Chức sắc tôn giáo người Chăm ở Bắc Bình góp sức giữ gìn trật tự xã hội

Việc góp sức giữ gìn trật tự xã hội ở huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) cho thấy vai trò của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm là rất quan trọng, từ việc tham gia thực hiện hiệu quả của các mô hình 'Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự', 'Lực lượng vũ trang huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào tôn giáo'...

Sáu năm nay, mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự” ở các thôn Thanh Khiết, Châu Hanh, Cảnh Diễn thuộc xã Phan Thanh đã mang lại hiệu quả cao khi góp phần giúp cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cải thiện rõ rệt.

Mô hình hay ở xã Phan Thanh

Những năm trước, tình hình thanh niên uống rượu bia đua xe, lạng lách, đốt lửa dọc tuyến Quốc lộ 1A, gây mất trật tự... diễn ra khá phức tạp ở xã Phan Thanh, nơi có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Chăm, Kinh, Nùng và Hoa, trong đó đồng bào Chăm chiếm đa số.

Trong việc tham gia bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở huyện Bắc Bình, vai trò của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm là rất quan trọng.

Trong việc tham gia bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở huyện Bắc Bình, vai trò của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm là rất quan trọng.

Trong bối cảnh như vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp với các chức sắc tôn giáo để thành lập mô hình nêu trên nhằm vận động, giáo dục các thanh niên trong xã chấp hành tốt pháp luật.

Ngay sau khi được thành lập, thành viên các tổ mô hình thường xuyên tuyên truyền pháp luật, chủ động ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật, vận động con cháu trong dòng tộc không vi phạm pháp luật, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, tích cực tham gia phong trào thi đua tại địa phương.

Tại chùa Thanh Khiết thuộc thôn Thanh Khiết, mô hình có 16 thành viên, là các vị chức sắc trong chùa.

Ông Xích Dự, Tổ trưởng mô hình cho biết: Từ khi thành lập mô hình này, thanh niên uống rượu bia không tham gia giao thông, không còn tình trạng đốt cao su dọc đường quốc lộ, sự gắn kết giữa các thôn chặt chẽ hơn. Thanh niên không quậy phá, không đua xe lạng lách, gây gổ đánh nhau như trước…

Ngoài ra, theo ông Xích Dự, các thành viên trong mô hình ở chùa Thanh Khiết còn vận động người dân trong thôn, xã xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc thực hiện các nghi lễ. Đặc biệt là xóa bỏ phong tục lạc hậu, tuyên truyền chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giáo dục cho con cháu giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường…

Còn mô hình tại chùa Châu Hanh thuộc thôn Châu Hanh có 20 thành viên, là các chức sắc trong chùa. Các thành viên đã phối hợp các ngành, đoàn thể trong xã Phan Thanh không ngừng tuyên truyền chủ trương, chính sách và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Các chức sắc tôn giáo người Chăm trong mô hình còn chủ động mời các thành viên trong đạo giáo, trưởng họ tộc, chủ gia đình tuyên truyền về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm; nhắc nhở con cháu không tụ tập đánh nhau, không hút, chích ma túy, không tham gia cờ bạc…

Nhờ vậy, ý thức của người dân ở xã Phan Thanh ngày càng được nâng lên trong việc tự phòng, tự quản, tích cực tham gia giữ gìn trật tự xã hội. Số vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trong 5 năm trở lại đây đã giảm đến 90% so với 5 năm trước.

Đáng chú ý, tình trạng đánh nhau giữa thanh thiếu niên 2 thôn giáp ranh là Châu Hanh – Thanh Khiết cũng giảm hẳn. Khi được mô hình này tuyên truyền, vận động, trong 5 năm qua, người dân trên địa bàn xã cũng cung cấp hơn 100 nguồn tin giá trị giúp Công an xã làm rõ, xử lý dứt điểm 60 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.

Xây tình đoàn kết quân dân

Ngoài ra, mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự” đã phối hợp chính quyền xã Phan Thanh hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong nhân dân, các vụ khiếu nại về chế độ chính sách và giúp đỡ thanh niên từng vi phạm pháp luật trở thành người sống có ích. Qua những việc làm thiết thực này đã giúp nhân dân yên tâm sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình giữ gìn an ninh trật tự ở huyện Bắc Bình đã phát huy vai trò nòng cốt của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm.

Các mô hình giữ gìn an ninh trật tự ở huyện Bắc Bình đã phát huy vai trò nòng cốt của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm.

Trong huyện Bắc Bình với đồng bào dân tộc Chăm chiếm đa số và theo 2 tôn giáo chính là Bà La Môn và Bà Ni (Hồi giáo). Cả hai tôn giáo này hoạt động vừa mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.

Ở huyện có tất cả 13 sư cả, 4 thầy xế, 62 vị mươm, 85 thầy chang, 30 mươm cả. Các vị chức sắc, sư cả rất có uy tín, luôn được đồng bào Chăm quý trọng. Họ nói dân nghe, dân làm theo.

Các vị chức sắc, tôn giáo này không chỉ là những người có kinh nghiệm nhất mà còn là những người có khả năng vận dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống. Sư cả được coi là người đứng đầu của mỗi làng Chăm.

Họ là những người am hiểu luật tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người sống trong cộng đồng và được dân làng bầu lên để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Ngày nay, các vị chức sắc tôn giáo người Chăm còn là người vận động, giải thích và thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cùng với mọi thành viên trong thôn làng tham gia xây dựng cuộc sống mới.

Chính vì vậy, trong việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở huyện Bắc Bình, vai trò của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm là rất quan trọng.

Thời gian qua, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Bình cũng tích cực xây dựng mô hình “Lực lượng vũ trang huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào tôn giáo” và mô hình “Tăng cường mối đoàn kết giữa lực lượng vũ trang huyện với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Các mô hình này đã nhận được sự ủng hộ của các vị chức sắc, nhà tu hành, người có uy tín trong đồng bào Chăm đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng như động viên tín đồ thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia huấn luyện dân quân, dự bị động viên…

Hai mô hình này cũng phát huy vai trò nòng cốt của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm trong việc tuyên truyền, vận động con em đồng bào Chăm tích cực đấu tranh với các quan điểm sai trái của những phần tử xấu, tham gia hòa giải, giải quyết những vụ việc ở cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng...

Hàng năm, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Bình còn tổ chức đi thăm các vị chức sắc, nhà tu hành tại các cơ sở thờ tự, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo nhân các ngày lễ, Tết Katê, Ramưwan và Tết Đầu lúa.

Mặt khác, nhờ sự hỗ trợ của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm và già làng, trưởng bản, người có uy tín đã giúp lực lượng vũ trang của huyện vận động nhân dân và đồng bào dân tộc thực hiện công tác tuần tra, giải quyết hơn 150 vụ vi phạm an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-thoi-su/chuc-sac-ton-giao-nguoi-cham-o-bac-binh-gop-suc-giu-gin-trat-tu-xa-hoi-1080852.html