Chuyến đi đại đoàn kết dân tộc

Đại biểu Việt kiều và các thành viên trong đoàn dưới chân cột mốc chủ quyền trên đảo Sơn Ca

(CATP) Từ ngày 18 đến ngày 26-4-2014, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức chuyến đi thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cho đoàn đại biểu Việt kiều tiêu biểu. Đoàn gồm 50 thành viên đến từ 17 quốc gia trên thế giới do ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - làm trưởng đoàn công tác. Tham gia còn có đoàn đại biểu Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, một số ban ngành...

Trong suốt hải trình kéo dài 10 ngày hơn 1.000 hải lý, các thành viên trong đoàn đã được đi thăm các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, đảo Trường Sa và các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Đá Tây A, Đá Tây C, Len Đao, Đá Lát và hai nhà giàn DK1-17, DK1-18.

Đầu tiên là háo hức, tò mò rồi chuyển sang ngạc nhiên, khâm phục, đó là cảm nhận chung của các đại biểu Việt kiều trong đoàn, phần lớn lần đầu được ra thăm Trường Sa. Việt kiều David Nguyễn định cư tại Mỹ - tự nhận mình là một người chống cộng cực đoan. Đứng trên boong tàu khi tàu thả neo tại khu vực đảo Song Tử Tây, ông mới thật sự tin rằng mình đang có mặt tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông kể, cho đến lúc ra sân bay ở Mỹ, ông vẫn chưa thật sự tin rằng mình có thể về Việt Nam và đặt chân lên những đảo nổi đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Bởi ở Mỹ nhiều người Việt, kể cả người thân của ông, vẫn còn bán tín bán nghi rằng làm gì còn có Trường Sa mà về thăm, vì Trường Sa đã bị nước ngoài chiếm giữ hết rồi.

Được chứng kiến cuộc sống của cán bộ chiến sĩ hải quân cũng như nhân dân trên các đảo nổi, với những công trình được xây dựng kiên cố khang trang, các đảo đều có điện sinh hoạt nhờ hệ thống pin mặt trời và năng lượng gió, được phủ sóng điện thoại, tivi, internet, các đại biểu không khỏi ngạc nhiên thán phục. Vì trước khi ra đảo, họ vẫn nghĩ rằng trên đảo chỉ là những công trình đơn sơ tạm bợ.

Để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân trên đảo, trên các đảo như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều có các ngôi chùa xây dựng bề thế, với các nhà sư từ đất liền thay phiên nhau ra trụ trì coi sóc. Các cháu nhỏ được đi học theo lứa tuổi càng làm cho đảo ngày càng gần với đất liền hơn, bớt đi cảm giác xa xôi cách trở vì yếu tố địa lý.

Trong đoàn Việt kiều thăm quần đảo Trường Sa có một số người từng ở bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam như ông Nguyễn Ngọc Lập, từng là thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa, người đã từng ngồi 10 năm trong trại cải tạo. Thế nhưng khi ra thăm Trường Sa, tham gia buổi lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây dưới chân cột mốc chủ quyền của đảo, ông đã phát biểu: từng là lính hải quân, cho nên ông rất kính trọng và khâm phục sự hy sinh anh dũng của các cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để giữ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc. Dưới chân cột mốc chủ quyền của đảo Song Tử Tây thiêng liêng ông đã đứng nghiêm trang chào lá cờ Tổ quốc như một người lính.

Bà Phạm Tuệ Châu, Việt kiều định cư tại Mỹ hiện phụ trách Đài Tiếng nói Quê hương ở hải ngoại, vừa khóc vừa nói rằng những việc làm của bà cũng như những phần quà bà mang theo tặng cho cán bộ chiến sĩ hải quân cũng chỉ như những hạt cát mà thôi. Sau khi về Mỹ, bà sẽ kêu gọi hơn 4 triệu bà con ở hải ngoại hãy hướng về Tổ quốc, và có những việc làm thiết thực vì Trường Sa thân yêu, hãy tin rằng một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn hiển hiện giữa biển trời đầy phong ba bão tố, vẫn ngày đêm được bảo vệ với tinh thần cảnh giác cao độ của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

5 giờ chiều ngày 22-4, tàu thả neo tại vị trí cách đảo Gạc Ma chừng 7 dặm để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, trong một trận chiến đấu không cân sức ngày 14-3-1988. Trên boong tàu, mọi người rưng rưng nước mắt trước lời phát biểu tưởng niệm của Trưởng đoàn công tác Nguyễn Thanh Sơn trước vong linh các anh hùng liệt sĩ: “Chúng tôi rất gần các anh, chỉ 7 dặm thôi mà không đến được vì Gạc Ma đã bị nước ngoài chiếm đóng trái phép. Các anh đã hy sinh, gửi thân xác nơi biển đông lạnh lẽo, nhưng các anh sẽ trở thành những phúc thần trấn an nơi biển đảo quê nhà, độ trì cho quân và dân chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Tham gia lễ tưởng niệm còn có một nhân chứng sống trong trận chiến đấu không cân sức và bi tráng ấy là đại tá anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Huy Lễ - nguyên thuyền trưởng tàu HQ505. Ông là người đã dũng cảm lao tàu lên đảo chìm Cô Lin để làm cột mốc sống, khẳng định chủ quyền của đảo trong sự kiện 14-3-1988. Người lính già năm xưa sau 26 năm mới có dịp trở lại Trường Sa, bồi hồi nhớ lại những gương mặt thân quen của đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại biển Đông.

Trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này có hai đại biểu rất đặc biệt thu hút được sự chú ý của cánh phóng viên. Đó là bà Huỳnh Thị Sinh - vợ của trung tá Ngụy Văn Thà, hạm phó Hộ tống hạm HQ10 của quân lực Việt Nam cộng hòa và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo con của hạm trưởng Nguyễn Thành Trí - chỉ huy trưởng Hộ tống hạm HQ10, cùng hy sinh với trung tá Ngụy Văn Thà trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Ngày 24-4, tàu cập cầu tàu của đảo Trường Sa, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Các thành viên trong đoàn đã dâng hương tưởng niệm trước Đài liệt sĩ tại đảo, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương cho những liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại đảo.

Tại đảo Trường Sa, đoàn công tác đã tổ chức “Lễ cầu siêu - tưởng niệm anh linh các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đồng bào, bạn bè quốc tế tử nạn trên biển Đông”. Tối cùng ngày, buổi ghi hình phục vụ cầu truyền hình “Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa; Ký ức hào hùng - chủ quyền thiêng liêng” được tổ chức tại sân trung tâm trước cột mốc chủ quyền của đảo. Cuộc giao lưu văn nghệ ấm áp nghĩa tình giữa các nghệ sĩ Văn công Quân khu 9 cùng các nghệ sĩ của Hội nghệ sĩ Sân khấu đã diễn ra với quân và dân trên đảo.

Các thành viên trong đoàn chắc không bao giờ quên buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam tổ chức trên tàu sau khi thăm hai nhà giàn DK1. Mỗi người một nén nhang, một bông cúc vàng thành kính tưởng niệm những chiến sĩ trên các nhà giàn đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền và phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.

Trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, các đại biểu Việt kiều trên khắp thế giới đã mang đến cho quân và dân trên đảo những tình cảm thân thiết như đối với người thân trong gia đình. Họ đại diện cho hơn 4 triệu người Việt Nam ở xa Tổ quốc, không phân biệt xuất thân, thành phần, chính kiến luôn hướng về Tổ quốc về biển đảo quê hương. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã trao tượng trưng số tiền hơn 800 triệu đồng cho đại diện Bộ tư lệnh Hải quân - đại tá Đỗ Minh Thái - Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hải quân. Đây là số tiền của bà con Việt kiều đóng góp để xây nhà bia tưởng niệm trên đảo Song Tử Tây.

Kết thúc chuyến đi, tất cả bà con Việt kiều đều tỏ lòng biết ơn Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ tư lệnh Hải quân đã tạo điều kiện để bà con được về nước và đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Bà con cũng mong muốn trong thời gian tới có nhiều chuyến đi tương tự, để nhiều kiều bào có dịp trở về với Tổ quốc và ra với Trường Sa sau bao năm xa xứ. Điều này cũng sẽ xóa đi những hoài nghi do thiếu thông tin, hoặc do những người không có thiện ý cố tình xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong suốt hải trình thăm và động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng đoàn công tác đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, cùng với những chuyến tổ chức cho bà con Việt kiều thăm Trường Sa trong 2 năm 2012 - 2013, đây là chuyến đi đại đoàn kết dân tộc để góp phần cho tiến trình hòa giải hòa hợp dân tộc ngày một đến gần hơn. Đó cũng là nguyện vọng của tất cả con dân đất Việt dù ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, mà lúc sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, đau đáu.

Xin mượn lời của Việt kiều Ukraina - Nguyễn Sĩ Tiên trong chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 để kết thúc bài viết: “Chuyến đi này là chuyến đi có ý nghĩa và đẹp nhất trong cuộc đời tôi”.

- Ông Nguyễn Ngọc Lập từng là thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa: “Ngày hôm nay tôi bày tỏ sự kính trọng Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi xin được đứng về phía nhân dân và cho tôi xin được cảm ơn các quân nhân hải quân ngày đêm giữ đảo ở đây”.

- Bà Phạm Tuệ Châu, Việt kiều Mỹ hiện phụ trách Đài Tiếng nói Quê hương ở hải ngoại: “Tôi hết sức xúc động trước hình ảnh của anh em chiến sĩ hải quân, trước biển đảo của chúng ta vẫn còn đây và mãi mãi còn đây. Qua đây chúng tôi tự nguyện kêu gọi tất cả Việt kiều ở hải ngoại còn hiểu thông tin sai lầm về biển đảo và chủ quyền của chúng ta hãy thức tỉnh, cùng hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhân dân, với quân đội nhân dân để bảo vệ lãnh thổ. Một lần nữa xin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã cho chúng tôi nhìn thấy một sự thật về biển đảo quê hương”.

- Ông David Nguyễn - Việt kiều Mỹ: “Tôi không thể tin rằng được đứng hát trên biển Đông, bởi các đồng hương tại hải ngoại đều nói rằng: Biển Đông chúng ta không có an lành đâu anh ạ, anh về đó không đi trên chiếc tàu nào đâu vì tất cả đều là giả tạo. Nhưng tôi đang đứng nơi đây và vô cùng hãnh diện, hạnh phúc. Chỉ có một ngày thôi, chúng tôi tự sáng tác một bài hát để gửi thông điệp cho hơn 4 triệu người Việt ở hải ngoại, một thông điệp về Trường Sa, bài hát “Trường Sa ơi, chúng tôi đã về đây”.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=942&id=516718&mod=detnews&p=