CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG TRƯỚC THỀM DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 2023

Là một trong 4 đơn vị phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị từ sớm, đảm bảo các nội dung của diễn đàn bám sát thực tiễn, thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để nắm rõ hơn về công tác chuẩn bị cho diễn đàn quan trọng này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn THQH. Thưa ông, năm 2023 là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và tác động không nhỏ tới Việt Nam. Xin ông cho biết, chương trình Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 sẽ dành ưu tiên trọng tâm cho những nội dung nào?

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Nội dung sẽ tập trung vào ba nội dung chính.

Thứ nhất là thảo luận và đánh giá về bối cảnh, tình hình quốc tế, tình hình trong nước tác động đến nền kinh tế và xã hội của đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là sau hai năm chúng ta thực hiện chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế, đánh giá những tác động từ hậu quả của đại dịch covid.

Thứ hai là đánh giá lại thực trạng của nền kinh tế nước ta và đặc biệt trong đó, làm rõ những rào cản đến từ các nhân tố khách quan, các nút thắt đến từ trong hệ thống thể chế, chính sách cũng như quá trình thực hiện phát triển kinh tế xã hội của chúng ta. Trên cơ sở bối cảnh, tình hình và thực trạng nền kinh tế, chúng ta sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội theo chiều hướng phát triển bền vững.

Trong nội dung cũng thể hiện ba điểm nhấn. Thứ nhất là làm sao để tăng cường nội lực, nội sinh của chúng ta. Năng lực nội sinh rất là quan trọng. Đấy là căn cốt, nền tảng để chúng ta khắc phục những khó khăn cũng như bắt nhịp được những chiều hướng phát triển và nắm bắt các cơ hội. Chìa khóa thứ hai là khơi thông nguồn lực, trong đấy có nguồn lực bên trong và những nguồn nguồn lực đến từ bên ngoài.

Thứ ba, chúng ta không chỉ hướng đến tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà còn phát triển bền vững. Có nghĩa là quan tâm đến tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội, an sinh xã hội và vấn đề bảo vệ và thích ứng với môi trường.

Phòng viên: Tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2022, công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã Hội năm nay sẽ có những đổi mới như thế nào, thưa ông?

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Sự phối hợp giữa các cơ quan lần này phải nói là rất là bài bản, chuyên nghiệp. Trên cơ sở ban đầu về chủ đề, khung của chương trình do Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề ra thì các cơ quan phối hợp đã đóng góp ý kiến rất cẩn thận, vượt qua nhiều vòng. Đặc biệt, các cơ quan phối hợp với nhau để tổ chức một số cuộc tham vấn của các chuyên gia đến từ các cơ quan chủ trì phối hợp cũng như các chuyên gia đến từ các Học viện, Nhà trường; kể cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, để đảm bảo tiếng nói đa dạng và tiếp thu được nhiều ý kiến, phục vụ cho việc xây dựng khung chương trình cũng như nội dung trọng tâm của diễn đàn.

Thứ hai, sự phối hợp này không phải chỉ đến giai đoạn sau mà trong từng khâu từ xây dựng đề cương, xác định chủ đề, xây dựng đề cương ban đầu, xây dựng nội dung và tổ chức họp báo và trong điều hành hội thảo. Sau hội thảo, có báo cáo chất lọc cũng như kết quả để gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội cũng Chính phủ. Chính sự phối hợp này thì tôi tin rằng sẽ tạo nên sự thành công cho diễn đàn năm nay.

Phóng viên: Là một trong 4 Đơn vị tổ chức Diễn đàn năm nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tăng cường nội lực, đặc biệt là nội nội lực của các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài FDI cũng như doanh nghiệp xuyên quốc gia và doanh nghiệp trong nước. Nhưng mà chúng ta đặc biệt chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh rất là khó khăn hiện nay, việc cần tăng cường nội lực cho các doanh nghiệp để có thể chống chọi và phục hồi.

Thứ hai, để tăng cường nội lực đó, chúng ta phải khơi thông được các nguồn lực khác nhau. Phiên này sẽ tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tức là luật pháp và chính sách, vừa là giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt nhưng mà vừa tạo hành lang để tạo động lực cho việc giải quyết những vấn đề lâu dài của nền kinh tế của nước ta nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Qua đó, sẽ có những sự hỗ trợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua thời khắc khó khăn và có bước phát triển trong thời gian tiếp theo.

Phóng viên: Ông kỳ vọng như thế nào về Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm nay?

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Chúng tôi có kì vọng rất lớn trong việc thu hút và tập hợp chia sẻ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các đại diện các doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp căn cơ, tháo gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn trong nền kinh tế của chúng ta. Từ đó, tạo động lực đột phá cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Thứ hai, chúng tôi hi vọng là trên cơ sở tập hợp được đông đảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các giới như vậy thì sẽ có một bản chắt lọc chất lượng, gửi đến cho Lãnh đạo Quốc hội, phục vụ trực tiếp cho kỳ họp Quốc hội lần thứ 6. Từ đó, có những quyết sách trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời, có một bộ tư liệu phong phú, thể hiện những căn cứ, những luận cứ khoa học và thực tiễn xác đáng cho sự quản lý, điều hành của Chính phủ.

Còn đối với Học viện chúng tôi, trên cơ sở kết quả của diễn đàn, chúng tôi kỳ vọng có một nguồn tư liệu sinh động, phong phú và cập nhật, để phục vụ cho quá trình chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo quản lý trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80000