Chuyên gia Nga tuyên bố đang giải mã hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ

RIA Novosti dẫn lời chuyên gia vũ khí cho biết các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ công nghệ của Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất và tuyên bố 'đối với chúng tôi, nó không còn bí mật nữa'.

Xe phóng và đạn tên lửa của hệ thống ATACMS (Ảnh: Sohu)

Xe phóng và đạn tên lửa của hệ thống ATACMS (Ảnh: Sohu)

Hãng RIA Novosti hôm 2/7 đã công bố một đoạn video, trong đó một chuyên gia vũ khí Nga đeo mặt nạ đang kiểm tra thứ mà ông nói là hệ thống dẫn đường của tên lửa ATACMS đã bị quân đội Nga bắn hạ.

Trong video, vị chuyên gia giấu tên và giấu mặt này cho mọi người xem nhãn ở mặt sau hệ thống dẫn đường GPS của tên lửa, cho thấy nó được chế tạo tại một nhà máy ở bang Alabama, Mỹ. Ông giải thích rằng phần cứng bị thu giữ này có thể giúp Nga nghiên cứu cách điều khiển tên lửa trong quá trình bay như thế nào. Reuters cho biết họ không thể xác nhận loại vũ khí và thiết bị có trong video.

Chuyên gia được RIA Novosti phỏng vấn này nói: "Đầu đạn này được phát triển cho tên lửa chống hạm và sau đó được lắp cho tên lửa ATACMS. Chúng tôi đã tháo bỏ ngòi nổ. Nó có một kíp nổ trung kế. Chất nổ cũng đã được gửi đi để nghiên cứu".

Ông cũng cho biết, các chuyên gia Nga đã mở thành công phần vỏ của bộ phận ngòi nổ, bên trong chứa các thiết bị phức tạp có thể được thiết lập theo nhiệm vụ. Chuyên gia này cũng nói, ngòi nổ này đang ở trạng thái chiến đấu và thiết kế của nó rất phức tạp để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Các chuyên gia Nga đã nghiên cứu kỹ về nó, “nó không còn có bí mật gì đối với chúng tôi nữa”, ông nói.

 Tên lửa tầm xa đang được phóng từ hệ thống ATACMS (Ảnh: Wiki).

Tên lửa tầm xa đang được phóng từ hệ thống ATACMS (Ảnh: Wiki).

Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá về hưu Viktor Litovkin, phát biểu trong chương trình của hãng thông tấn Spunik rằng việc tìm hiểu các linh kiện của ATACMS có thể giúp Nga nghiên cứu cách tiến hành chiến tranh điện tử chống lại tên lửa Mỹ viện trợ Ukraine.

Ông nói: "Chúng ta có thể phóng tên lửa phòng không để bắn hạ loại tên lửa này, nhưng đó chỉ là một cách. Để biết cách làm thế nào bắn hạ nó hiệu quả hơn, chúng ta cần biết nó bay như thế nào và điều gì khiến nó bay như thế. Chúng tôi đã nghiên cứu điều này, có thể giúp vũ khí chống tên lửa chính xác hơn. Đồng thời, ngoài tên lửa, chúng ta còn có thể sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử, vì vậy chúng ta cần hiểu đường bay của nó cũng như cách chống lại những vũ khí này trên đường bay và ngay tại bệ phóng chúng".

Ông Litovkin nhấn mạnh các chuyên gia Nga đang nghiên cứu hệ thống dẫn đường và hiệu chỉnh đường bay của tên lửa ATACMS. Ông nói: "Đây là một công trình nghiên cứu rất lớn và vô cùng quan trọng".

 Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Litovkin (Ảnh: MEMRI)

Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Viktor Litovkin (Ảnh: MEMRI)

Mỹ đã bắt đầu cung cấp hệ thống ATACMS cho Ukraine vào mùa thu năm ngoái. Tháng 4 năm nay, Lầu Năm Góc đã xác nhận với rằng kế hoạch viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm các tên lửa ATACMS tầm xa. Được biết, hệ thống tên lửa này được Mỹ chỉ định “sử dụng trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine". Theo truyền thông Mỹ, nước này đã cung cấp cho Ukraine một loại đạn tên lửa ATACMS cải tiến có tầm bắn hơn 300 km.

Nga đã lên án Mỹ cung cấp loại vũ khí này và gọi đây là hành động leo thang. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quyết định của Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine lại là phạm sai lầm. Ông nói rằng những vũ khí như vậy đang tạo ra một mối đe dọa bổ sung nhưng về cơ bản không thể thay đổi được tình hình trên chiến trường và Nga sẽ có thể đánh lui các cuộc tấn công này.

 Mảnh vỡ tên lửa của hệ thống ATACMS rơi xuống bãi biển Sevastopol hôm 23/6 (Ảnh: Sohu)

Mảnh vỡ tên lửa của hệ thống ATACMS rơi xuống bãi biển Sevastopol hôm 23/6 (Ảnh: Sohu)

Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân MGM-140 (Army Tactical Missile System, ATACMS) là tên lửa đất đối đất (SSM) do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Đạn tên lửa loại phổ thông có tầm bắn hơn 100 dặm (160 km), sử dụng nhiên liệu rắn, dài 13 ft (4,0 m), đường kính 24 inch (610 mm). Tuy nhiên phiên bản nâng cấp có tầm bắn tới 190 dặm (310km).

ATACMS có thể được phóng từ nhiều loại bệ phóng tên lửa, bao gồm Hệ thống tên lửa nhiều nòng phóng loạt (MLRS) M270 và Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao M142 (HIMARS). Thùng phóng ATACMS có nắp với sáu vòng tròn giống như nắp tên lửa MLRS tiêu chuẩn, nhưng chỉ có một tên lửa trong đó.

Lần sử dụng ATACMS đầu tiên trong chiến tranh là của quân đội Mỹ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, trong đó M270 MLRS được phóng tổng cộng 32 lần. Trong Chiến tranh Iraq, hơn 450 tên lửa đã được phóng. Tính đến đầu năm 2015, hơn 560 tên lửa ATACMS đã được phóng.

Năm 2023, một số hệ thống ATACMS đã được cung cấp cho Ukraine để tấn công vào các mục tiêu của Nga. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí này tấn công sang nội địa Nga, ngoại trừ vụ tấn công vào bán đảo Crime hôm 23/6.

Theo Huanqiu, Sohu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-gia-nga-tuyen-bo-dang-giai-ma-he-thong-ten-lua-atacms-cua-my-post176185.html