Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thêm thu nhập cho nhân dân

Trong định hướng phát triển, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng kế hoạch, rà soát diện tích trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trồng 1.500 ha cây ăn quả, gồm: Xoài, mắc ca, nhãn chín muộn, tại các xã: Mường Giôn, Chiềng Khay, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Sại, Nặm Ét... và 2.500 ha dứa giống mới, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nông dân xã Mường Giôn phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Nông dân xã Mường Giôn phát triển cây ăn quả trên đất dốc.

Khoảng 10 năm về trước, ở Quỳnh Nhai cây trồng chính là lúa, ngô, sắn và một số cây ăn quả giống địa phương, nhưng chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Bây giờ, trên những nương đồi ở Quỳnh Nhai đã phủ thêm màu xanh của cây ăn quả. Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Với chủ trương đúng, nhiều hộ đã đầu tư chuyển đất trồng cây nông nghiệp hàng năm kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn, dứa; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. UBND huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với cây trồng mới, triển khai xây dựng mô hình trồng xoài, dứa quy mô hơn 200 ha tại xã Chiềng Ơn, Mường Sại, Mường Giàng, Mường Giôn. Qua đánh giá, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng diện tích dứa đã cho thu hoạch và được Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bao tiêu.

Trong câu chuyện với ông Hà Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Giôn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông tự hào: UBND xã Mường Giôn vận dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 76/2017/NQ-HĐND tỉnh; xây dựng và đánh giá, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng tập trung chuyên canh. Đồng thời, vận động các hộ dân thành lập 4 HTX trồng cây ăn quả. Đến nay, xã có gần 400 ha cây ăn quả, trong đó, 200 ha cây mắc ca, 46 ha dứa.

HTX Mường Giôn được thành lập năm 2017 với 10 thành viên. Ban đầu, HTX tập trung trồng rừng và trồng chuối xuất khẩu. Năm 2021, thành viên HTX chuyển hướng sang trồng cây mắc ca, bởi đây là cây trồng mang lại lợi ích kép, khi cây khép tán, đủ tiêu chí thành rừng sẽ được nghiệm thu để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau 5-6 năm trồng, mắc ca sẽ cho thu hoạch, năng suất quả tươi ước đạt khoảng 6 tấn/ha/năm. Anh Đặng Quang Bình, Giám đốc HTX Mường Giôn, xã Mường Giôn, chia sẻ: Đến nay, HTX đã triển khai trồng 200 ha cây mắc ca tại xã Mường Giôn; phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Mường Và trồng 80 ha cây mắc ca tại huyện Sốp Cộp. Hiện nay, HTX tập trung, chăm sóc diện tích cây trồng và dự kiến đến năm 2023 sẽ trồng mới 100 ha cây mắc ca.

Không chỉ ở Mường Giôn, vài năm gần đây, việc đưa cây ăn quả lên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày đã trở thành phong trào ở các bản vùng cao của xã Chiềng Khay. Nhờ trồng cây ăn quả mà đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao. Từ nguồn vốn chương trình 135 và các nguồn tài trợ, xã hội hóa, nhân dân trong xã được hỗ trợ 50 ha giống cây ăn quả, tổng kinh phí trên 900 triệu đồng. Đến nay, toàn xã có hơn 150 ha cây ăn quả, trong đó, có 27 ha cây ăn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển cây ăn quả, nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Tiêu biểu, mô hình trồng chanh leo, mận hậu, kết hợp trồng sả của ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trong xã có 1 doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết trồng cây mắc ca. Bà Tẩn Thị Phan, bản Phiêng Bay, cho biết: Gia đình có 4 ha rừng thông, 2,5 ha cây mắc ca, 1 ha cây quế, 1 ha cây xoài; nuôi 25 con trâu, bò... thu nhập bình quân đạt 400 triệu đồng/năm. Nâng cao giá trị sản phẩm, gia đình sẽ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Vì theo tính toán những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP có thể cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng/ha.

Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có hơn 1.850 ha cây ăn quả các loại. Quỳnh Nhai đang tập trung rà soát, quy hoạch chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gắn với trồng cây dược liệu; huy động nguồn vốn hỗ trợ người dân tiếp cận với cây trồng mới. Đồng thời, xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng dự báo thị trường để xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”.

Thực tiễn chứng minh, việc phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, liên kết ở Quỳnh Nhai đã và đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương. Những vườn cây ăn quả xanh tốt, tạo nên những gam màu sáng trong bức tranh phát triển kinh tế của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, tạo diện mạo nông thôn mới cho vùng quê bên sông Đà ngày thêm trù phú.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-them-thu-nhap-cho-nhan-dan-51903