Chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể Delta

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biến thể Delta có thể cản trở việc sử dụng hộ chiếu vắc xin tại EU

Ngày 1/7, tờ USA Today dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này đang gia tăng so với tuần trước với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan trên khắp nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại một cuộc họp báo, tiến sĩ Walensky nhấn mạnh tỷ lệ mắc mới COVID-19 trung bình theo ngày tại Mỹ hiện là hơn 10%, mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm 95% so với mức đỉnh hồi tháng 1 năm nay.

Bà Walensky cũng lưu ý rằng Delta là biến thể phổ biến thứ hai đang lây lan tại Mỹ và có thể trở thành biến thể lây lan mạnh nhất tại nước này "trong vài tuần tới".

Bà Walensky nêu rõ: "Trong khi chúng ta đang chuẩn bị đón ngày Độc lập, tôi muốn nhắc nhở những ai vẫn chưa tiêm chủng cần tự bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, tránh xa đám đông để ngăn chặn sự lây lan và bị mắc bệnh".

Trong khi đó, cùng ngày, người đứng đầu nhóm phản ứng với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zient cho biết Nhà Trắng sẽ cử các đội đặc nhiệm tới các điểm nóng trên khắp nước Mỹ để đối phó với biến thể Delta và kêu gọi những người Mỹ chưa tiêm chủng cần nhanh chóng đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu với các phóng viên, ông nhấn mạnh các đội "ứng phó sự cố" sẽ sẵn sàng đẩy mạnh cung cấp vật tư xét nghiệm bổ sung và liệu pháp điều trị cho những cộng đồng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh gia tăng.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/7 (giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 với 34.560.885 ca nhiễm, trong đó 620.645 ca tử vong.

Trước mối nguy hiểm của biến thể Delta, ngày 1/7, người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge cho hay, việc số ca mới mắc COVID-19 ở châu Âu giảm trong 10 tuần đến lúc chấm dứt và một làn sóng lây nhiễm mới là không thể tránh khỏi nếu người dân và các nhà lập pháp không giữ kỷ luật.

Theo ông, tuần trước số ca mắc mới đã tăng 10% do hoạt động đi lại, tụ tập và nới lỏng các hạn chế xã hội. Ông nói: "Điều này diễn ra trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh chóng. Một biến thể mới đáng lo ngại - biến thể Delta - và trong một khu vực mà bất chấp nỗ lực to lớn của các quốc gia thành viên, hàng triệu người vẫn chưa được tiêm chủng... Sẽ có một làn sóng COVID-19 mới ở khu vực châu Âu, trừ khi chúng ta duy trì kỷ luật".

Trong khi đó, ngày 1/7, chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vắc xin", áp dụng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn bắt đầu có hiệu lực, đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Chứng chỉ COVID-19 của EU, cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng, sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vắc xin được EU chấp thuận hay chưa (gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein).

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên của EU sử dụng một công cụ như vậy không chỉ để tự do đi lại mà còn sử dụng cho tất cả các mục đích khác ở mỗi nước như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng...

Tính đến ngày 30/6, đã có 21 quốc gia thành viên EU chấp nhận chứng chỉ trên. Tuy nhiên, theo giới chức y tế, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa phải hạn chế áp dụng cơ chế này.

Theo ông Reynders, biến thể Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ COVID-19 này.

Trước đó, Đức đã ban bố lệnh cấm du khách đến từ Bồ Đào Nha, quốc gia có số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đa số.

Chỉ công dân Đức hoặc người định cư tại Đức mới được miễn, với điều kiện họ thực hiện cách ly 2 tuần. Quyết định của Đức đã khiến EU bất bình, cho rằng các nước EU không nên cấm đi lại giữa các nước thành viên và Đức nên tham vấn các đối tác trước khi đưa ra quyết định.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260597/chuyen-gia-y-te-my-canh-bao-su-nguy-hiem-cua-bien-the-delta.html