Chứng khoán ngày 18/7: Rung lắc xuất hiện nhưng khó 'cản bước' VN-Index tiến về đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán hôm nay (18/7) tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt. Mặc dù VN-Index đóng cửa không giữ được giá cao nhất, nhưng chỉ số trong phiên sáng đã có lực vượt ngưỡng 1.500 điểm. Trong phiên giao dịch hôm nay xuất hiện một số biến động khi lực bán có phần gia tăng, nhưng toàn cục, VN-Index vẫn giữ vững xu hướng tích cực.
Chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch khá rung lắc. Điểm tích cực là VN-Index có thời điểm vượt qua mốc 1.500 điểm trước khi áp lực bán đẩy chỉ số chính lùi xuống và thu hẹp đà tăng về cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng +7,27 điểm, lên mức 1.497,28 điểm.

Diễn biến VN-Index trong phiên giao dịch ngày 18/7.
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: VHM (+2,02), TCB (+3,13), BID (+0,13), VPB (+2,15), LPB (+2,82)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm điểm trong phiên hôm nay gồm: VIC (-2,46), FPT (-0,79), VCB (-0,48), HPG (-0,38), VPL (-0,22)...
Thị trường tiếp đà tăng điểm với độ rộng tương đối tích cực khi số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số cổ phiếu giảm giá. Thống kê trên sàn HOSE, hôm nay có 171 mã tăng giá, có 57 mã giữ giá tham chiếu và có 147 mã giảm giá.
Thị trường tăng điểm với độ mở nghiêng về sắc xanh với đa phần nhóm ngành tăng điểm. Ngân hàng, dịch vụ tài chính và thực phẩm đồ uống là 3 nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại công nghệ thông tin, du lịch giải trị là những nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 cũng tăng mạnh +9,21 điểm, lên mức 1.643,91 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 19 mã tăng, 0 mã giữ giá tham chiếu và 11 mã giảm giá.
Đà tăng của thị trường mang yếu tố đồng pha khi thanh khoản khớp lệnh duy trì ở mức cao, +42% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HSX đạt 1.492 triệu cổ phiếu (+2,68%), tương đương giá trị đạt 35.924 tỷ đồng (+0,39%).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có diễn biến tích cực khi cùng tăng điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng +1,68 lên mức 247,77 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng +0,53 điểm lên mức 104,74 điểm.
Trước bối cảnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ gần 70 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng gần 102 tỷ đồng. Chiều bán, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu FPT với giá trị khoảng 186 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác như VCB, GEX, GMD và DXG cũng bị bán ròng từ 75 tỷ đồng tới 97 tỷ đồng. Ngược chiều, MSN được khối ngoại mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị 264 tỷ đồng; VPB cùng được khối ngoại "gom" ròng mạnh 115 tỷ đồng. Loạt mã bluechips như SSI, VIX và MWG cũng được mua ròng mạnh với giá trị từ 79 tỷ đồng tới 98 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại lại mua ròng khoảng 64 tỷ đồng.
Có thể duy trì diễn biến rung lắc trong ngắn hạn
Trong phiên giao dịch hôm nay, chỉ số có 3 lần vượt qua mốc 1.500 điểm nhưng cũng có tới 2 lần giảm xuống dưới tham chiếu. Biên độ dao động của VN-Index trong phiên lên tới 16,9 điểm tương đương 1,14%.
Sự “đánh võng” liên tục này một phần đến từ hoạt động chốt lời đồng loạt, một phần do dao động lớn ở các cổ phiếu trụ. VIC có biên độ dao động tối đa tới 6,13% trong phiên và đóng cửa giảm 2,46% với mức giảm sâu nhất là 3,69%. VHM mạnh hơn, xanh cả phiên nhưng dao động tối đa trong ngày cũng tới 4,14%. CTG, TCB, VPB… đều có những nhịp biến động đáng kể. Biến động này phản ánh sự xung đột giữa các quan điểm ở giai đoạn nhạy cảm.
Vùng 1.500 điểm của VN-Index là ngưỡng cao lịch sử, có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý. Mặt khác, giá cổ phiếu đã tăng mạnh mẽ trong hơn một tháng nay nên tâm lý bảo toàn lợi nhuận cũng sẽ lớn dần theo chiều giá tăng.

N Index sẽ duy trì diễn biến rung lắc trong ngắn hạn do chỉ báo kỹ thuật tiến sâu trong vùng quá mua. Ảnh: T.L
Trong nhóm vốn hóa lớn ngoài VIC giảm sâu 2,46%, VCB cũng giảm 0,48%, HPG giảm 0,38%, FPT giảm 0,79%. Số tăng thì chỉ có VHM tăng 2,02%, TCB tăng 3,13%, VPB tăng 2,15%, MBB tăng 1,68% là thuộc top 10 vốn hóa. Mặc dù VN30-Index vẫn tăng 0,56% nhưng các mã mạnh nhất là STB, MSN, LPB chưa phải là nhóm vốn hóa hàng đầu.
Tuy vậy, khả năng giữ nhịp chỉ số là điều kiện tốt để các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn thu hút được dòng tiền. Nhóm smallcap hôm nay tăng 18% thanh khoản so với hôm qua trong khi VN30 tăng 3,6%, midcap giảm 9%. Trong 17 cổ phiếu tăng kịch trần của VN-Index thì nhóm VN30 không có mã nào và midcap chỉ đóng góp 4 cổ phiếu.
Cung gia tăng quanh kháng cự tâm lý 1.500 điểm, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục neo giá xanh với cây nến rút chân trên đồ thị ngày. Khối lượng giao dịch trên ở mức cao nhất trong tuần và được đóng góp bởi cả lực cầu tích cực và cung chốt lời quanh đỉnh cũ./.
Các chuyên gia cho rằng, VN Index sẽ duy trì diễn biến rung lắc trong ngắn hạn do chỉ báo kỹ thuật tiến sâu trong vùng quá mua, áp lực từ vùng đỉnh lịch sử hình thành từ đầu năm 2022. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc canh chốt lời từng phần, đặc biệt với các cổ phiếu đang kéo tăng liên tục và gặp lại các vùng kháng cự mạnh trên đồ thị kỹ thuật.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét mua thăm dò tại các nhịp rung lắc, điều chỉnh, tích lũy nền của các cổ phiếu tiềm năng. Ưu tiên tìm cơ hội vẫn là những nhóm ngành dẫn dắt dòng tiền và có chính sách hoặc câu chuyện hỗ trợ, ví dụ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...