Chuyên gia 'hiến kế' giúp Khánh Hòa hiện thực hóa thành phố trực thuộc Trung ương
Các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp cho Khánh Hòa tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương, như: Gỡ khó các dự án vướng mắc, lĩnh vực kinh tế biển và đề xuất ban hành nghị quyết mới, hoặc sửa đổi, bổ sung…
Hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững
Tại hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới" sáng nay, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cho biết, khi sáp nhập giữa Ninh Thuận với Khánh Hòa, đã mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội cho địa phương phát triển các loại hình kinh tế gắn với biển.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, trước khi sáp nhập, hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận vốn đã có những tiềm năng, lợi thế về không gian, không gian vùng ven biển, tài nguyên, địa - chính trị. Bây giờ hai tỉnh sáp nhập lại thì những tiềm năng đó sẽ càng tăng lên.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ thêm, trước đây chúng ta chỉ nói đến vịnh, ven biển, ít nói đến thềm lục địa. Nay, Khánh Hòa mới cần khai thác tiềm năng đa dạng sinh học này, nhất là vị thế về đỉnh của tam giác san hô, có rất nhiều giá trị đặc biệt. Hiện nay đang cho đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu, đánh giá tiềm năng về đỉnh san hô tại địa phương này.
Khánh Hòa cũng là địa phương sở hữu vùng biển lớn nhất, do đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay, cần tiếp tục phát huy, đánh thức tiềm năng này.
Cùng với đó, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng về biển, đảo song công tác bảo tồn, khai thác hiện nay chưa nhiều. Trong khi địa phương đang hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. Do vậy, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, cần khai thác tiềm năng này, bảo tồn không phải nhìn ngắm mà cần khai thác để phục vụ phát triển kinh tế.
Hiện, đô thị hóa trung bình của tỉnh chưa đạt 50%, trong khi mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cần phải đẩy nhanh lĩnh vực này trong thời gian tới.
Một điểm nữa Khánh Hòa cần chú ý khai thác đó chính là dịch vụ chế biến, chế tạo như đóng tàu biển. Lĩnh vực này rất có tiềm năng để khai thác về hàng hải.
Càng chậm trễ cơ hội càng trôi đi
Thảo luận về giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn để Khánh Hòa phát triển, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho rằng, Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã phân quyền rất nhiều cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Ví dụ về giá đất, tiền thuê đất, Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép địa phương thực hiện linh hoạt.
Nếu địa phương cho phép thu tiền thuê đất cao thì rất khác nhưng thu thấp hơn thì giá đất, tiền thuê đất sẽ rất khác. Như vậy, địa phương hoàn toàn có thể chủ động thực hiện và tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
Tại Nghị quyết 01 của tỉnh về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025 - 2030 cũng nói đến tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ, đình trệ, gặp vướng mắc bởi các quy định của pháp luật.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thí điểm để Khánh Hòa tháo gỡ khó khăn cho các dự án gặp vướng mắc. Tuy nhiên, tỉnh cần rà soát cụ thể xem còn bao nhiêu dự án đã và đang triển khai vướng mắc, cái gì trong thẩm quyền địa phương thì tự tháo gỡ; cái gì vượt thẩm quyền thì đề xuất Chính phủ xem xét và có giải pháp tháo gỡ.
Vấn đề thứ ba là cần nâng cao chất lượng quy hoạch, làm sao quy hoạch phải thực tế và linh hoạt. Thời gian là cơ hội. Cho nên Khánh Hòa cần tận dụng các cơ hội mở ra để phát triển. Càng chậm trễ thì cơ hội càng trôi đi nên phải nhanh chóng tận dụng.
Kiến nghị phù hợp về việc đề xuất ban hành nghị quyết mới
Ông Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp việc hoàn thiện thể chế là cần thiết để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Vừa qua, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh quan điểm về đổi mới thể chế, pháp luật để khuyến khích đổi mới, phát triển…
Theo ông Cao Đăng Vinh, trên cả nước, có một số tỉnh, thành phố có nghị quyết riêng về thí điểm một số cơ chế đặc thù. Với tỉnh Khánh Hòa, đã có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55 của Quốc hội, trong đó có nhiều cơ chế phát triển tài chính, ngân sách, đất đai, quy hoạch, kinh tế biển, hình thành khu kinh tế…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, nguyên tắc hiện nay, sau khi hợp nhất, sáp nhập thì các tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển tiếp các nghị quyết mang tính đặc thù.

Ông Cao Đăng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp.
Ông Cao Đăng Vinh cũng nêu quan điểm, sau khi hợp nhất, sáp nhập, tỉnh mới sẽ có các điều kiện phát triển mới, cũng có những khó khăn phát sinh. Nên từ thực tiễn triển khai, cần có đánh giá, để có kiến nghị phù hợp về việc đề xuất ban hành nghị quyết mới, hoặc sửa đổi, bổ sung…
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, Khánh Hòa có thể tham khảo kinh nghiệm từ TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An trong vấn đề này để nghiên cứu, đề xuất.