Chú trọng công tác phòng, chống bệnh dại

Vừa qua, một trường hợp cháu bé trên địa bàn xã Trị Quận, huyện Phù Ninh đã tử vong thương tâm do dương tính với vi-rút dại. Cụ thể, cuối tháng 5/2022, cháu L.B.A khi chơi trước nhà và bị chó của gia đình cào một vết xước da giữa hai cung lông mày, dù đã rửa vết thường, nhưng gia đình không đưa cháu đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Những ngày sau đó, cháu có biểu hiện sốt, co giật, tiết nước bọt, mệt mỏi, không ngủ được, tăng kích thích dẫn đến tử vong. Sự việc trên cho thấy, chỉ vì sự chủ quan mà hậu quả để lại là một sự việc vô cùng đau lòng.

Cán bộ trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hạ Hòa tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống bệnh dại trên vật nuôi.

Đồng chí Vũ Thị Hương Giang – Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại trên địa bàn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác tiêm phòng vắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn toàn xã Trị Quận, yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng đạt 70% tổng đàn trở lên. Tập trung tiến hành điều tra thông tin tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện khác thường như: Ốm, sốt, bỏ ăn, chảy dãi nhiều, liệt chi, cào, cắn người,… cần báo ngay cho cán bộ phụ trách thú y, trưởng khu dân cư, UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại một số địa phương, công tác quản lý động vật nuôi, đặc biệt đàn chó, mèo còn lỏng lẻo, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý như thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng vắc-xin dại… Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn ít; người nuôi chó, mèo không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt. Nhiều nơi, kinh tế người dân vẫn còn khó khăn và có tâm lý chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, từ đó dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng còn chưa cao.

Theo thống kê, hiện nay số lượng vật nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đàn chó, mèo tương đối lớn (hơn 247 nghìn con). Thời gian qua, các cấp, ngành địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại trên vật nuôi. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiêm phòng dại cho vật nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là nhận thức của người dân còn thấp, chưa nắm được những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi, chưa chấp hành việc tiêm phòng dại cho chó, mèo,... Một bộ phận cá nhân vẫn có thói quen thả rông vật nuôi nên việc tổ chức bắt nhốt để tiêm phòng gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế, khi các địa phương xuất hiện ổ dịch dại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương nhanh chóng tổ chức các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại trên động vật như: Lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh; điều tra tổng đàn nguy cơ; tiêu hủy động vật mắc bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Các trường hợp người dân không may bị chó, mèo cắn, cào… phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ, không nên tự chữa trị.

Tính riêng chín tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 39 trường hợp chó, mèo mắc bệnh dại tại 10/13 huyện, thành, thị, trong đó: Thanh Thủy 6 ổ dịch; Thanh Ba 6 ổ dịch; Cẩm Khê 1 ổ dịch; Phù Ninh 4 ổ dịch; Tân Sơn 9 ổ dịch; thị xã Phú Thọ 1 ổ dịch; Đoan Hùng 2 ổ dịch; Lâm Thao 2 ổ dịch; Việt Trì 7 ổ dịch; Yên Lập 1 ổ dịch. Hiện nay, 13/13 huyện, thành, thị đã triển khai tiêm vắc – xin hai đợt với số chó, mèo tiêm được là hơn 44 nghìn con. Tuy nhiên, xét tổng đàn chó mèo trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt hơn 18%; đối với các xã đã xuất hiện dịch, tỷ lệ này đạt gần 58% tổng đàn.

Nhằm tiếp tục chủ động ngăn chặn, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trên động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chuyên mục, phóng sự, tin, bài tuyên truyền về phòng, phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dại; cấp phát 2.688 tờ rơi, đề can về phòng chống bệnh dại.

Cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo theo quy định, đăng ký, xích nhốt, không thả động vật chạy rông và đeo rọ mõm khi ra đường. Đặc biệt, nếu trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào… phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ; đồng thời, báo cáo thông tin cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bệnh, để phát sinh ổ dịch dại trong cộng đồng.

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/chu-trong-cong-tac-phong-chong-benh-dai/187435.htm