Chung tay giúp người lầm lỡ hướng thiện

Luôn mang tâm lý mặc cảm, tự ti về bản thân nên đa phần những người chấp hành xong án phạt tù khi mới trở về địa phương đều gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định trong cuộc sống. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng, tập trung phát triển kinh tế, không bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, tiếp tục đi vào con đường phạm tội.

Anh Lê Văn Bình, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) phát triển mô hình trang trại nuôi dê, tạo công an việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Anh Lê Văn Bình, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) phát triển mô hình trang trại nuôi dê, tạo công an việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Năm 2012, anh Lê Văn Bình, ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên bị tòa tuyên án 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Do cải tạo tốt, năm 2016, anh được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn.

Trở về địa phương, trước muôn vàn khó khăn của cuộc sống, anh Bình luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nhờ đó, anh mau chóng lấy lại tinh thần, suy nghĩ tích cực và bắt đầu nuôi ý chí, quyết tâm làm giàu, thay đổi cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Bắt đầu cho cuộc hành trình đó, anh đã tìm hiểu kinh nghiệm nuôi dê thương phẩm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Khi đã tích lũy được vốn kiến thức cần thiết và được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, UBND thị trấn tạo điều kiện cho thuê 5 mẫu ruộng, anh Bình đã mạnh dạn đầu tư số tiền lớn xây dựng trang trại và mua hàng trăm con dê về nuôi.

Nhờ sự chịu thương, chịu khó, tinh thần ham học hỏi, trang trại của anh ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định và luôn duy trì từ 1.500 -1.800 con dê, tạo công ăn, việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương.

Với những thành quả đạt được, anh Bình là một trong những tấm gương tiêu biểu về tinh thần, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Anh luôn mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, nhất là những người từng mắc lầm lỗi để họ có thêm động lực, tự tin vào bản thân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, quản lý gần 1.800 trường hợp mãn hạn tù trở về địa phương. Tất cả những trường hợp này luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chu đáo, tận tình của cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Lực, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP), Công an tỉnh cho biết: Hằng năm, Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương và đơn vị nghiệp vụ tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm, vay vốn để gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất.

Đồng thời, lực lượng công an các cấp tăng cường tuyên truyền, định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong án phạt tù.

Từ đó, tạo môi trường sống thân thiện, hòa đồng, giúp người lầm lỡ không còn còn mặc cảm, tự ti, nhanh chóng hòa nhập với xã hội và không bị lôi kéo tái vi phạm pháp luật.

Cùng với lực lượng công an, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp là một trong những lực lượng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Tại xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, hằng năm, Hội LHPN xã đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền giáo dục thực hiện Nghị Quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, Hội còn chỉ đạo các chi hội có biện pháp giúp đỡ người lầm lỗi bằng nhiều hình thức như giúp đỡ vay vốn phát triển kinh tế gia đình; vận động cán bộ hội viên không kỳ thị với những hội viên có người thân vi phạm pháp luật và tổ chức nhiều hoạt động xã hội để vận động mọi người tích cực tham gia, hưởng ứng, tạo không khí đoàn kết, gần gũi với nhau hơn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Tự (Yên Lạc) Nguyễn Thị Mãi chia sẻ: Tính đến nay, Hội LHPN xã Đại Tự xây dựng được 16 mô hình "5 không, 3 sạch", với gần 800 hội viên. Trực tiếp giúp đỡ 1 hội viên là người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng và giúp đỡ 41 hội viên có người thân là người lầm lỗi.

Nhờ đó, đến nay, tất cả những trường hợp này tại địa phương đều có công ăn việc làm ổn định, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, không ngừng nỗ lực, phấn đấu trở thành công dân tốt.

Với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 đến nay, gần 2.000 trường hợp lầm lỗi trên địa bàn toàn tỉnh sau khi trở về địa phương đã có việc làm ổn định; hơn 1.000 trường hợp được ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người lầm lỗi, giúp họ tự tin, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với gia đình, xã hội, quyết tâm làm lại cuộc đời, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Lê Minh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95824//chung-tay-giup-nguoi-lam-lo-huong-thien