Nepal chủ trương cân bằng trong quan hệ với hai "gã láng giềng khổng lồ". (Nguồn: Eurasiantimes)

Chắc chắn rằng việc cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc không phải là sứ mệnh dễ dàng đối với nước nhỏ như Nepal. Nepal không dễ chối bỏ sự gắn bó về mặt lịch sử và văn hóa với Ấn Độ - “người anh cả ở Nam Á” với vị thế quốc tế ngày càng cao dưới thời Thủ tướng Modi nhưng cũng không thể nói “không” với những khoản đầu tư hấp dẫn do Trung Quốc mang lại, nhất là trong bối cảnh đất nước này cần tiềm lực cho công cuộc tái thiết sau thảm họa động đất năm 2015.

Vốn là “kẻ đi sau” so với Sri Lanka và Maldives trong tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc, Nepal đang rút kinh nghiệm để không trở thành nạn nhân trong chính sách “ngoại giao tờ séc” của Bắc Kinh. Chủ đề này đã được trao đổi nhiều trong Chính phủ cũng như giới học giả Nepal.

Hôm 10/10, Thủ tướng KP Oli và Ngoại trưởng Pradeep Gyawali trong cuộc thảo luận kéo dài 4 tiếng đồng hồ với các cựu Thủ tướng và quan chức một lần nữa được khuyến cáo “không bán lợi ích quốc gia cho Trung Quốc” và tránh rơi vào “bẫy nợ” của anh bạn láng giềng này.

Tất nhiên, chuyến thăm không đơn giản là chuyện ký kết các thỏa thuận, dù cho không ít thỏa thuận ký kết mà không thực hiện được hoặc trì trệ trong nhiều năm. Sự hiện diện của nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại Nepal sau hơn 2 thập niên, riêng hình ảnh đó đã có ý nghĩa biểu tượng to lớn.

Ấn Độ có lý do để quan ngại. Xem ra "chiến trường" Nam Á vốn được coi là sân sâu của New Delhi khó mà yên ả khi mà “vòi bạch tuộc” của Trung Quốc không muốn bỏ sót bất cứ nơi nào, từ việc chào đón Thủ tướng Pakistan Imran Khan hay cái bắt tay chặt với các nhà lãnh đạo Nepal...

Diễm Hạnh

Diễm Hạnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-tap-can-binh-den-nepal-voi-hang-loat-du-an-an-do-trong-chung-102635.html