Chúng ta đang sống ảo chỉ để chiều theo đám đông trên mạng xã hội

Ám ảnh về việc luôn phải hoàn hảo trong mắt đám đông, nhiều người đưa lên mạng xã hội những điều không thật. Từ khi nào việc sống đúng bản chất của mình lại trở nên khó đến thế?

Nữ blogger luôn nói về lợi ích của chế độ ăn uống thuần thực vật nhưng lại lộ cảnh ăn cá khiến hàng triệu người theo dõi cô suốt nhiều năm cảm thấy bị lừa dối.

"Hot girl phòng gym" nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ thân hình cân đối, nóng bỏng bị dân mạng "bóc phốt" ảnh đời thực kém xinh, ngỡ như hai người khác nhau.

Cặp vợ chồng ở Colorado (Mỹ) khiến nhiều người ghen tỵ với những khoảnh khắc gia đình vui chơi, nghỉ dưỡng, du lịch tràn ngập Facebook. Hóa ra ẩn sau sự hoàn hảo ấy là mối quan hệ rạn nứt chỉ được phơi bày khi người chồng bị bắt giữ vì giết vợ.

Những câu chuyện "sống ảo", thậm chí bi kịch như thế, không hiếm gặp trong thời đại mà mạng xã hội trở thành một phần không thể tách rời với nhiều người như hiện nay.

Vì sao con người phải che giấu bản chất thật của mình đằng sau các bài đăng lung linh nhưng sai lệch thực tế trên Instagram hay Facebook? Việc sống thật từ khi nào lại trở nên khó khăn đến thế?

Năm 2017, Ditch the Label - tổ chức phi lợi nhuận chống bắt nạt và thúc đẩy bình đẳng có trụ sở tại Anh - giới thiệu video: "Bạn đang sống kiểu Insta Lie?Mạng xã hội và thực tế".

Video dài hơn 3 phút đã đưa ra sự thật đằng sau các bức ảnh "lung linh" hàng ngày được đăng tải trên mạng xã hội.

Từ chuyện một cô gái thức dậy, vệ sinh cá nhân, chải chuốt, make up trước khi trở lại giường để selfie rồi đăng lên Instagram với hashtag #iwokeuplikethis (tạm dịch: Tôi thức dậy thế này); một chàng trai rời khỏi ôtô, đội mũ bảo hiểm xe đạp trước khi chụp ảnh với chú thích "30 km bike ride done" (Hoàn thành 30 km đi xe đạp) đến nhóm bạn 4 người sau khi chụp chung bức ảnh và up lên mạng, ai nấy lại cắm mặt vào điện thoại của mình đếm like.

Bóc mẽ các kiểu sống ảo trên mạng của giới trẻ thời nay Đằng sau các bức ảnh "lung linh" được mọi người đăng tải trên mạng xã hội mỗi ngày có thể là sự thật trái ngược với những gì bạn thấy.

The New Times nhận định hành động của các nhân vật trong video kể trên bị ảnh hưởng bởi cảm giác ghen tỵ, hoặc FOMO (viết tắt của Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bị lãng quên), sau khi nhìn thấy bài đăng trên mạng của người khác.

Họ nảy sinh cảm giác này bởi mỗi ngày, mạng xã hội tràn ngập bài đăng nhắc họ về cuộc sống dường như hoàn hảo của bạn bè hay cả những người xa lạ.

Ngày càng khó nhận ra mạng xã hội đã phô bày bao nhiêu phiên bản đã qua chỉnh sửa, khác với cuộc sống ngoài đời thực của con người.

Trong thời đại mà mọi thứ đều được "đưa lên phây" như hiện nay, việc kết nối với mọi người không còn là động lực duy nhất để đăng nhập vào tài khoản Facebook, WhatsApp, Instagram hay Snapchat.

Các nhà tâm lý học cho rằng những trang mạng xã hội này đã chạm vào ước muốn được đám đông lắng nghe của con người. Hay nói cách khác, thế giới ảo cho họ quyền bày tỏ suy nghĩ và phô diễn mọi điều cho thiên hạ thấy.

Khi con người bị ám ảnh bởi việc giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ của mình bằng mọi giá, hàng loạt ứng dụng trên mạng giúp họ có làn da rám nắng đúng mốt hay biến "bụng bia" thành 6 múi chỉ với vài thao tác đơn giản.

Xu hướng này đã tạo ra thuật ngữ mới "Insta Lie", có nghĩa là cố tình trưng lên mạng những điều bóng bẩy, khác xa so với thực tế.

"Insta Lie" có thể biểu hiện qua một số hành động như tạo dáng check-in trên máy bay hay ở sân bay để khoe rằng mình thường xuyên di chuyển bằng phương tiện đắt đỏ này; chụp hàng trăm bức ảnh trước khi chỉ chọn một tấm đăng lên trang cá nhân rồi viết chú thích như chụp trong phút ngẫu hứng; đăng lên mạng tấm hình chụp đĩa đồ ăn tốt cho sức khỏe để nhiều người tin rằng mình sống lành mạnh, song thực chất chỉ chụp ảnh chứ không ăn.

The Odyssey Online nhận định mạng xã hội đã biến con người thành những kẻ sống hai mặt. Còn The Elite Daily cũng từng bàn về trào lưu sống ảo qua bài viết "Hai mặt đối lập: Mạng xã hội biến chúng ta thành một thế hệ giả dối như thế nào?".

Nhắc tới mạng xã hội, nhiều người cho rằng đây là sáng kiến tuyệt vời của thời đại công nghệ khi cho phép họ đăng tải hình ảnh, chia sẻ điều mình suy nghĩ hay giữ liên lạc với bạn bè.

Tuy nhiên, các trang mạng xã hội cũng mang đến vấn đề rằng người ta ẩn mình sau màn hình điện thoại, làm mọi cách để đám đông tin vào cuộc sống mình vẽ ra trên mạng.

Hầu như chẳng người nào muốn đăng lên trang cá nhân bức ảnh mà bản thân cảm thấy không hề đẹp. Cũng không ai đăng ảnh mà không quan tâm 500 người theo dõi mình có nhấn like (thích) hay không khi lướt feed.

Faith Nafula - nhà tâm lý học ở Nairobi, Kenya - cho Standard Media biết việc một số người muốn được công nhận trên mạng xã hội xuất phát từ vấn đề trong quá trình trưởng thành.

"Họ cảm thấy trống rỗng khi không ai khen ngợi, công nhận họ trong suốt quá trình lớn lên. Họ nghĩ mình sẽ tìm thấy sự chấp nhận của đám đông trên mạng xã hội", Nafula nói.

Việc ai ai cũng cố phơi bày cuộc sống đẹp đẽ, sang chảnh trên mạng xã hội còn dẫn đến "văn hóa so sánh" trong giới trẻ và một số hệ lụy khác.

"Bạn vào mạng và ngày nào cũng thấy một số bạn học cũ check-in đi du lịch nước ngoài, ăn uống toàn món đắt đỏ. Rồi bạn nhìn lại mình - mọi thứ đều giậm chân tại chỗ. Bạn bắt đầu tự hỏi mình đã sai ở đâu và thậm chí có thể bị trầm cảm", Lillian Omoche - tốt nghiệp ĐH Nairobi (Kenya), thất nghiệp - nói với Sunday Magazine.

Phạm Phương (25 tuổi, quản lý shop thời trang) kể câu chuyện cô bạn thân có tính cách khá... ngược của mình. Cô gái này luôn thể hiện trên mạng xã hội rằng mình là người yêu thiên nhiên, yêu động vật và quan tâm đến môi trường.

Phương nói rằng khi trào lưu dọn rác (#ChallengeforChange hay #Trashtag) lan tỏa khắp cộng đồng mạng, bạn thân cô cũng chia sẻ bài viết theo phong trào lên trang cá nhân. Tuy nhiên, thực tế khi ở nhà, hành động đơn giản nhất thể hiện sự quan tâm tới môi trường là phân loại rác thải, cô bạn này cũng không làm.

Caroline Bunde - mẹ đơn thân ở Kawangware, Kenya - nói rằng mạng xã hội gần như hủy hoại con gái 22 tuổi của mình. Một buổi tối, nữ sinh này về nhà và đòi mẹ mua cho điện thoại mới chỉ vì máy đang dùng không cho ra các bức "selfie" đủ đẹp để đăng lên Instagram.

Theo nhà tâm lý học Loise Noo, xã hội đương đại đặt ra những tiêu chuẩn nhất định về ngoại hình, lối sống. Bởi vậy, người dùng mạng xã hội có thể chỉnh sửa ảnh, bài đăng "theo chuẩn", dù không đúng với con người thật của mình. Họ chỉ miễn sao có được nhiều người theo dõi và nhấn like.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM - từng nhận định khi con người lệ thuộc vào các phương tiện ảo, họ dần đánh rơi các giá trị thật.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Hoàng gia - tổ chức từ thiện độc lập hướng đến cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người dân có trụ sở ở London, Anh - được công bố vào năm 2017 chỉ ra giới trẻ dành trung bình 2 tiếng mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Và càng đắm chìm vào thế giới ảo nhiều, họ càng có nguy cơ bị trầm cảm hay FOMO (hội chứng sợ bị lãng quên).

Báo cáo cũng cho biết những chứng rối loạn tâm trạng này có thể thúc đẩy sự so sánh và nỗi tuyệt vọng.

Nhà tâm lý Loise Noo cảnh báo những người dùng không nhận được sự chú ý như mong muốn từ mạng xã hội có thể mắc chứng trầm cảm và giảm sự tự tin. Theo các chuyên gia, những người này cần yêu bản thân và chấp nhận mọi thứ thuộc về mình, hơn là cố gắng trở thành một con người khác.

"Mọi người đều muốn được như Công nương Meghan Markle nhưng họ không biết những gì cô ấy đã phải trải qua để ở vị trí như ngày hôm nay. Bởi vậy, ai cũng nên tập trung vào cuộc sống của chính họ", Vestina Kalisa - nhiếp ảnh gia - bày tỏ quan điểm về việc con người đang tự biến thành thế hệ hai mặt.

Trở lại câu chuyện của nữ vlogger ăn chay, "hot girl phòng gym" hay cặp vợ chồng ở Colorado (Mỹ) đều bị cộng đồng mạng "ném đá" khi bị phát hiện "sống ảo", phải chăng cuộc sống của họ sẽ đỡ mệt mỏi hơn nếu thể hiện đúng những gì thuộc về bản thân ở ngoài đời?

Chẳng ai có cuộc sống hoàn hảo. Vậy tại sao chúng ta phải thể hiện điều ngược lại trên mạng? Và vì sao chúng ta phải che giấu bản chất thật trên tài khoản Instagram và Facebook của mình?

Vào nửa đêm ngày 13/3 vừa qua, Thùy Trang (22 tuổi), cũng như nhiều cư dân mạng khác, không thể đăng nhập tài khoản Facebook, Messenger hay Instagram của mình. Đến sáng hôm sau, mạng xã hội vẫn tê liệt khiến cô ban đầu cảm thấy bứt rứt.

Song một ngày không đắm chìm vào thế giới ảo này, Trang phát hiện mình vẫn ổn. Cô cất điện thoại, dành thời gian tập trung làm việc, trò chuyện với đồng nghiệp, hẹn bạn đi ăn trưa và dùng bữa tối với cha mẹ.

Một ngày không check-in, không đau đầu nghĩ viết thế nào cho được trăm like, không lướt đủ page để hóng xem trên mạng hôm nay có "drama gì hot"... hóa ra nhẹ nhàng hơn Trang tưởng.

"Trước giờ mình vẫn luôn cần 500 người bạn ảo like, share và khen hình ảnh có phần bị thổi phồng do chính mình tạo ra. Nhưng giờ mình thấy điều đó không còn cần thiết. Từ bỏ mạng xã hội, hoặc ít nhất sống thật với bản chất của mình cả trong thế giới ảo cần nhiều quyết tâm nhưng sẽ khiến mình nhẹ nhõm hơn khi làm được", Trang khẳng định.

Thiên Nhi
Video: Ditch the Label

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chung-ta-dang-song-ao-chi-de-chieu-theo-dam-dong-tren-mang-xa-hoi-post930675.html