Chúa Trịnh làm nhục quận He, quận Hẻo như thế nào?

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai cuộc nổi loạn làm cho chúa Trịnh bấy lâu mất ăn mất ngủ suốt bao năm, thì những người cầm đầu đều bị sa lưới.

Những cuộc nổi dậy của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương và quận He Nguyễn Hữu Cầu gây cho nhà Lê - Trịnh nhiều vất vả. Nhưng sau rốt, hai cuộc khởi nghĩa ấy cũng thất bại trong tay quân tướng triều đình. Và hai kẻ anh hùng sa cơ kia, một phen bị chúa Trịnh làm nhục.

Kẻ rót rượu, người thổi tiêu

Sử cũ cho hay, ngày 28 tháng Chạp năm Canh Ngọ (1750) thuộc tướng của Phạm Đình Trọng, Thống lĩnh đạo Nghệ An là Viêm Thọ hầu Phạm Đình Sĩ bắt được Nguyễn Hữu Cầu ở địa phận huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sang đầu năm Tân Mùi (1751) Nguyễn Danh Phương trong lúc thế cùng lực kiệt khi bị quân chúa Trịnh truy đuổi, giả làm lính bị thương, sai đồ đảng cáng ra chân núi ở phần đất xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch, bị người đi do thám biết, phục binh vây bắt được.

Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, hai cuộc nổi loạn làm cho chúa Trịnh bấy lâu mất ăn mất ngủ suốt bao năm, thì những người cầm đầu đều bị sa lưới.

Kị binh, họa tiết trên diềm đình Liên Hiệp thế kỷ 17.

Kị binh, họa tiết trên diềm đình Liên Hiệp thế kỷ 17.

Theo như ghi chép trong Đại Việt sử ký tục biên, ngày 22 tháng 3 năm Tân Mùi (1751), chúa Trịnh Doanh cho mở tiệc khao các hàng văn võ và các tướng sĩ, định công sự nghiệp bình Tây: “Lúc bấy giờ Phạm Đình Sĩ đóng cũi giải “nghịch” Cầu vừa đến hành tại Hương Canh, chúa đương dự tiệc khao các quan, bèn sai Cầu thổi sáo, Phương rót rượu, ba quân vui mừng reo vang như sấm”. Trong bản A.4, một bản Đại Việt sử ký tục biên khác, ghi về sự kiện này, cũng với những tình tiết tương tự: “Nhân mở tiệc lớn đãi tướng sĩ ở Gò Lư (Xuân Hy) sai Cầu thổi tiêu, Phương rót rượu”.

Sau chiến thắng bắt được Phương và Cầu, rồi lại bắt phải rót rượu, thổi sáo mua vui, đoàn quân chúa Trịnh Doanh lai kinh, tâu việc thắng trận lên vua Lê. Vẫn sách trên chép: “Ngày Bính Thân (29) dâng tù ở Thái miếu, sai giam cả ở ngoài cửa phủ, xa gần người xem chen chúc. Cầu mưu vượt ngục bị lộ chuyện, bèn đem chém cùng với Phương, truyền thủ cấp đi bốn trấn”. Án tử dành cho Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương, gần như đã là điều ắt phải có, bởi tội phản loạn chống lại triều đình, theo Quốc triều hình luật chỉ có thể khép vào án tử mà thôi, mấy kẻ được ân xá trừ khi quay đầu sớm. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây, là cái cảnh thổi sáo, rót rượu kia!

Sử Việt bao đời, hẳn chưa từng thấy cái cảnh tượng này, người thắng trận ca khúc khải hoàn, kẻ chiến bại rót rượu, thổi sáo hầu bên. Đấy có phải là cách hạ bệ của chúa Trịnh đối với hai kẻ chọc trời khuấy nước chống lại nhà chúa? Nhưng rất rõ là những tù binh trong tay chúa Trịnh lúc ấy, theo sử cũ ghi lại ở trên, đã phải làm trò mua vui cho chúa Trịnh Doanh để thỏa công khó nhọc bao lâu bình định hai tên “giặc” làm cho chúa nhiều phen mất ăn mất ngủ, và việc phải hạ mình kẻ thổi sáo mua vui, người rót rượu phục vụ, chính là cách hạ nhục với hai tay anh hùng này. Bấy lâu nay họ chống lại quân tướng triều đình, thân gươm thân đao khí thế rợp trời dậy đất, mà giờ phải làm hành động ấy, có khác gì như Hàn Tín phải lòn trôn?

Muốn biết rõ hơn làm sao chúa Trịnh Doanh lại có hành động tức thời với hai kẻ thất trận như vậy, hẳn phải biết qua về cuộc nổi dậy của Quận He và Quận Hẻo.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Như ta đã biết, nhà Lê Trung hưng vương triều sau khi bị nhà Mạc cướp ngôi, vua Lê được lập nên nhưng đằng sau ngai vàng của vua, là quyền lực của chúa Trịnh. Bởi vậy mà bên cạnh cung vua là phủ chúa (phủ Liêu). Thời Lê Trung hưng (1533 - 1789) tình hình Đại Việt có nhiều biến động, hết chia Nam triều - Bắc triều, rồi lại đến phân tách Đàng Trong - Đàng Ngoài. Đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 18, tình hình Đàng Trong - Đàng Ngoài xáo động mạnh.

Ở Đàng Trong, loạn thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, một tay che mờ nhà chúa, để rồi sau đó nửa cuối thế kỷ 18, chúa Trịnh từ đất Bắc Hà đưa quân vào Nam Hà, làm cho chúa Nguyễn phải bôn ba khắp nơi. Thêm vào đó là cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn, càng làm cho tình hình Đàng Trong không yên.

Tàu chiến Đàng Ngoài qua minh họa của người Tây phương.

Tàu chiến Đàng Ngoài qua minh họa của người Tây phương.

Còn ở Đàng Ngoài, các nhà sử học thống kê, thế kỷ 18 là thế kỷ chiến tranh nông dân. Liền liền các cuộc nổi dậy ở khắp nơi trong cõi Bắc Hà chống lại nhà chúa, nhất là từ thời chúa Trịnh Giang trở đi, như Việt Nam sử lược có nhận xét: “Nhưng mà từ khi Trịnh Giang lên nối nghiệp chúa, giết vua Lê, hại cả các quan đại thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn và làm lắm điều tàn ác. Tính ông ấy đã tàn ngược lại hay tiêu dùng xa xỉ, thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng, dân tình khổ sở, giặc giã nổi lên khắp cả mọi nơi”. Dựa vào sự bất mãn của người dân, đặc biệt là nông dân bị bần cùng hóa, Việt sử khảo lược cho hay, các tay anh hùng nổi dậy “lợi dụng nỗi đồ thán của nông dân để lập một triều đại mới […] cướp của nhà giàu chia cho kẻ nghèo. Vì vậy nông dân lũ lượt vác bừa gậy đi theo chúng phá hương thôn, vây các thành ấp”.

Và thế là, những tay lục lâm thảo khấu, những tôn thất nhà Lê bất mãn với chúa Trịnh lấn quyền, những trí thức không gặp thời thi nhau nổi dậy. Nào là Lê Duy Mật, Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, nào là Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu… Triều đình nay điều quân đánh “giặc Ngân Già”, mai đánh “giặc Ninh Xá”… Trong đó, hai tay trùm “giặc” Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương làm cho nhà chúa hao tổn bao tâm lực, binh lực.

Giao tranh trời nghiêng đất ngả

Việt sử tân biên quyển III: Nam Bắc phân tranh khi đề cập đến Nguyễn Hữu Cầu, đã có lời tán tụng “Nhưng kiệt hiệt nhất trong đám lĩnh (lãnh) tụ loạn quân đời bấy giờ có Nguyễn Hữu Cầu”. Quận He Nguyễn Hữu Cầu hoạt động ở miệt Đông Bắc nơi đất Đồ Sơn, làm cho quân tướng triều đình nhiều phen “thất điên bát đảo” kể từ năm Quý Hợi (1743). Vì lấy thóc gạo, của cải cướp được chia cho dân nghèo, nên cuộc nổi dậy của Quận He thu được lòng dân.

Thời chúa Trịnh Giang, nội loạn khắp nơi.

Thời chúa Trịnh Giang, nội loạn khắp nơi.

Dẫu sau này bị quân triều đình vây đánh vào Đồ Sơn, nhưng Cầu vẫn thoát chạy về được Kinh Bắc, hạ Thị Cầu làm cho kinh thành Thăng Long một phen chấn động trước sức mạnh của Cầu. Nhưng rồi đến năm Kỷ Tỵ (1749) thế lực của Cầu dần suy yếu, triều đình cũng không dễ mà đàn áp ngay. Phải đến khi Phạm Đình Trọng (vốn là bạn học cũ cùng thầy với Nguyễn Hữu Cầu, lại cũng là kẻ thù không đội trời chung vì Cầu đã đào mả mẹ của Trọng đổ xuống sông) ra tay, kiên quyết đuổi cùng giết tận thì năm Tân Mùi (1751), cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu mới bị dập tắt, còn Cầu, thì bị đóng cũi giải về kinh.

Trong khi đó, Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, theo Tứ bình thực lục cho hay, hoạt động ở vùng Sơn Nam. Quận Hẻo “đóng quân ở chân núi Tam Đảo dựa vào chỗ hiểm làm lũy, vét lương chiêu quân đặt làm sào huyệt”. Phương lại là người mưu trí, thỉnh thoảng thấy thế lực không địch được quân triều đình thì lại xin hàng làm kế hoãn binh. Chúa Trịnh thì khắp các mặt phải đối phó với các cuộc nổi loạn, nên đành phải để tạm để cái gai trong mắt chưa nhổ đi.

Thậm chí có lúc tại đại bản doanh đóng ở núi Ngọc Bội, như Việt sử tân biên viết: “Danh Phương dựng cung điện, đặt quan chức, đánh thuế má lên tới tỉnh Tuyên Quang. Thanh thế một thời vang dậy khắp vùng Trung du đất Bắc luôn 10 năm ròng. Ai ai cũng khiếp uy danh của Danh Phương”. Phải đến năm Canh Ngọ (1750), quân triều đình do tướng Nguyễn Phan quyết liều chết đánh vào Hương Canh mới hạ được đồn, bắt được Quận Hẻo.

Vất vả cho những lần đánh dẹp những kẻ nổi loạn như thế, trách sao chúa Trịnh mới bày đặt tiệc rượu bắt kẻ chiến bại phải mua vui cho mình, mà cũng là để làm nhục kẻ làm cho mình bao phen lao tâm khổ tứ. Còn tác giả Việt sử tân biên khi nói về cái việc rót rượu, thổi sáo kia không bình gì thêm, chỉ mượn câu ngạn ngữ cha ông mà rằng: “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chua-trinh-lam-nhuc-quan-he-quan-heo-nhu-the-nao-post981424.html