Chuyển đổi số quốc gia cần lấy người dân làm trung tâm

Đây là nhấn mạnh của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi tọa đàm 'Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức' vừa được Hội Tin học Việt Nam phối hợp với các hội, hiệp hội trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tổ chức tại Hà Nội.

Kiên trì mục tiêu chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cốt lõi của chuyển đổi số là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi mặt đời sống. Các nước coi chuyển đổi số quốc gia có tính định hướng chiến lược phát triển. Đề án chuyển đổi số Việt Nam có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp (DN), người dân... Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân. Người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản thân mình.

“Quan điểm thể hiện xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm”, Phó thủ tướng khẳng định và cho rằng, những lĩnh vực liên quan đến người dân được xác định ưu tiên trong chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, môi trường, văn hóa… Mục đích của cuối cùng của một chính phủ, một chế độ là xã hội ổn định, kinh tế phát triển. Người dân được chăm sóc cả về vật chất, tinh thần. Người dân được thụ hưởng văn hóa, văn minh, được phát triển giá trị bản thân và quay trở lại cống hiến cho xã hội, không chỉ là quê hương đất nước mà cả nhân loại.

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Quyết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Quyết.

Theo Phó thủ tướng, để thực hiện chuyển đổi số, đầu tiên là Chính phủ phải thấy, phải muốn làm để hoạt động hiệu quả hơn, đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của người dân tốt hơn. Đây là nhiệm vụ của cộng đồng CNTT.

“Quan trọng nhất của chuyển đổi số là làm sao để mọi người thấy cần phải làm, muốn làm và có thể làm được. Đây là nhiệm vụ rất lớn của những người làm CNTT”, Phó thủ tướng cho biết.

Phó thủ tướng mong muốn, Hội Tin học Việt Nam và các hội liên quan cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để xây dựng nhanh “thước đo” mới về ứng dụng CNTT của các bộ ngành, địa phương; tăng cường phổ biến tri thức, kiến thức về CNTT ra toàn xã hội. Cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt trong các bài toán lớn được Bộ TT&TT đặt ra khi làm việc với các bộ, ngành.

Chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi thứ hạng Việt Nam

Trao đổi với cộng đồng CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số tại Việt Nam cần thực hiện theo cách của Việt Nam vì chuyển đổi số liên quan đến mọi ngành nghề và cần được tiến hành theo cách phù hợp với văn hóa Việt Nam. Mấu chốt quan trọng để chuyển đổi số thành công là cần có sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị. Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể, nằm trong khả năng, trong tầm tay. Nhận định chuyển đổi số là vấn đề toàn dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, với Việt Nam, những vấn đề vì nhân dân, cần sự hợp lực của toàn dân thì Việt Nam sẽ chiến thắng, sẽ làm được; và có niềm tin mãnh liệt là chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi thứ hạng Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại tọa đàm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT: Chính phủ số hoạt động sẽ làm hiệu quả, tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng. Kinh tế số góp phần tạo ra những giá trị mới, mô hình tăng trưởng mới. Xã hội số sẽ mang đến cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ mới, tiếp cận tri thức.

Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, những doanh nghiệp CNTT đóng vai trò dẫn dắt các đơn vị, cá nhân. Do đó, các doanh nghiệp CNTT cần triển khai các dịch vụ điện tử hướng tới chính phủ số, tạo nền tảng, đầu tư hạ tầng số đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo… Hiện nay, công nghệ chuyển đổi từ hệ thống thông tin sang nền tảng CNTT cho phép quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đơn vị được thực hiện nhanh chóng, bài bản hơn.

 Ban tổ chức buổi tọa đàm phát biểu khai mạc.

Ban tổ chức buổi tọa đàm phát biểu khai mạc.

Chuyển đổi số là quá trình mang tính tổng thể, do đó, các nền tảng số cần được tạo dựng trên cơ chế mở, đồng bộ, kết nối cao nhằm đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật. Chuyển đổi số phải cải thiện năng lực công nghệ và kỹ thuật số của người dân, tạo ra giá trị tăng trưởng và phát triển. Chuyển đổi số mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT sáng tạo ra những giải pháp, nền tảng phù hợp với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần nhìn nhận rõ những thách thức về thể chế, môi trường chính sách, hạ tầng, nền tảng kỹ thuật hiện tại của Việt Nam để đưa ra những giải pháp công nghệ hợp lý cho quá trình chuyển đổi số.

Bài, ảnh: VĂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/chuyen-doi-so-quoc-gia-can-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-626029