Chú trọng kiểm toán để bịt 'kẽ hở' trong cổ phần hóa

Bên cạnh việc chỉ ra nguyên nhân cổ phần hóa chậm, các đại biểu cũng nêu vấn đề về chất lượng cổ phần hóa, những sai phạm cũng như 'kẽ hở' trong cổ phần hóa.

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 24-11, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, tại Hà Nội.

Từ năm 2016 đến nay, 177 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ mới tiến hành cổ phần hóa được 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019, mới đạt 28% kế hoạch.

Tại hội thảo, bên cạnh chỉ ra nguyên nhân cổ phần hóa chậm, các đại biểu cũng nêu vấn đề về chất lượng cổ phần hóa, những sai phạm cũng như "kẽ hở" trong cổ phần hóa.

Đại diện ACCA Việt Nam đánh giá, thực tế tại Việt Nam, việc xác định giá trị tài sản còn thiếu chính xác; xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho còn sai sót, từ đó dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất... Những khó khăn trong xử lý tài chính, tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cổ phần hóa chậm phần lớn là bởi thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… chưa được hướng dẫn cụ thể khiến việc xác định giá khởi điểm của doanh nghiệp khó khăn, ách tắc.

Đáng chú ý, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra những “kẽ hở” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công...

Cần kiểm toán các bước trong quá trình cổ phần hóa

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, từ năm 2017 đến nay, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa được quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… Kiểm toán nhà nước đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản là hơn 15.680 tỷ đồng.

Trước những bất cập này, nhiều đại biểu đề xuất sớm sửa đổi các quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, bịt lỗ hổng về chính sách, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước không chỉ chú trọng kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, mà nên tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa, thậm chí kiểm toán cả sau khi cổ phần hóa.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/984409/chu-trong-kiem-toan-de-bit-ke-ho-trong-co-phan-hoa