Chuyên gia nói gì về việc chồng không được ly hôn khi vợ mang thai dù là với người khác?

Hướng dẫn mới nhất về trường hợp chồng không có quyền yêu cầu ly hôn vợ đang gây hoang mang, bất bình trong giới mày râu.

Nghị quyết 01/2024/HĐTP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có quy định về 3 trường hợp chồng không có quyền đơn phương ly hôn vợ.

Cụ thể, người chồng không được yêu cầu ly hôn trong 3 trường hợp:

- Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

- Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

- Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì người chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

Đồng thời, chồng của người nhờ mang thai hộ cũng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, khi phát hiện vợ cặp bồ, có chồng và sinh con với người đàn không khác, chồng cũng không có quyền đơn phương ly hôn mà phải đợi đứa trẻ hơn 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, nếu trong thời gian này, hai vợ chồng đồng thuận ly hôn hoặc vợ đơn phương ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý.

Điều này khiến nhiều đàn ông cảm thấy bất bình, uất ức khi cho rằng Luật "phân biệt đối xử", vợ "cắm sừng" còn không được phép ly hôn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về việc đàn ông không được ly hôn ngay khi phát hiện vợ mang thai, sinh con với người đàn ông khác, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh: "Điều này nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Cánh mày râu cũng không cần quá vội vã".

Ông Hòa lý giải, quyền sinh con là của phụ nữ, cho dù họ có chồng hay không có chồng, sinh con với chồng hay sinh con với người khác. Đây là quyền không ai có thể can thiệp, yêu cầu họ giữ thai hay bỏ thai trong bất cứ tình huống nào.

Trong thời gian mang thai và sinh con, phụ nữ và đứa trẻ rất yếu ớt, cần được chăm sóc về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần để yên tâm nuôi dưỡng đứa trẻ. Yêu cầu ly hôn vào lúc này có thể khiến người phụ nữ suy sụp.

Hơn nữa, việc xác định cái thai hay đứa con không phải của người chồng cũng không thể "nói mồm" mà phải thông qua xét nghiệm ADN. Vì vậy, nếu người chồng nghi ngờ vợ mang thai, sinh con với người khác mà vội vã đòi ly hôn có thể gây ra sự đổ vỡ khiến anh ta phải hối hận về sau.

Ngay cả anh ta đã xét nghiệm ADN "hai năm rõ mười" thì cũng không cần vội vã ly hôn.

"Luật chỉ trì hoãn việc ly hôn chứ không phải không cho đàn ông ly hôn dù phát hiện vợ mang thai, sinh con với người khác. Đàn ông sao phải so đo, tính toán như vậy. Tình yêu không còn thì còn tình nghĩa.

Khi đàn ông phát hiện chính xác người vợ mang thai, sinh con với người khác mà phẫn nộ đến mức "không thể nhìn mặt vợ", có thể tách ra sống riêng. Trong khoảng thời gian này, anh ta cũng có thể tĩnh tâm suy nghĩ về hôn nhân của mình và đưa ra các quyết định sáng suốt cho sau này.

Hôn nhân là việc trọng đại, ly hôn cũng là việc lớn. Chúng ta không thể chỉ vì cơn tức giận nhất thời mà đưa ra các quyết định nông nổi, bốc đồng để rồi hối hận về sau", chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhắn nhủ.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/3-truong-hop-nguoi-chong-khong-duoc-phep-ly-hon-tu-1-7-d199462.html