Chuyến đi chuẩn bị của ngoại trưởng Mỹ cho cuộc gặp với Trung Quốc?

Hội đàm Bộ Tứ và chuyến thăm cấp bộ trưởng tới Nhật - Hàn là màn dạo đầu đầy ẩn ý trước khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp mặt các quan chức đối ngoại cấp cao của Trung Quốc.

Tuần này, hai quan chức quan trọng nhất trong nội các Tổng thống Biden - Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin - được cử tới Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên từ sau lễ nhậm chức của ông Biden.

Chuyến thăm tới hai đồng minh thân cận nhất tại Đông Á còn được xem là màn dạo đầu trước thềm cuộc gặp mặt đối mặt của chính quyền ông Biden với Trung Quốc vào ngày 18/3 (giờ địa phương). Tại Alaska, Ngoại trưởng Blinken cùng cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Washington coi cuộc tiếp xúc đầu tiên với quan chức Bắc Kinh là cơ hội thiết lập các nguyên tắc căn bản cũng như đặt ra lằn ranh cho quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ được Ngoại trưởng Blinken miêu tả là "bài kiểm tra địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21".

Phát biểu tại quốc hội tuần trước, Ngoại trưởng Blinken gọi cuộc gặp này là "buổi làm việc một lần" để xác định những lĩnh vực hai nước có thể hợp tác và "nêu lên những quan ngại" từ phía Washington.

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: New York Times.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: New York Times.

Washington bắt đầu hành động

Chiến dịch ngoại giao của Washington bắt đầu từ hôm 12/3 bằng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến có sự tham gia của các nước Bộ Tứ - Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ. Dễ dàng nhận thấy châu Á đã trở thành ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden.

Đối thoại với các đồng minh và đối tác thuộc Bộ Tứ diễn ra chỉ chưa đầy hai tháng sau ngày nhậm chức. Cuộc gặp thượng đỉnh nhấn mạnh thêm mục tiêu thúc đẩy các liên kết quốc tế, qua đó trấn áp các đối thủ và củng cố các lợi ích của Mỹ.

"Khi Trung Quốc nghe thấy thêm nhiều ý kiến chỉ trích, không chỉ từ phía Mỹ, mà từ cả các nước khác trên thế giới, cơ hội thay đổi sẽ lớn hơn", Ngoại trưởng Blinken nói trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ám chỉ những hành vi Washington miêu tả là hung hăng của Bắc Kinh.

Nhưng hiện thực hóa mong muốn đó chẳng phải việc dễ dàng.

 Cuộc họp lãnh đạo các nước Bộ tứ. Ảnh: FT.

Cuộc họp lãnh đạo các nước Bộ tứ. Ảnh: FT.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhờ nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh thành công, Trung Quốc củng cố thêm vị thế kinh tế, trong khi các nước phương Tây chật vật phục hồi.

Với những khoản đầu tư khổng lồ cho quốc phòng, Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách năng lực quốc phòng với Mỹ.

Sức mạnh kinh tế kết hợp quân sự giúp Bắc Kinh củng cố vị thế trên vũ đài quốc tế.

Tại cuộc hội đàm ở Tokyo ngày 16/3, các bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung về hành vi của Trung Quốc. Các quan chức hàng đầu của hai quốc gia đồng minh cam kết chống lại "hành vi ép buộc và gây bất ổn" trong khu vực.

Tại Hàn Quốc, ngoại trưởng Mỹ ca ngợi Hàn Quốc là "một đối tác quan trọng đối với các ưu tiên chung của chúng tôi trong khu vực", và các ưu tiên đó bao gồm thúc đẩy "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Cam kết với Nhật - Hàn

Quyết định lựa chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên của hai ông Blinken và Austin là cam kết mạnh mẽ Washington gửi tới Tokyo. Hôm 12/3, Nhà Trắng cho biết Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp mặt Tổng thống Biden ở Washington.

"Trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ đã tranh cãi với các đồng mình về chia sẻ chi phí quốc phòng. (Chính quyền Trump) có cách tiếp cận rất đơn phương trong quan hệ với các đồng minh, gần như là khinh thường họ", Victor Cha, cựu cố vấn chính sách châu Á của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.

"Trong lúc đó, Trung Quốc dùng đòn bẩy kinh tế để bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực", ông Cha nói thêm.

Chính quyền ông Trump thường xuyên có cách tiếp cận mâu thuẫn đối với Trung Quốc. Khi đàm phán thỏa thuận thương mại, ông Trump không ngại ngần tâng bốc Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng đồng thời, các quan chức chính quyền ông Trump chỉ trích các hoạt động khác của Bắc Kinh về quân sự, thương mại, nhân quyền hay an ninh mạng.

Trong khi đó, Tổng thống Biden theo đuổi một quan hệ song phương với Bắc Kinh dựa trên hợp tác kết hợp cạnh tranh và sẵn sàng đối đầu nếu cần.

 Mỹ - Hàn đang thảo luận khả năng khởi động lại tập trận quy mô lớn. Ảnh: AFP.

Mỹ - Hàn đang thảo luận khả năng khởi động lại tập trận quy mô lớn. Ảnh: AFP.

Để bảo đảm chiến lược Trung Quốc phát huy hiệu quả, chính quyền ông Biden tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cả Tokyo và Seoul đều tìm cách tiếp cận cân bằng trong vấn đề Trung Quốc. Dù bất đồng sâu sắc với Bắc Kinh về an ninh, dân chủ và nhân quyền, sự thịnh vượng về kinh tế của cả Nhật Bản và Hàn Quốc lại phụ thuộc vào giao thương với người láng giềng khổng lồ này.

Thời gian qua, Nhật Bản lên tiếng quyết liệt hơn khi quân đội Trung Quốc xâm nhập khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo tranh chấp chủ quyền của hai nước (Nhật Bản đang kiểm soát)

Trong chuyến thăm Toyko, các quan chức Nhật Bản một lần nữa đề nghị Bộ trưởng Austin tái cam kết quân đội Mỹ sẽ can dự trong trường hợp nổ ra xung đột với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Còn tại Seoul, một trong những vấn đề được quan tâm là củng cố liên minh Mỹ - Hàn thông qua khả năng khởi động lại tập trận quy mô lớn, hoạt động đã bị hủy bỏ phần lớn dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Tuần trước, hai bên đã đạt được thỏa thuận mới về chia sẻ chi phí đồn trú quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Theo đó, Seoul đồng ý chi thêm 13,9%, lên mức hơn 1 tỷ USD, để giữ 28.500 lính Mỹ lại nước này.

Thông điệp làm hòa của Trung Quốc bị bỏ qua?

Về phần mình, các lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố mong muốn đưa quan hệ với Mỹ trở về trạng thái bình thường và bình đẳng.

Thực tế, sau khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngã ngũ, Bắc Kinh đã nhiều lần gửi đi thông điệp muốn làm hòa với Washington.

"Bởi khác biệt về hệ thống xã hội, Trung Quốc và Mỹ có những bất đồng và xung đột căn bản tự nhiên", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 7/3.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc hai nước "cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở công bằng và bình đẳng để cùng phát triển" là điều bình thường, đồng thời kêu gọi tránh đối đầu hay triệt hạ lẫn nhau.

Tuy vậy, giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã cảm nhận được sức nóng từ sách lược tập hợp đồng minh của chính quyền Biden. Họ cũng ý thức điều có thể khiến Bắc kinh thiệt hại cả về kinh tế và chính trị.

Ví dụ mới nhất là việc Bộ Tứ tuần trước thông báo kế hoạch cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước Đông Nam Á, nhằm đối trọng với chiến lược ngoại giao vaccine của Trung Quốc ở khu vực này.

Ngoại trưởng Vương Nghị nói dịch bệnh, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu là những lĩnh vực hợp tác khả thi, tuy nhiên khẳng định Washington không có quyền can thiệp vào các vấn đề mà Bắc Kinh coi là chuyện nội bộ của Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng, hay Hong Kong.

Ông Vương Nghị cũng không quên nhắc tới "giới hạn đỏ" trong vấn đề Đài Loan.

 Tàu chiến Mỹ đã 3 lần đi qua eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ của ông Biden. Ảnh: SCMP.

Tàu chiến Mỹ đã 3 lần đi qua eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ của ông Biden. Ảnh: SCMP.

Vài ngày sau phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị, Mỹ điều tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan. Washington nói đây là hoạt động thường kỳ, nhưng Bắc Kinh coi hành động này là động thái khiêu khích.

Một số nhà phân tích cảnh báo bất cứ động thái nới lỏng sức ép nào từ phía Mỹ cũng sẽ trao cho Trung Quốc thêm thời gian để phát triển các năng lực công nghệ và quốc phòng, trước khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước đổ vỡ.

Sau chuyến thăm Tokyo và Seoul, Bộ trưởng Austin sẽ tới Ấn Độ, quốc gia đang có quan hệ với Trung Quốc mức tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ do xung đột ở biên giới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken đến Alaska vào ngày 18/3 để tham dự cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc.

Trước thềm cuộc gặp, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, lãnh đạo Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cảnh báo Mỹ "không thể coi Trung Quốc là một đối thủ thông thường".

"Chúng ta đã làm ngơ cho Trung Quốc trong suốt 4 thập kỷ với hy vọng thuyết phục lãnh đạo của họ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Đáng tiếc là cách làm đó đã không có hiệu quả", ông McCaul nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-di-chuan-bi-cua-ngoai-truong-my-cho-cuoc-gap-voi-trung-quoc-post1193550.html