Chuyện bên lề kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã khép lại với nhiều câu chuyện xúc động. Đó là hình ảnh bố mẹ đồng hành với con trên chiếc xe lăn để đến điểm thi; những thanh niên tình nguyện không quản nắng mưa tiếp sức mùa thi; những thí sinh nén cơn đau vì bệnh để viết tiếp ước mơ của 12 năm học; là những chiến sĩ công an căng mình đảm bảo an ninh, trật tự, hay những suất cơm 0 đồng chứa đựng yêu thương gửi tới các sĩ tử…

Viết tiếp ước mơ 10 năm còn dang dở

Đó là câu chuyện đi thi tốt nghiệp ở tuổi 29 của thí sinh Lý Sử Mẩy, tại điểm thi số 1 thị xã Sa Pa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

 Lý Sử Mẩy quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Lý Sử Mẩy quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Lý Sử Mẩy là người dân tộc Dao đỏ, sinh năm 1995 tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Năm 2014, khi đang học lớp 12 thì gia đình xảy ra biến cố, cùng lúc đó giấy tờ cá nhân xảy ra sai sót nên Mẩy phải tạm gác lại việc học hành. Ở nhà hơn 1 năm, Mẩy lập gia đình và chuyển đến sinh sống tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Sau nhiều năm bươn chải ngoài xã hội, Mẩy càng thấy kiến thức quan trọng bởi đi xin việc ở đâu cũng yêu cầu “tối thiểu” phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Đi xa không xin được việc, Mẩy về quê hương Tả Phìn, xin vào làm việc tại một công ty nhỏ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm truyền thống của người Dao đỏ.

Mẩy chia sẻ: Càng làm việc em càng thấy kiến thức quan trọng và quyết định đến thu nhập, sự thăng tiến của bản thân nên xin chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để vừa học vừa làm. Vậy là năm 2023 em trở lại nhập học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sa Pa sau 9 năm rời xa mái trường.

Có sự chuẩn bị tốt, nghiêm túc với việc học tập, lại được doanh nghiệp nơi làm việc tạo điều kiện và gia đình động viên, khích lệ, Mẩy sớm bắt nhịp với trường lớp, kiến thức và bạn bè. Ngoài giờ học trên lớp, Mẩy vẫn đến công ty làm việc, lo toan việc gia đình và dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để ôn tập kiến thức. Cuối năm học 2023 - 2024, Mẩy đạt điểm tổng kết trung bình là 7,3 - một mức điểm khá, làm hài lòng cô gái đã rời xa mái trường 9 năm trước.

 Lý Sử Mẩy (người cầm sách) rất vui khi hoàn thành tốt các môn thi.

Lý Sử Mẩy (người cầm sách) rất vui khi hoàn thành tốt các môn thi.

Trước kỳ thi quan trọng, Mẩy đã xin nghỉ việc trước kỳ thi một tháng để dành thời gian ôn luyện kiến thức, quyết tâm giành kết quả cao nhất. Mẩy bảo: "Vì đã bỏ lỡ 10 năm nên em thực sự nghiêm túc và quyết tâm đạt kết quả cao ở kỳ thi này. Sau khi có tấm bằng tốt nghiệp, em sẽ đi học nghề và trở về nhà để lập nghiệp. Em muốn thành lập một hợp tác xã hoặc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo việc làm cho lao động địa phương".

Qua cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên, cô gái người Dao - Lý Sử Mẩy tỏ ra rất tự tin, lạc quan và quyết tâm đạt kết quả cao khi ở tuổi 29 để viết tiếp ước mơ 10 năm còn dang dở của mình.

Gác việc nhà cùng con "vượt vũ môn"

Đang giữa vụ cấy lúa, gieo ngô nhưng ông Sùng Seo Pao (dân tộc Mông) đã gác lại việc nhà, vượt quãng đường hơn 17 km từ thôn Sản Chư Ván - thôn xa nhất của xã Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà) để xuống thị trấn Bắc Hà cùng con trai Sùng Seo Chính “vượt vũ môn”.

 Dù không biết chữ nhưng hằng ngày, ông Sùng Seo Pao luôn ngồi cạnh, động viên và nhắc nhở con ôn bài.

Dù không biết chữ nhưng hằng ngày, ông Sùng Seo Pao luôn ngồi cạnh, động viên và nhắc nhở con ôn bài.

Gương mặt chất phác, hiền hậu, ông Sùng Seo Pao bộc bạch: Thời bố mẹ không biết chữ, cuộc sống chỉ quanh quẩn trên nương, dưới ruộng, vất vả lắm. Tôi cố gắng cho các con đi học, muốn chúng mở mang đầu óc, đứa nào học được thì tôi sẽ cày cuốc nuôi bằng được.

Được biết, gia đình ông Pao có 9 người con, trong đó có 6 nữ, 3 nam. Người chị lớn nhất sinh năm 1995, con trai út sinh năm 2008, còn Chính là người con thứ 8. Nhà đông con nhưng chỉ có 3 anh em trai đi học đến cấp 3, những người con gái đều chưa học hết lớp 9, phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần vì đi học xa.

Những ngày này, dù công việc nhà nông rất bận nhưng khi con trai bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh, ông Pao đã khăn gói xuống huyện ở cùng con trong ký túc xá của trường.

"Ở nhà cũng nóng ruột nên tôi xuống dưới này động viên con trai. Đây cũng là lần đầu tiên tôi cùng con dự thi tốt nghiệp. Xuống đây từ hôm qua, tâm trạng hồi hộp, lo lắng nhưng tôi vẫn tin tưởng con sẽ vượt qua kỳ thi với kết quả tốt" - ông Pao nói.

 Ông Sùng Seo Pao cùng con trai út xuống động viên, tiếp thêm động lực để con trai - Sùng Seo Chính thi tốt.

Ông Sùng Seo Pao cùng con trai út xuống động viên, tiếp thêm động lực để con trai - Sùng Seo Chính thi tốt.

Hằng ngày, ông Pao nhắc nhở, động viên con học bài. Dù không biết chữ nhưng ông luôn chăm chú theo dõi con học, cùng ngồi học với con. Ông mong muốn sự đồng hành của mình sẽ tiếp thêm động lực để con trai tốt nghiệp xong sẽ học nghề để trở thành một đầu bếp giỏi.

Trong suốt kỳ thi, ông Sùng Seo Pao sẽ cùng ở ký túc xá với con trai - Sùng Seo Chính vừa để tiện chăm sóc con vừa nhắc nhở con giờ giấc đi thi.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trường THPT số 1 Bắc Hà cho biết: Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ thí sinh và phụ huynh ở tại khu ký túc xá của nhà trường. Sự có mặt của các phụ huynh, nhất là phụ huynh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ động viên, khích lệ tinh thần các con mà còn minh chứng cho sự quan tâm chăm lo cho con cái học hành của các bậc phụ huynh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi tích cực.

Nữ sinh dân tộc Nùng với ước mơ trở thành bác sĩ

12 năm học sinh giỏi, đoạt giải Nhì môn Sinh học tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023 - 2024... là những thành tích ấn tượng mà em Tráng Thị Lươn (dân tộc Nùng), học sinh lớp 12B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Hà đạt được. Nữ sinh này luôn nỗ lực học tập bởi em mong muốn thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giỏi chăm sóc, chữa bệnh cho mọi người.

 Tráng Thị Lươn luôn dành thời gian tự học để nâng cao kiến thức.

Tráng Thị Lươn luôn dành thời gian tự học để nâng cao kiến thức.

Là con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà), bố mẹ làm nông nên cuộc sống quanh năm thiếu trước hụt sau đã khiến Tráng Thị Lươn sớm ý thức việc phải nỗ lực vượt khó, vươn lên để học tập tốt và theo đuổi ước mơ của mình.

Chia sẻ về quá trình học tập và ôn luyện của mình, Lươn tâm sự: Mỗi buổi học trên lớp, em chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ để nắm chắc kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Buổi tối, em dành thời gian cho môn Sinh học. Ngoài kiến thức trong sách vở, em tích cực tìm hiểu thêm kiến thức mới trên internet, sách, báo.

Lươn cho biết, Sinh học là môn gắn liền với cuộc sống hằng ngày nên em chú ý quan sát xung quanh và tận dụng mọi thời gian, không gian để vận dụng vào môn học. Bên cạnh đó, em nhận được sự quan tâm, tận tình chỉ bảo của các thầy cô giáo trong trường, điều này đã “truyền lửa” đam mê giúp em say mê học tập.

Cô giáo Bùi Thị Thúy Vân, Chủ nhiệm lớp 12B chia sẻ: Tráng Thị Lươn là học sinh ham học hỏi nhưng em lại sống nội tâm. Trong khi các bạn cùng trang lứa thích những nghề "hot” như hướng dẫn viên du lịch, ngân hàng... thì em lại phấn đấu vào ngành y với mong ước sau này trở về địa phương chữa bệnh cho đồng bào mình.

 Tráng Thị Lươn cùng các bạn tranh thủ ôn bài trước kỳ thi.

Tráng Thị Lươn cùng các bạn tranh thủ ôn bài trước kỳ thi.

Tráng Thị Lươn bộc bạch: Em cảm thấy môn Sinh học rất thú vị, giúp em có kiến thức về môi trường sinh vật, hệ sinh thái cũng như nhiều nguyên nhân gây bệnh cho con người và những cách phòng tránh bệnh. Càng học em lại càng muốn trở thành bác sĩ.

Chia sẻ thêm về ước mơ của mình, Tráng Thị Lươn nói: Nơi em ở cách trung tâm xã chừng 15 km, đường lên thôn vẫn là đường đất, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn nên mỗi khi có người ốm phải xuống trạm xá xã khám bệnh rất vất vả. Trong thôn còn nhiều hộ nghèo, cũng không có điều kiện đi khám bệnh thường xuyên, thậm chí nhiều người ốm chỉ dùng lá cây quanh vườn để chữa khiến bệnh tình nặng hơn, phải lên bệnh viện huyện cấp cứu. Em mong muốn trở thành bác sĩ để có thể giúp gia đình và những người dân quê em.

"Để đi tới thành công có nhiều con đường nhưng con đường ngắn nhất là học tập" là câu nói mà cô bé Tráng Thị Lươn luôn ghi nhớ và tự nhắc nhở bản thân để vững bước trong hành trình phía trước, quyết tâm hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sĩ.

Quyết tâm của 4 thí sinh mồ côi

Tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và THPT huyện Si Ma Cai có 4 thí sinh hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Có em thì mồ côi cha, em thì mồ côi mẹ nhưng tất cả đều có điểm chung là luôn nỗ lực, cố gắng vượt vũ môn vì một tương lai tươi sáng.

Em Nùng Thị Nhung, dân tộc Nùng ở thôn Na Pá, xã Bản Mế mất cha khi vừa bước vào ngưỡng cửa lớp 10. Còn cha của em Thào Thị Ly ở thôn Sín Chải, xã Sín Chéng qua đời khi em mới học lớp 4. Em Hoàng Thị Quỳnh Nga ở tổ dân phố Phố Cũ, thị trấn Si Ma Cai mất cha khi vừa tròn 9 tuổi. Cha của cả 3 em đều qua đời vì bạo bệnh. Còn em Ly Thị Xuân ở thôn Cốc Rế, xã Bản Mế, mỗi khi nhắc đến mẹ, em rất xúc động, bởi vào năm 2022, mẹ đột ngột qua đời khi gặp tai nạn lật thuyền trên sông Chảy. Mất đi trụ cột, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến cả việc quan tâm, chăm lo sinh hoạt, học tập của các em.

 Từ phải qua trái là các em Nùng Thị Nhung, Ly Thị Xuân, Hoàng Thị Quỳnh Nga và Thào Thị Ly, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và THPT huyện Si Ma Cai.

Từ phải qua trái là các em Nùng Thị Nhung, Ly Thị Xuân, Hoàng Thị Quỳnh Nga và Thào Thị Ly, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và THPT huyện Si Ma Cai.

Em Nùng Thị Nhung tâm sự: Trước lúc đi xa, cha mong em sau này sẽ trở thành giáo viên, giúp đỡ học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn vươn lên trong học tập. Kể từ đó, em luôn khắc sâu di nguyện của cha, quyết tâm học thật tốt. Kết thúc 12 năm học, em đăng ký nguyện vọng vào ngành Giáo dục công dân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Mong muốn con vào ngành sư phạm cũng là tâm nguyện của cha em Thào Thị Ly, em cũng đăng ký nguyện vọng ngành Giáo dục công dân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Em Hoàng Thị Quỳnh Nga chia sẻ: Bố mất chưa kịp nói gì với em. Có câu hát “Cô giáo như mẹ hiền” nên em cũng mong muốn trở thành cô giáo, sau này có cơ hội được quay về quê hương cống hiến, dạy các em nhỏ trở thành con ngoan, trò giỏi. Vì vậy em đã quyết định đăng ký ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Còn Ly Thị Xuân lại lựa chọn ngành Tiếng Trung, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai.

Cả 4 em đều học cùng lớp, không có được sự bao bọc trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ như các bạn cùng trang lứa, các em đã tự bảo ban nhau, cùng nhau cố gắng học tập trong suốt 3 năm học, động viên nhau những lúc nhớ về người thân đã khuất. Tất cả các em đều trở thành niềm tự hào của nhà trường khi 3 năm liền các em đều đạt học lực khá, giỏi.

 Các em cùng nhau ôn luyện, động viên nhau cùng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Các em cùng nhau ôn luyện, động viên nhau cùng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Gặp các em trong gian phòng nhỏ khu bán trú của nhà trường, khi nhắc về những người thân đã khuất, trong ánh mắt các em thấy rõ sự đượm buồn, rưng rưng khóe mắt. Những ký ức, lời căn dặn của cha, mẹ chính là hành trang, động lực để các em quyết tâm vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, viết tiếp ước mơ và trở thành người có ích trong tương lai.

Ấm áp tình cảm thầy trò

Trường THPT số 3 Mường Khương (khu vực Cao Sơn) có 107 học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi số 2 của huyện. Trong đó, Sùng Dìn là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong hành trình ôn tập và thi tốt nghiệp của em luôn có sự đồng hành, yêu thương của các thầy, cô giáo.

Dìn là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em. Mẹ mất sớm, bố một mình nuôi 8 anh em Dìn khôn lớn. Đã 18 tuổi nhưng dáng người Dìn nhỏ bé, gầy còm, đôi mắt đượm buồn. Dìn luôn là học trò ngoan, cố gắng hoàn thành tốt các môn học. Ngoài giờ học và ngày nghỉ, em giúp đỡ bố công việc đồng áng.

Biết được hoàn cảnh của Dìn, suốt những năm học cấp 3, thầy, cô luôn quan tâm, động viên, đặc biệt là thầy chủ nhiệm Nguyễn Quý Hùng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng nhà Dìn ở gần trường nên em không thuộc diện học sinh được ở bán trú. Đầu tháng 5, trong cuộc họp giao ban, thầy Hùng đã báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường và đề đạt việc chung tay hỗ trợ em được ăn, ở bán trú để có điều kiện ôn tập tốt nhất.

 Sùng Dìn nỗ lực ôn tập để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sùng Dìn nỗ lực ôn tập để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong sự đùm bọc của thầy, cô Trường THPT số 3 huyện Mường Khương, Dìn yên tâm học tập, sinh hoạt cùng các bạn, nỗ lực từng ngày trong kỳ thi đặc biệt quan trọng trong cuộc đời mình.

Sùng Dìn chia sẻ: Em rất may mắn khi luôn được thầy, cô quan tâm, giúp đỡ. Đây chính là động lực tinh thần để em vượt qua mọi khó khăn, thực hiện ước mơ trở thành giáo viên của mình.

 Cô Lù Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT số 3 huyện Mường Khương luôn quan tâm, giúp đỡ Sùng Dìn.

Cô Lù Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT số 3 huyện Mường Khương luôn quan tâm, giúp đỡ Sùng Dìn.

Ước mơ trở thành thầy giáo của Sùng Dìn bắt nguồn từ chính những tình cảm yêu thương em nhận được từ các thầy, cô giáo trường THPT số 3 huyện Mường Khương. Thầy cô chính là tấm gương sáng để em noi theo để có một tương lai tươi sáng hơn.

Xin ra viện để kịp ngày thi

Trước ngày làm thủ tục dự thi, Ma Thanh Soài, học sinh lớp 12, Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và đang trong quá trình phục hồi sau ca mổ ruột thừa nhưng em đã quyết tâm xin ra viện để kịp ngày thi.

Được sự đồng ý của các y, bác sĩ, gia đình đã làm thủ tục ra viện để về tham dự kỳ thi được xem là bước ngoặt lớn của cuộc đời.

 Ông Ma Văn Tám vui vẻ khi con trai kịp bình phục để tham dự kỳ thi.

Ông Ma Văn Tám vui vẻ khi con trai kịp bình phục để tham dự kỳ thi.

Ông Ma Văn Tám đi chăm sóc con trai từ bệnh viện về nhà, hôm qua lại đưa Soài từ xã Nghĩa Đô ra thị trấn Phố Ràng làm thủ tục thi. Ông Tám cho biết cách đây 5 hôm, khi vừa đi ôn thi về thì con kêu đau bụng, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chỉ định mổ ruột thừa. Biết Soài là thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp nên các bác sĩ đã tận tình chữa trị để nhanh hồi phục.

Ông Tám chia sẻ thêm: "Dù gia đình không có điều kiện nhưng cũng cố gắng thuê một phòng nghỉ ở trung tâm thị trấn để Soài nghỉ ngơi nhưng con xin được ở ký túc xá của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện theo các bạn". Soài tâm sự: Em ở trong này để cùng ôn bài với các bạn và đến điểm thi thuận tiện hơn.

Thương bố mẹ vất vả nên suốt những năm học phổ thông, Soài luôn nỗ lực học tập đạt thành tích cao. Nguyện vọng của Soài là đăng ký vào Học viện An ninh, vì vậy em sẽ cố gắng trong từng môn thi.

Trước giờ chia tay, ông Tám động viên con cố gắng thi hết sức nhưng cũng phải nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. "Ở đây có các thầy cô giáo và cán bộ y tế nên tôi cũng yên tâm" - ông Tám nói.

Ngoài Ma Thanh Soài, ở ký túc xá của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Yên có 152 học sinh Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên (đặt tại xã Nghĩa Đô) cũng được bố trí ăn nghỉ tại đây. Nhà trường đã cử 2 giáo viên theo suốt các em trong kỳ thi để chăm lo ăn ở, học hành và nhắc nhở các em về quy chế, lịch thi.

Đến điểm thi bằng xe lăn với quyết tâm đỗ Đại học Y Hà Nội

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tại điểm thi Trường THPT Chuyên Lào Cai, có 1 trường hợp thí sinh bị gãy chân, phải di chuyển bằng xe lăn đến phòng thi. Đó là em Nguyễn Dương Trung Nghĩa (sinh năm 2006), học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai.

 Nguyễn Dương Trung Nghĩa là niềm hy vọng thủ khoa Khối B của tỉnh Lào Cai trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024.

Nguyễn Dương Trung Nghĩa là niềm hy vọng thủ khoa Khối B của tỉnh Lào Cai trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024.

Chia sẻ với phóng viên, Trung Nghĩa cho biết: Cách đây hơn một tháng, em không may bị tai nạn nên gãy chân. Vì vết thương khá nặng, phải trải qua nhiều lần mổ phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nên em chưa thể đi lại bình thường mà phải di chuyển bằng xe lăn.

Mặc dù gặp sự cố về sức khỏe trong thời gian ôn thi tốt nghiệp nhưng Nghĩa không gặp quá nhiều áp lực khi ôn tập. “Em học chuyên Toán, trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp, em đã có một khoảng thời gian ôn tập kiến thức và thi thử nhiều lần tại trường nên không quá lo lắng. Tuy nhiên, bản thân vẫn có đôi chút hồi hộp”, Nghĩa tâm sự.

 Bố mẹ của Trung Nghĩa có mặt động viên con trai "vượt vũ môn".

Bố mẹ của Trung Nghĩa có mặt động viên con trai "vượt vũ môn".

Nghĩa cho biết, vụ tai nạn đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của em. Tuy nhiên, em vẫn giữ tâm thế tự tin và mong sẽ đạt được điểm số cao trong kỳ thi. Mục tiêu của Trung Nghĩa là thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội.

Vì chân đau nên Trung Nghĩa được nhà trường tạo điều kiện ở phòng ký túc xá tầng 1. Anh Nguyễn Hoài Nam, bố của Trung Nghĩa chia sẻ: Hai vợ chồng đều là giáo viên công tác ở huyện Bắc Hà. Với tinh thần “tất cả vì con", chúng tôi đã thu xếp công việc riêng để có thể dành toàn bộ thời gian tập trung hỗ trợ, đồng hành với con trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp.

 Các tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT Chuyên Lào Cai hỗ trợ đưa Trung Nghĩa đến phòng thi.

Các tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT Chuyên Lào Cai hỗ trợ đưa Trung Nghĩa đến phòng thi.

Buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia, Trung Nghĩa và bố mẹ đã được 4 tình nguyện viên là học sinh của Trường THPT Chuyên Lào Cai hỗ trợ di chuyển xe lăn và cõng em lên phòng thi.

“Khi thấy Trung Nghĩa đến điểm thi, em và các bạn đã cùng nhau hỗ trợ, cõng bạn lên phòng thi. Việc làm tuy nhỏ nhưng chúng em rất vui và hy vọng Nghĩa sẽ làm tốt bài thi của mình”, 1 tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT Chuyên Lào Cai tâm sự.

Sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, bạn bè đã và đang là động lực tinh thần giúp Nguyễn Dương Trung Nghĩa tự tin hoàn thành ước mơ trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội.

Nỗ lực để xứng đáng với kỳ vọng của gia đình

Chúng tôi gặp Cư A Chư (dân tộc Mông), học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bảo Yên khi em và các bạn vừa kết thúc ngày thi đầu tiên. Tranh thủ so sánh đáp án với các bạn, Chư tạm hài lòng với kết quả bài thi của mình. Chư chia sẻ: "Đề thi môn Toán nhiều câu hỏi khó, em đã cố gắng làm chắc những câu dễ nên hy vọng sẽ đủ điểm đỗ tốt nghiệp".

Cư A Chư sinh ra trong gia đình khó khăn lại đông anh em ở Làng Vành, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên. Cả gia đình chỉ có Chư là được bố mẹ cho học hết phổ thông, các anh của Chư người thì thất học từ nhỏ, người thì đang học đến cấp 2 phải bỏ dở giữa chừng.

 Cư A Chư tranh thủ ôn lại bài vở trước ngày thi.

Cư A Chư tranh thủ ôn lại bài vở trước ngày thi.

Thương bố mẹ nên có lúc Chư cũng có ý định xin nghỉ học ở nhà phụ giúp việc gia đình nhưng cả nhà đều khuyên phải nỗ lực học hết phổ thông rồi học nghề để mai sau không còn vất vả như bố mẹ và các anh.

Cô giáo Hoàng Thị Chiến, giáo viên chủ nhiệm lớp của Chư cho biết, ngày mới vào học Chư nhút nhát, ít khi nói chuyện với bạn bè, thầy cô. Biết hoàn cảnh khó khăn của em nên các cô giáo luôn động viên, khích lệ để Chư tự tin hơn trong giao tiếp và học tập, dần dần Chư cũng đã mạnh dạn hơn. Những kết quả trong học tập của Cư A Chư trong suốt những năm học THPT là cả một sự nỗ lực lớn của cậu học trò này.

Chia sẻ về những dự định của mình, Chư cho biết: Em mong muốn thi xong tốt nghiệp thì xin đi làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận, sau đó tùy theo nhu cầu việc làm ở địa phương mà sẽ xin đi học một ngành nào đó phù hợp.

Thí sinh duy nhất thi môn Ngoại ngữ là tiếng Pháp

Đó là em Bùi Trần Thảo Linh (sinh năm 2005), dự thi khối D03 (gồm các môn: Toán - Ngữ Văn - Tiếng Pháp) để lấy điểm xét tuyển vào đại học. Năm nay, Thảo Linh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Quản trị kinh doanh, ngành tiếng Pháp thương mại (Đại học Thương mại); nguyện vọng 2 vào Khoa Sư phạm tiếng Pháp (Đại học Sư phạm Hà Nội).

 Thảo Linh đến làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai vào ngày 26/6.

Thảo Linh đến làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai vào ngày 26/6.

Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thảo Linh lựa chọn thi khối C20 và đỗ Học viện Hành chính quốc gia, chuyên ngành Xây dựng Đảng Chính quyền và Nhà nước. Tuy nhiên, vì tình yêu với tiếng Pháp và để thực hiện ước mơ đi du học Pháp, Thảo Linh đã quyết tâm ôn luyện và lựa chọn thi tiếng Pháp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

 Thảo Linh trong buổi thi chiều 28/6, môn thi Ngoại ngữ tiếng Pháp.

Thảo Linh trong buổi thi chiều 28/6, môn thi Ngoại ngữ tiếng Pháp.

Từ tháng 11/2021, Thảo Linh bắt đầu học tiếng Pháp. Trước đây, Thảo Linh học tiếng anh không giỏi nên khi quyết tâm chuyển sang học tiếng Pháp, em cảm thấy hào hứng với môn học mới.

 Thí sinh duy nhất của tỉnh Lào Cai thi tiếng Pháp.

Thí sinh duy nhất của tỉnh Lào Cai thi tiếng Pháp.

Mặc dù biết không có nhiều trường đại học xét tuyển khối D03, tuy nhiên, Thảo Linh không quá lo lắng mà quyết tâm ôn tập thật tốt để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi năm nay.

 Bùi Trần Thảo Linh mong đỗ Đại học và sau đó thực hiện ước mơ du học Pháp.

Bùi Trần Thảo Linh mong đỗ Đại học và sau đó thực hiện ước mơ du học Pháp.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-ben-le-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-post385946.html