Chủ tịch xã được ban bố phòng thủ dân sự

Chủ tịch UBND cấp xã ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý; được áp dụng biện pháp sơ tán người, tài sản, cấm, hạn chế người vào khu vực nguy hiểm.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó có Luật Phòng thủ dân sự.

Theo đó, phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp xã khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các lực lượng khác trên địa bàn cấp xã.

Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp xã.

 Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Ảnh: Phạm Hải

Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Ảnh: Phạm Hải

Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.

Luật mới quy định, Chủ tịch UBND cấp xã ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý. Theo luật cũ, ở cấp độ 1 thì do Chủ tịch UBND cấp huyện ban bố, bãi bỏ. Sau khi không còn cấp huyện thì chuyển thẩm quyền này đã chuyển về cho Chủ tịch cấp xã.

Chủ tịch xã được quyết định áp dụng biện pháp: sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; Bảo đảm phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người trong khu vực xảy ra sự cố, thảm họa; cấm, hạn chế người, phương tiện vào những khu vực nguy hiểm; Phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố, thảm họa...

Chủ tịch cấp xã, cấp tỉnh phải thường xuyên theo dõi tình hình sự cố, thảm họa

Trước khi luật được Quốc hội thông qua, có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định về phòng thủ dân sự cấp độ 1 và phòng thủ dân sự cấp độ 2; quy định như dự thảo luật chưa rõ ràng, cụ thể, có thể gây ra cách hiểu khác nhau hoặc khó khăn trong việc phân định cấp độ.

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết, điều kiện, tiêu chí để ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1 là sự cố, thảm họa xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra trên địa bàn cấp xã, vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng khác trên địa bàn cấp xã.

Khi xảy ra sự cố, thảm họa hoặc nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa mà chưa ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1, các lực lượng thực hiện ứng phó theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).

Trường hợp các biện pháp ứng phó, khắc phục theo pháp luật chuyên ngành này không hiệu quả, cần biện pháp mạnh hơn, thậm chí phải hạn chế quyền con người, quyền công dân, hoặc cần huy động nhiều nguồn lực để ứng phó, thì chủ tịch xã ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1, để có cơ sở áp dụng biện pháp mạnh, hiệu quả hơn, huy động được nhiều nguồn lực đáp ứng yêu cầu ứng phó với sự cố, thảm họa.

Còn điều kiện, tiêu chí để ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2 là sự cố, thảm họa xảy ra hoặc đe dọa xảy ra trên địa bàn một hoặc một số xã trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp xã thì chủ tịch tỉnh ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2.

Việc luật tiếp tục quy định 3 cấp độ phòng thủ dân sự là kế thừa quy định của luật cũ nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế.

Từ những nội dung trên, Chính phủ thấy rằng tiêu chí để ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2 là cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng; đồng thời giao trách nhiệm cho chủ tịch cấp xã, cấp tỉnh phải thường xuyên theo dõi tình hình sự cố, thảm họa và hoạt động của lực lượng phòng thủ dân sự trên địa bàn...

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-tich-xa-duoc-ban-bo-phong-thu-dan-su-2415763.html