Chuyên gia cảnh báo mức độ nguy hiểm khi Ukraine tiến gần gia nhập NATO

Khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai đã được tranh luận sôi nổi trước thềm hội nghị thượng đỉnh sắp tới của liên minh ở Washington.

Hàng chục chuyên gia về chính sách đối ngoại ngày 3/7 đã kêu gọi các thành viên NATO tránh thúc đẩy tư cách thành viên của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ gây nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh cũng như gây ra rạn nứt trong liên minh. Nếu Ukraine được gia nhập, các chuyên gia cho rằng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine trong tương lai sẽ kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, theo đó: Cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh.

"NATO càng hứa hẹn về việc Ukraine sẽ gia nhập liên minh khi xung đột kết thúc thì động cơ để Nga tiếp tục giao tranh sẽ càng lớn", bức thư của các chuyên gia đối ngoại nói. Họ cũng cho rằng: "Những thách thức Nga tạo ra có thể được quản lý mà không đưa Ukraine vào NATO".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Việc đưa Ukraine trở thành thành viên NATO có thể gây ra tác dụng ngược, biến nước này thành địa điểm cho những căng thẳng kéo dài giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và đặt Moscow đối đầu với phương Tây, các chuyên gia nhận định

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác không tán thành với điều đó. Tuần trước, các chuyên gia nghiên cứu thuộc RAND Corp cho rằng, NATO sẽ có lợi nếu cung cấp cho Ukraine các điều kiện rõ ràng để trở thành thành viên trong tương lai tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Hội đồng Đại Tây Dương cũng hối thúc NATO trao tư cách thành viên cho Ukraine khi nhận định điều này chứng minh cho Kiev thấy rằng sự ủng hộ của phương Tây sẽ không lung lay.

Chính quyền Tổng thống Biden đã tránh ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức nhưng một số quan chức cấp cao gần đây cho rằng một "cầu nối" để gia nhập liên minh sẽ được trao cho Ukraine trong hội nghị sắp tới. Các quan chức tiết lộ, NATO cũng sẽ cung cấp cho Ukraine một trụ sở mới để quản lý sự hỗ trợ quân sự - một cử chỉ thiện chí cho thấy NATO sẽ ủng hộ nước này về dài hạn, thậm chí cả khi Kiev chưa đạt được tư cách thành viên hiện nay.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không đề cập đến tư cách thành viên của Ukraine nhưng đã ám chỉ đến tương lai của Kiev trong liên minh và những lo ngại về vấn đề này: "Chúng tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi đã ở đây một thời gian dài. Tăng cường sự ủng hộ không có nghĩa là biến NATO thành một bên trong xung đột".

Ukraine không kỳ vọng nhiều về những động thái thúc đẩy tư cách thành viên của nước này tại hội nghị thượng đỉnh tới. Thay vào đó, những đảm bảo an ninh là điều họ đang tìm kiếm.

Bên cạnh một lời mời chính thức, "chúng tôi cũng mong rằng những quyết định cụ thể về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO đi cùng với các đảm bảo khác như tiếp tục viện trợ quân sự và tăng cường tương tác", Olga Stefanishyna, Thứ trưởng Ukraine nhận định với Politico vào tháng trước.

Có một số dấu hiệu hứa hẹn cho Kiev hiện nay khi các thành viên NATO nhất trí với yêu cầu của ông Stoltenberg về việc tiếp tục hỗ trợ quân sự 43 tỷ USD cho Ukraine năm 2025, mức tương đương với khoản hỗ trợ mà liên minh này đã cung cấp kể từ khi xung đột nổ ra. Ngày 2/7, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 2,3 tỷ USD cho Ukraine.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của Hội đồng Đối ngoại châu Âu công bố ngày 3/7, Ukraine cho biết họ cần phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đạn dược hơn là nhu cầu gia nhập NATO. Chỉ 22% những người Ukraine được hỏi ủng hộ việc gia nhập NATO dù phải từ bỏ lãnh thổ trong khi 71% người tham gia khảo sát phản đối thỏa thuận với điều khoản như vậy.

Ukraine vẫn đang theo đuổi các mục đích tối đa trong cuộc xung đột với Nga, đó là giành lại tất cả lãnh thổ, cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky - ông Andriy Yermak nhận định với báo giới tối 2/7.

Ukraine "không sẵn sàng nhượng bộ" ngay cả khi một số quan chức Mỹ và châu Âu kín đáo thảo luận với các quan chức Ukraine rằng các cuộc đàm phán với Nga nên bắt đầu.

Kiev sẵn sàng đàm phán chỉ khi dựa trên công thức hòa bình 10 điểm, ông Yermak nói và cho biết điều này sẽ dẫn đến "hòa bình chính đáng" cho Ukraine.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Politico

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-muc-do-nguy-hiem-khi-ukraine-tien-gan-gia-nhap-nato-post1105668.vov