Chuyên gia quốc tế tập huấn về rối loạn phổ tự kỷ cho giáo viên Việt Nam

Khóa huấn luyện 'Hiểu về rối loạn phổ tự kỷ' được thực hiện theo hình thức trực tuyến do các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore giảng dạy.

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cần sự giáo dục đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cần sự giáo dục đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhân dịp Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4, Trường can thiệp đặc biệt dành cho trẻ phổ tự kỷ Special Em’s Education Group (SEEG) do nghệ sỹ Thanh Bùi sáng lập đã hợp tác cùng các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) mở khóa huấn luyện “Hiểu về rối loạn phổ tự kỷ.”

Đây là lần đầu tiên khóa học được triển khai ở Việt Nam. Chương trình huấn luyện diễn ra một tháng, từ 1/4-1/5 trên nền tảng trực tuyến.

Khóa huấn luyện này nhằm giúp tăng cường chuyên môn cho đội ngũ giáo viên can thiệp rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ - trẻ có quyền đặc biệt, qua đó thúc đẩy nhận thức, sự chung tay hỗ trợ người tự kỷ tại Việt Nam.

Trong khóa huấn luyện, các giáo viên tại Việt Nam sẽ được nâng cao “Hiểu về rối loạn phổ tự kỷ” qua 5 kỹ năng quan trọng gồm: Nhận biết những đặc điểm phổ biến của rối loạn phổ tự kỷ; những nguyên nhân có thể gây ra rối loạn phổ tự kỷ; mức độ phổ biến của rối loạn phổ tự kỷ; hiểu về các phổ trong rối loạn phổ tự kỷ; hiểu về sự khác biệt của mỗi người tự kỷ - người có quyền đặc biệt.

Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ công nhận bởi Singapore Autism Resource Center và SUSS UniLearn- đơn vị trực thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore.

Khóa học được Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore hợp tác với Viện nghiên cứu về rối loạn phổ tự kỷ tại Singapore xây dựng từ năm 2017. Chương trình được khởi động từ tháng 8/2019, qua đó tạo nên sự đồng cảm đối với người tự kỷ và gia đình của họ cũng như tạo nên sự thay đổi về thái độ đối với người tự kỷ trong thực tế, chẳng hạn như cảm giác khó chịu đối với một đứa trẻ tự kỷ trong một trung tâm mua sắm. Thay vì cảm thấy bị làm phiền bởi đứa trẻ, người tham gia khóa học này cũng sẽ hiểu và cảm thông với đứa trẻ hơn cũng như thúc đẩy xã hội có sự thấu hiểu và dễ dàng hòa nhập nhau hơn.

Phó Giáo sư Gabriel Gervais, Giám đốc Đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết: “Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng với hệ sinh thái giáo dục của Special Em’s Education Group nhằm mở rộng khóa học tại Việt Nam cũng như giúp tạo nên một cộng đồng dễ hòa nhập hơn đối với người tự kỷ. Khóa học giúp nâng tầm của các chuyên gia và lãnh đạo trong nhận thức về tự kỷ tại Việt Nam, qua đó có thể mang đến sự hỗ trợ ở tầm cao mới và nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống cho người tự kỷ.”

 Nghệ sỹ Thanh Bùi mở trường về giáo dục tự kỷ sau khi hiểu những khó khăn của phụ huynh có con bị tự kỷ ở Việt Nam do nhân lực trong lĩnh vực này còn rất thiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghệ sỹ Thanh Bùi mở trường về giáo dục tự kỷ sau khi hiểu những khó khăn của phụ huynh có con bị tự kỷ ở Việt Nam do nhân lực trong lĩnh vực này còn rất thiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Special Em’s Education Group là hệ thống giáo dục toàn diện cho trẻ tự kỷ do nghệ sỹ Thanh Bùi thành lập.

Thanh Bùi cho hay trong lần đầu tiên thực hiện, khóa huấn luyện mới chỉ tiếp nhận được khoảng 50 người trong số rất nhiều giáo viên đăng ký. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là động lực để anh tiếp tục làm cầu nối giúp giáo viên Việt Nam tiếp cận chuyên gia quốc tế trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-quoc-te-tap-huan-ve-roi-loan-pho-tu-ky-cho-giao-vien-viet-nam-post937891.vnp