Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống sạt lở đất

Sáng 2-11, ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản đã chia sẻ về các biện pháp Nhật Bản đang sử dụng để ứng phó với sạt lở đất. Theo đó, Nhật Bản dựa vào 3 yếu tố, là dữ liệu lịch sử ở khu vực đó, mạng lưới quan trắc lượng mưa tại một khu vực cụ thể (tính được độ bão hòa trong đó) kết hợp với phân tích địa chất, địa hình để đưa ra cảnh báo, từ đó có phương án di dời dân ngay lập tức.

Ông Taraka. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Taraka. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Taraka cho biết, Nhật Bản do độ dốc lớn, 70% diện tích trên độ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. “Do địa hình dốc nên sạt lở đất và lũ quét xảy ra nhiều lần nên chúng tôi cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra sạt lở”- ông Taraka nói.

Theo ông Taraka, vấn đề khó khăn là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. Bởi vì như các bạn biết, có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất, nó phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng. Tại Nhật Bản, chúng tôi có dựa trên 3 yếu tố để đưa ra cảnh báo sạt lở đất. Đầu tiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào sau đó chia thành các vùng, vùng đỏ là vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao. Dựa trên đó, với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó. Tuy nhiên, tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào, vùng đỏ là nguy hiểm, vùng vàng là cận nguy hiểm.

Thứ hai là chúng tôi xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều đo được lượng mưa hàng giờ. Các trung tâm thủy văn có những máy tính rất tốt để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó họ ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn.

Thứ 3 là chúng tôi chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa hiện tượng này. Chúng tôi sẽ dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình, ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Saboo để ngăn chặn bùn, đá. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một số cơ sở hạ tầng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở. Ở Nhật cũng có các biện pháp tản lượng nước mưa đổ xuống dưới để ngăn nước mưa không tràn xuống các sông gây lũ.

Tất nhiên, không chỉ một biện pháp để ngăn chặn sạt lở, nên chúng tôi kết hợp nhiều biện pháp. Ông Taraka cho biết thêm, thứ nhất là Nhật Bản khoanh vùng rủi ro thiên tai. Khi phân vùng được vùng rủi ro, lũ quét Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo về lũ quét và hệ thống công trình ngăn chặn đất đá tại các khu vực đó. Sau khi hết mùa mưa, người ta sẽ nạo vét đất đá do sạt lở. Ngoài ra, tại các đỉnh núi ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, Nhật Bản đặt các sợi dây khi đất đá rơi từ đỉnh núi làm đứt các sợi dây, hệ thống loa tự động sẽ phát ra cảnh báo tới người dân sinh sống ở dưới chân núi.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-gia-nhat-ban-chia-se-kinh-nghiem-phong-chong-sat-lo-dat-post434759.html