Chuyện đưa nước về vùng đất 'khát'
Trên vùng đất nắng hạn ở phía nam tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, nhiều đại công trình thủy lợi trải dài hàng chục kilômét được đầu tư vận hành, đến nay đã phát huy hiệu quả. Nguồn nước dồi dào ấy đã hồi sinh những vùng đất khô cằn, hoang hóa nhiều năm.

Hồ chứa nước Sông Cái.
Từ công trình thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam…
Mới hơn 7 giờ sáng, nắng đã chiếu chói chang trên những cánh đồng của vùng đất gió, cát phía nam tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Lê Quốc Huy - Phó Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đưa chúng tôi đến xã Bác Ái, nơi có hồ chứa nước Sông Cái (thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ), với dung tích trữ nước hơn 219,8 triệu m³, lớn hơn tổng dung tích của 21 hồ chứa nước hiện có trên địa bàn phía nam của tỉnh. Ông Huy chỉ tay lên sơ đồ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và dừng lại ở vạch màu đỏ (thể hiện đường đi của hệ thống thủy lợi) xuất phát từ hồ chứa nước Sông Cái, sau đó tỏa ra các nhánh khắp tấm bản đồ. Ông Huy cho biết, đây là công trình thủy lợi đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ đường ống dẫn nước với đường kính ống hơn 2m, chiều dài gần 30km; đến nay đã gần như phủ kín mạng lưới cấp nước cho các vùng đất khô hạn phía nam tỉnh.

Hồ chứa nước Sông Cái.
Để có được thành quả từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ hôm nay, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp đồng hành với dự án từ những ngày đầu đã chia sẻ với chúng tôi rằng, đó là một hành trình kiên trì, bền bỉ, thấm đẫm mồ hôi, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận (cũ) để đi tìm lời giải cho vùng khô hạn. Một cán bộ tỉnh Ninh Thuận (cũ) kể lại, Ninh Thuận (cũ) là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, với lượng mưa trung bình mỗi năm ít nhất cả nước - khoảng 700mm/năm, trong khi lượng nước bốc hơi lên đến 1.400mm. Theo thống kê của tỉnh Ninh Thuận (cũ), đợt hạn hán từ năm 2015 đến tháng 5-2016 thiệt hại cho tỉnh khoảng 700 tỷ đồng; đợt hạn năm 2020 phải khoanh vùng bỏ vụ 16.831ha cây trồng để dành nước cho người và gia súc, thiệt hại về kinh tế khoảng 740 tỷ đồng. Từ thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận (cũ) đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư một dự án thủy lợi chống hạn cho Ninh Thuận (cũ), đáp ứng mong mỏi của người dân. Sau hành trình kiên trì nỗ lực, năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã vỡ òa niềm vui khi Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được trung ương chấp thuận đầu tư.
Ông Phí Ngọc Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chủ đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ) cho biết: “Đây là dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần để tối ưu về kỹ thuật, tiết kiệm kinh phí. Vì tính cấp thiết của dự án, các đơn vị tham gia quá trình đầu tư xây dựng đã hết sức nỗ lực với tinh thần vượt nắng thắng mưa, thi công “3 ca, 4 kíp”; mở nhiều đợt thi đua, đặc biệt là đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm thi công vượt lũ chính vụ năm 2020. Đáng kể, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều động cán bộ kỹ thuật, nhân công vận chuyển vật tư thiết bị đến công trường song các đơn vị thi công đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành cụm đầu mối các hạng mục chính vượt trước tiến độ 2 tháng”.
Trong suốt quá trình xây dựng, chuẩn bị vận hành công trình đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh nhiều lần đến khảo sát, động viên các đơn vị thi công… Và Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã hoàn thành, đi vào vận hành từ tháng 3-2021.
… đến những vùng đất hạn “đơm hoa, kết trái”
Từ hồ chứa nước Sông Cái, chúng tôi xuôi về các khu vực sản xuất nông nghiệp ở xã Mỹ Sơn và xã Ninh Sơn. Những cánh đồng lúa, bắp; những vườn nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới công nghệ cao… phủ lên bạt ngàn, xanh tốt. Thật bất ngờ khi trên vùng đất nắng hạn này, các loại cây trồng chủ lực không những “đơm hoa, kết trái” mà còn cho sản lượng và giá trị kinh tế cao. Đưa chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái rộng 2ha, ông Phạm Văn Cường ở xã Ninh Sơn, chia sẻ: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nên đất đai bỏ hoang suốt nhiều năm. Sau khi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ vận hành, nhờ được điều tiết bằng đường ống áp lực cao thông qua hệ thống ống kín dẫn về tận khu sản xuất, tôi đã đầu tư trồng sầu riêng, mãng cầu, mít… đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã Mỹ Sơn.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, những người nông dân trên vùng đất “khát” phía nam của tỉnh còn tìm kiếm các giải pháp giúp tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Anh Lê Công Phú - Quản lý Trang trại PT Farm ở xã Mỹ Sơn cho biết: “Sau khi có nguồn nước cho sản xuất, Trang trại PT Farm đã đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao với 10 nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trung bình cứ 80 ngày lại cho thu hoạch một lần với sản lượng 50 tấn/lần”.
Ông Nguyễn Công Xưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết: “Không chỉ riêng xã Mỹ Sơn, sau khi các dự án, công trình thủy lợi đi vào vận hành đã “giải hạn” cho các vùng thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước thuộc địa bàn các xã, như: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc. Thay vì trước đây chỉ canh tác được 1 vụ/năm thì hiện nay nông dân ở các địa bàn này đã chủ động được nguồn nước để sản xuất 3 vụ/năm với cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập. Dự kiến trong thời gian tới, sau khi UBND tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến kênh ống cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc hệ thống kênh Tân Mỹ, hệ thống kênh Sông Cái và đưa vào vận hành khai thác, sẽ góp phần nâng diện tích phục vụ tưới theo đúng năng lực thiết kế của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ nói chung và của hồ chứa nước Sông Cái nói riêng”.
BOX: Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 5.900 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gồm: Hồ chứa nước Sông Cái, đập dâng Tân Mỹ và tuyến kênh chung cùng hệ thống đường ống dẫn nước. Hiện tại, mặc dù vào mùa khô hạn nhưng dung tích của hồ hiện đang ở mức 106,51 triệu m3 nước, giúp tỉnh chủ động được nguồn nước tưới cho khu vực phía nam Khánh Hòa.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202507/chuyen-dua-nuoc-ve-vung-dat-khat-8b84ff3/