Chuyển đổi các moong khai thác khoáng sản: Góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước tại Quảng Ninh

Moong khai thác than lộ thiên đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ TN&MT đồng ý cải tạo thành hồ chứa nước ngọt theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo ANNN.

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý cho phép cải tạo moong khai thác than 917 của Công ty Than Hòn Gai thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành hồ chứa nước ngọt theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Điều này mở ra triển vọng cho vấn đề xử lý các moong khai thác khoáng sản đảm bảo yếu tố môi trường, tối ưu hóa các nguồn lực kinh tế - xã hội.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh

Ông Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Quảng Ninh

Thưa ông, vì sao Quảng Ninh quyết định cải tạo moong khai thác khoáng sản lộ thiên thành hồ chứa nước ngọt thay vì san lấp trồng cây như trước kia?

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, tỉnh đã đưa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy hiệu quả các mô hình tái sử dụng chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ Ttỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030, xác định việc: “Cải tạo phục hồi các moong khai thác khoáng sản lộ thiên sau khi đóng cửa mỏ ở những vị trí phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình nhằm tận dụng làm các hồ chứa nước…" là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 264-KH/TU ngày 20/02/2023 thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nhấn mạnh an ninh nguồn nước là loại hình an ninh phi truyền thống liên quan đến các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội từ cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ, phát tán nhanh, lan tỏa rộng, tác động đến phát triển ổn định, bền vững của quốc gia. An ninh nguồn nước là khả năng người dân được đảm bảo bền vững trong tiếp cận đủ lượng nước với chất lượng có thể chấp nhận được để duy trì sinh kế, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo việc chống lại ô nhiễm nguồn nước và các thảm họa liên quan đến nước; bảo tồn các hệ sinh thái.

Theo đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 tổng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hằng năm của tỉnh Quảng Ninh khoảng 431,28 triệu m3/năm; trong đó, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 54,94%, cho công nghiệp chiếm 18,06%, cho sinh hoạt 23,40% và cho môi trường 3,60%. Tuy nhiên, do cơ cấu kinh tế thay đổi, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đòi hỏi yêu cầu cấp nước ngày càng cao; đặc biệt là nhu cầu hoạt động của các khu công nghiệp, đô thị, du lịch; dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2025 là 597,15 triệu m3/năm (thiếu 1,08 triệu m3/năm), đến năm 2030 sẽ cần khoảng 646,02 triệu m3/năm (thiếu 2,60 triệu m3/năm)

Như vậy, nhu cầu về nước ngọt cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải có giải pháp, chiến lược ngay từ bây giờ cho việc để sử dụng hiệu quả nguồn nước cũng như xây dựng các hệ thống trữ nước.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong việc chuyển đổi các moong khai thác khoáng sản sau kết thúc đóng cửa mỏ tại Quảng Ninh?

Hoạt động khai thác than lộ thiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với lịch sử hình thành trên 100 năm đã để lại nhiều moong khai thác có dung tích lớn. Việc cải tạo các moong đã kết thúc khai thác than thành dạng địa hình tự nhiên là khó khả thi, đòi hỏi nguồn lực kinh tế rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động vận chuyển đất đá từ các bãi thải đổ ngược lại vào các moong khai thác.

Do đó, chuyển đổi mong sau khi kết thúc khai thác than thành hồ chứa nước ngọt để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu nước của khu vực trên cơ sở cân đối nguồn nước tại chỗ vừa góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước vừa , phát triển kinh tế tuần hoàn là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, thực hiện định hướng về kinh tế tuần hoàn của tỉnh liên quan tái sử dụng nước thải mỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh triển khai dự án “Điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ sau xử lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng, tỷ lệ tái sử dụng nước thải mỏ”, trong đó có nhiệm vụ “Dự báo tiềm năng nguồn nước từ các moong đến năm 2025 và 2030” và “Đề xuất các biện pháp quản lý các hồ chứa nước thô (moong kết thúc khai thác) sau khi đã đóng cửa mỏ”. Dự án có sự tham gia của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì triển khai thực hiện "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Theo đó, Sở có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các Sở ban ngành và chính quyền các địa phương nơi có hoạt động khai thác mỏ và các bên liên quan khác triển khai rà soát, xây dựng phương án tái sử dụng nước thải mỏ ngành than.

Vậy dự án cải tạo moong than đầu tiên thành hồ chứa nước ngọt đến nay đã có những bước chuẩn bị ra sao?Hiệu quả mà dự án này mang lại thế nào, thưa ông?

Moong than 917 (moong khai trường 917) của Công ty Than Hòn Gai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường vào ngày 24/2/2023, trong đó nêu rõ, sau khi kết thúc khai thác, moong khai trường 917 sẽ được nghiên cứu dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt.

Moong than 917 sẽ được cải tạo thành hồ chứa nước ngọt

Moong than 917 sẽ được cải tạo thành hồ chứa nước ngọt

Việc tái sử dụng nước thải mỏ, ngành than nhằm hạn chế hoạt động xả nước thải mỏ, tiết kiệm tài nguyên, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn là phù hợp với định hướng của Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 06/4/2023), theo đó, có quan điểm “An ninh nguồn nước phải đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và gắn với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, có phương án tái sử dụng nước trong các khu công nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong việc để lại moong sau khi thác để chứa nước phải đánh giá mức độ an toàn cho các dự án khai thác than hầm lò khu vực xung quanh moong 917, đánh giá về địa chất công trình, địa tầng để đảm bảo sức chứa, đề xuất các giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn cho công trình trên mặt, công trình ngầm xung quanh khu vực moong nước và đảm bảo chất lượng nguồn nước.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-cac-moong-khai-thac-khoang-san-gop-phan-dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc-tai-quang-ninh-252261.html