Chủ tịch xã, phường tại Đà Nẵng chịu trách nhiệm nếu dịch tả lợn châu Phi lan rộng
Ngày 25/7, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Lực lượng dân quân phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng đưa lợn bị chết đi tiêu hủy. Ảnh: Tấn Thành.
Theo công điện, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trực tiếp nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm dẫn đến dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn trên địa bàn. Đặc biệt, đối với địa phương đang có ổ dịch, cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác ra môi trường và tổ chức tiêu hủy kịp thời theo quy định.
Các tổ xử lý ổ dịch, tổ phun tiêu độc, khử trùng phải được kích hoạt, thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, giám sát chặt quá trình tiêu hủy. Cùng với đó là tăng cường lập chốt chặn, đội kiểm tra lưu động để kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra - vào vùng dịch. Các xã, phường chưa phát hiện dịch bệnh cũng được yêu cầu thống kê đàn lợn, thực hiện sát trùng định kỳ và vận động người chăn nuôi xuất bán sớm lợn khỏe mạnh nhằm giảm thiểu rủi ro nếu dịch bùng phát.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Đà Nẵng được giao làm đầu mối chủ trì triển khai, phối hợp kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ; tăng cường kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển tại trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phòng chống dịch. Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan báo chí được phân công phối hợp trong công tác truyền thông, hậu cần và kiểm soát thị trường.
Công an TP Đà Nẵng, Bộ đội biên phòng và chính quyền các cấp cũng được yêu cầu vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và sản phẩm không rõ nguồn gốc, trái phép.
Trên địa bàn TP Đà Nẵng tính từ ngày 1 đến 21/7, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 438 hộ chăn nuôi thuộc 118 thôn, 23 xã/phường với 1.194 con lợn bị tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 77 tấn. Nguy cơ dịch lan rộng trong thời gian tới được đánh giá là rất cao.