Chúng ta đang trải đời ở quán

Bạn có công nhận là có khi một ngày bạn vào quán tới mấy lần hay không? Bạn đã khi nào để ý, từ cà phê sáng rồi cơm trưa đến tận chiều tối, bạn uống nước ở quán, gặp ở quán, hẹn ở quán, ăn cơm ăn bánh đều là ở quán chưa?

Quán nay là mốt. Là một phần tất yếu không thể chối bỏ của cuộc sống hiện đại, của nhịp điệu nhanh vội, gọn gàng, tiện lợi mà chúng ta đang thuộc về. Những ngôi hàng quán không tên tuổi hoặc nổi danh, vạ vật bên đường hoặc sang trọng với máy lạnh, đều đã dần trở thành “nhà” của một bộ phận lớn của thế hệ chúng ta. Nhiều người chọn quán cho những buồn bã và mơ mộng, chọn quán để sống và lớn lên; phố cũ quán xưa; quán ruột; quán này hay lắm; quán nọ rất thơ; món độc quán quen. Đại khái thế…

Tôi từng ấp ủ về một góc đọc sách, viết lách nho nhỏ ở nhà. Khi nhà cửa rộng rãi hơn, đã có thể dành cho riêng mình một khoảng không gian đèm đẹp, lãng mạn bay bổng, thế mà vẫn chóng chán, lại vác máy tính đi. Ra quán thành thói quen, thành phản xạ. Quán xá thì đông, lại ồn. Vậy mà không sao từ bỏ được.

Cậu bạn đồng hương thổ lộ cùng tôi ước mơ mở một quán cà phê sách. Chàng thanh niên ấy muốn tận dụng không gian chung cư có sẵn, hình dung ra cảnh ông chủ trẻ điển trai ra vào trông coi, rảnh thì hưởng thụ những trang sách, sống cuộc đời vô ưu nhẹ nhõm không quá coi trọng vật chất. Thế nhưng, khi đưa bài toán “mở quán” lên bàn tính để chuẩn bị, với điện nước thuế má nhân công, thêm đầu tư trang thiết bị ban đầu, cùng với lượng khách hẳn là có chọn lọc, cậu ấy chùn bước. Bởi sợ không thể cạnh tranh nổi với cà phê máy lạnh, cà phê sân vườn, cà phê chuỗi nhiều tên tuổi và cả những cà phê sách hoành tráng nhiều vốn khác… Đợi thêm một vài năm nữa, nhất định sẽ có một cái quán của riêng mình! Cậu tin tưởng nhìn về phía trước, nuôi nấng giấc mơ đẹp đẽ và bình yên của mình.

Những quán xá đông nghịt người, quán dạng công nghiệp, quán “ruột” hoặc theo kiểu: “Bạn đã ngồi ở X, ở Y hay chưa?” Câu trả lời không thể là một cái lắc đầu. Nếu như bạn chẳng muốn người ta nhìn mình giống kẻ lạc hậu quê mùa, cái gì cũng không trải nghiệm. Quán đôi khi cũng là một đẳng cấp của người bước chân vào chốn đó.

Ở quán, người ta làm gì nếu không ăn uống, chuyện trò? Ừ thì bám dính vào cái thiết bị thông minh luôn kè theo bên mình, với màn hình cảm ứng và mật khẩu WiFi không thể nào không hỏi. Tới mức, một tay tếu táo ham vui đã đặt mật khẩu quán rất “gắt” và hài là “hỏi pass làm gì đến quán để cắm đầu vô phây búc hay sao”! Một tuần, một tháng, một năm, tổng số “ngân lượng” bạn dành cho quán có vừa phải chừng mực? Sau những cuộc tụ tập tán gẫu ấy, bạn từng lần nào tiêng tiếc thời gian, tiền bạc vì mấy cuộc nhạt nhòa vô bổ hay chưa?

Đành rằng hàng quán xôn xao, ta có đu đưa theo hay không thì xã hội vẫn thế, dòng người vẫn tới quán, và lũ nhóc nhà chúng ta vẫn nài nỉ bố mẹ “đi cà phê thôi” mỗi cuối tuần lễ lạt. Ta càng không thể trốn tránh việc ghé quán, như một cái nết “ghiền” đầy thú vị và có chút tốn kém. Ta trải đời mình ở quán, ngày vui, lúc buồn, nhiều khoảnh khắc riêng tư, lặng lẽ áp mặt vào khung cửa kính trong suốt mà nhìn hạt mưa rơi dài như nước mắt, hay hào hứng đong từng sợi nắng giăng ngang trời trong vắt lạc quan. Dẫu thế nào, quán vẫn gần gụi, vẫn đón ta như một kẻ trở về quen thuộc.

HOÀNG MY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chung-ta-dang-trai-doi-o-quan-644600.html