Chung sức xây dựng 'Trường học hạnh phúc'

Công bố danh sách 134 cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục

(HNM) - Cụm từ “Trường học hạnh phúc” không còn xa lạ với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh. Được phát động từ tháng 4-2019, đến nay việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Một trong những điểm nhấn, cũng là nhiệm vụ mới của ngành Giáo dục trong năm học 2019-2020 là việc xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã định hướng các nhà trường triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm: Môi trường nhà trường; dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, tùy điều kiện và lứa tuổi học sinh, những tiêu chí trên đã được triển khai thành các nội dung cụ thể và đặc biệt, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Bội Quỳnh, từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, nhà trường luôn nỗ lực tạo ra môi trường giáo dục để cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy hứng khởi, say mê trong mọi hoạt động. Nhà trường đã tăng cường đầu tư, quan tâm toàn diện, từ việc thường xuyên cải thiện cơ sở vật chất khang trang, an toàn đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng, mỗi nhà giáo không chỉ là những người truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà còn giàu lòng nhân hậu...

Không chỉ tạo động lực thi đua dạy, học, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” còn góp phần tích cực giải quyết những vấn đề hạn chế của ngành Giáo dục. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô học sinh ngày càng tăng, sĩ số học sinh/lớp ở một số trường khá cao, các nhà trường có chung quan điểm giáo dục là không bỏ sót bất cứ học sinh nào. Những học sinh có học lực, hạnh kiểm yếu, kém được các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm phụ đạo không thu tiền và được bạn bè trong lớp quan tâm hơn về mọi mặt. Với cách làm này, mọi học sinh trong lớp đều cảm thấy hứng thú, tự tin với việc học, từ đó tạo ra một tập thể đoàn kết, hạnh phúc và cùng nhau thi đua tiến bộ.

Còn em Trần Minh Anh, học sinh Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình) chia sẻ: “Em thấy thích đến trường, được ăn cơm trưa ở trường”. Thế nhưng, để học trò của mình có được cảm nhận ấy là sự nỗ lực, đồng lòng không nhỏ của cả tập thể. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Khương Đình (quận Thanh Xuân) Đỗ Thị Việt Hiền, để học sinh yêu trường, yêu lớp hơn, trước hết thầy cô phải quan tâm, tôn trọng cảm xúc của học sinh. Nhà trường luôn chú trọng giữ gìn cơ sở vật chất sạch sẽ, trong đó không quên một hạng mục tưởng chừng nhỏ, nhưng nếu không chú ý sẽ khiến các em có thể e ngại khi ở trường cả ngày, đó là nhà vệ sinh. Trong học tập, các thầy, cô giáo không tạo áp lực về kiến thức cho học sinh, mà hiểu và tôn trọng từng học sinh, từ đó giúp các em tiến bộ.

Đối với cô giáo Trần Thị Thúy Hà, Trường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm), thì điều quan trọng là phải hiểu học sinh muốn gì, không nên áp đặt những điều người lớn thích. Từ mục tiêu ấy, cô Hà đã xây dựng thành công dự án lớp học theo mô hình “Lớp học yêu thương” với nhiều hoạt động khơi gợi sự hứng thú và tạo sự gần gũi với học sinh như chia sẻ điều em muốn nói, truyền năng lượng tích cực, giờ sinh hoạt hạnh phúc… Những hoạt động như vậy đã giúp học trò mở lòng hơn, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đưa ra cách thức giáo dục thuyết phục, hiệu quả.

Đánh giá về việc triển khai xây dựng “Trường học hạnh phúc” thời gian qua, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho rằng, dù mỗi nơi có một cách xây dựng “Trường học hạnh phúc” khác nhau, nhưng đều chung thành quả là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết, gần gũi và có sự tương tác nhiều hơn; cơ sở vật chất trường, lớp được xây dựng khang trang… Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” cũng giúp đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, nhất là về kỹ năng ứng xử sư phạm và việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo đăng ký mô hình điểm ở mỗi cấp học về xây dựng “Trường học hạnh phúc” để nhân rộng.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/955995/chung-suc-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc