Chuyển đổi xanh cho hàng Việt vươn xa
Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn siết chặt hàng rào kỹ thuật môi trường, thương mại xanh đang trở thành 'tấm hộ chiếu' mới để hàng hóa Việt Nam bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Không còn là lựa chọn, chuyển đổi xanh trở thành điều kiện buộc doanh nghiệp (DN) phải thích nghi.
Áp lực trong làn sóng thương mại xanh
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, những yếu tố từng được xem là lựa chọn, nay đã trở thành điều kiện bắt buộc để phát triển. Đơn cử như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu (EU), đây là một công cụ điều tiết thương mại dựa trên lượng phát thải carbon chính thức bước vào giai đoạn đầu áp dụng.
Theo đó, mọi DN muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU phải minh bạch dữ liệu phát thải trong chuỗi sản xuất, đồng thời chứng minh mức độ thân thiện với môi trường trong toàn bộ quy trình. Không chỉ riêng thị trường EU, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... ngày càng siết chặt các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. “Thương mại xanh là xu hướng không thể đảo ngược. Việt Nam cần phải thích ứng nhanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu” - Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Không ít doanh nghiệp đang đầu tư và phát triển theo hướng sản xuất xanh. Ảnh: S.X
Trên thực tế, nhiều DN trong nước bắt đầu bước vào cuộc chơi xanh. Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm OPC chia sẻ: “Chứng nhận DN xanh không chỉ là một danh hiệu, đồng thởi trở thành yếu tố quyết định để tiếp cận được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Không có cam kết môi trường, không thể bước vào sân chơi này”.
Ông Lê Duy Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, DN tái cấu trúc toàn bộ danh mục sản phẩm theo hướng an toàn sinh thái: “Chúng tôi chuyển sang bao bì tái chế, nguyên liệu tự nhiên... nhằm đáp ứng yêu cầu xanh hóa. Nhờ vậy, thị phần trong và ngoài nước của công ty đều tăng đáng kể”. Nhìn chung, DN Việt đang thử sức với thương mại xanh, tuy nhiên hành trình chuyển đổi xanh không dễ dàng, nhất là với các DN vừa và nhỏ.
Khảo sát từ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho thấy, 73% DN niêm yết gặp khó do thiếu quy định minh bạch về ESG; 60% chưa thể tiếp cận vốn cho sản xuất xanh. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện thể chế giúp DN có cơ hội hòa nhịp với các yêu cầu xanh của quốc tế. Theo ông Quân, quá trình chuyển đổi xanh đạt hiệu quả thực chất DN cần gắn trách nhiệm môi trường vào cốt lõi chiến lược thông qua các công cụ như CSR, ESG, mô hình Net-Zero và đổi mới sáng tạo xanh. “Kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành động lực phát triển tất yếu trong giai đoạn mới” - ông Quân nhấn mạnh.
Sớm xây dựng hệ sinh thái thương mại xanh
Nhìn từ thực tế phát triển, ông Lương Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn cho rằng: “Nếu việc cho vay sản xuất xanh mà vẫn áp dụng như vay thông thường thì DN xanh khó cạnh tranh. Cần có các gói tín dụng ưu đãi riêng được phân bổ từ các ngân hàng thương mại”.
Để hỗ trợ DN bắt kịp làn sóng chuyển đổi xanh, Bộ Công thương xây dựng kế hoạch phát triển thương mại xanh đến năm 2030 với những mục tiêu rõ ràng. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) và logistics được xem là hai lĩnh vực trọng điểm. Một trong những giải pháp đột phá được Bộ Công thương đề xuất là phát triển sàn giao dịch TMĐT B2B xanh. TMĐT B2B xanh nơi DN có thể giao dịch minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối trực tiếp với các đối tác toàn cầu. “Đây sẽ là nền tảng then chốt giúp DN xanh hóa chuỗi cung ứng dễ dàng và tăng sức cạnh tranh quốc tế” - bà Phan Thị Thắng nhận định.
Trước áp lực chuyển đổi xanh, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện thể chế, thúc đẩy công nghệ và hỗ trợ DN xây dựng hệ sinh thái thương mại bền vững, minh bạch và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Bà Phan Thị Thắng khẳng định, cần hoàn thiện thể chế, tăng cường công nghệ và hỗ trợ DN. Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ ngành xây dựng hành lang pháp lý cho thương mại bền vững, rà soát và loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết. Các quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh sẽ được cụ thể hóa theo từng lĩnh vực để dễ áp dụng trong thực tế. Ở phương diện công nghệ, những giải pháp như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được khuyến khích ứng dụng nhằm giúp DN kiểm soát chất lượng sản phẩm, theo dõi chuỗi cung ứng, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cũng sẽ được thiết kế cho DN tham gia sàn TMĐT xanh, bao gồm: đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn tích hợp công cụ truy xuất nguồn gốc xanh, tư vấn chuẩn ESG và kết nối tài chính xanh.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, một yếu tố khác cần chú ý, các DN đầu tàu cần đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ nhà cung cấp trong hệ sinh thái cùng áp dụng tiêu chuẩn xanh. Khi toàn bộ mắt xích được đồng bộ, “dấu chân carbon” của sản phẩm sẽ giảm rõ rệt, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, xây dựng văn hóa tiêu dùng xanh trong xã hội được đánh giá là nhân tố quyết định thành bại. Khi người dân ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, DN sẽ buộc phải thay đổi để thích nghi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-xanh-cho-hang-viet-vuon-xa-10309418.html