Chuyển giao bắt buộc tái định hình cục diện ngành ngân hàng?

FiinRatings đánh giá, chuyển giao bắt buộc cũng tạo ra sự phân hóa tích cực trong ngành ngân hàng, khi MBBank, VPBank và HDBank từng bước nâng cao vị thế.

Việc chuyển giao bắt buộc (CGBB) các ngân hàng yếu kém không chỉ góp phần tái cấu trúc hệ thống tài chính mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho cả tổ chức tham gia và toàn ngành ngân hàng Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quá trình này đã tạo nên hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin vào lộ trình cải cách trong giai đoạn 2021–2025.

Tăng cường ổn định hệ thống tài chính

Theo báo cáo đánh giá mới nhất từ FiinRatings, quá trình CGBB được triển khai với sự lựa chọn khéo léo các ngân hàng nhận chuyển giao, dựa trên tiêu chí tương đồng về mô hình kinh doanh và khả năng bổ trợ.

Cách tiếp cận này đã giúp giảm thiểu gián đoạn trong hoạt động vận hành của các ngân hàng yếu kém. Điển hình như việc chuyển giao OceanBank cho MBBank được đánh giá cao nhờ sự tương thích trong cơ cấu sở hữu cũng như tệp khách hàng doanh nghiệp Nhà nước.

“Sự kết hợp này tạo hiệu ứng cộng hưởng, giúp MBBank tích hợp OceanBank mà không ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi,” báo cáo của FiinRatings nhấn mạnh.

Tính đến ngày 17/1/2025, NHNN đã hoàn tất việc chuyển giao bốn ngân hàng yếu kém gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank.

Các ngân hàng được lựa chọn để tiếp nhận như Vietcombank, MBBank, VPBank và HDBank đều sở hữu nền tảng tài chính lành mạnh và vững chắc. Đây là yếu tố đảm bảo tiến độ tái cơ cấu, đồng thời tạo điều kiện để các ngân hàng yếu kém từng bước phục hồi.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ từ NHNN, cùng với bộ đệm vốn mạnh và chính sách trích lập dự phòng hợp lý từ phía các ngân hàng nhận chuyển giao, đã góp phần làm giảm đáng kể rủi ro phát sinh từ nợ xấu.

FiinRatings nhận định rằng tác động của quá trình CGBB tới hồ sơ tín dụng của các ngân hàng nhận chuyển giao là không đáng kể.

Các phân tích theo kịch bản giả định cho thấy, các ngân hàng này có khả năng duy trì sự ổn định trong vòng năm năm sau chuyển giao, nhờ tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động tiền gửi ổn định, kết hợp với bộ đệm vốn ngày càng được củng cố.

Lợi ích song phương

CGBB mang lại giá trị chiến lược rõ nét cho cả hai phía: ngân hàng nhận chuyển giao và ngân hàng bị chuyển giao. Điều này đến từ sự tương đồng trong định hướng kinh doanh cũng như năng lực bổ trợ giữa các bên.

Các ngân hàng như Vietcombank, MBBank, VPBank và HDBank đã tận dụng cơ hội từ CGBB để mở rộng quy mô hoạt động và củng cố vị thế trên thị trường.

Với tỷ lệ nợ xấu (NPL) chỉ 0,97% và mức dự phòng bao phủ nợ xấu vượt 200% vào năm 2024, Vietcombank có đủ năng lực để hỗ trợ tái cấu trúc CBBank mà không làm ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu. Kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 89 nghìn tỷ đồng vào năm 2026 được xem là bước đi quan trọng nhằm xử lý tình trạng âm vốn chủ tại CBBank.

MBBank được đánh giá tích cực trong việc tích hợp OceanBank nhờ sở hữu tệp khách hàng doanh nghiệp nhà nước tương đồng và kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, VPBank – ngân hàng có tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) thấp nhất ngành, ở mức 23% – đã cải thiện cơ cấu tài sản của GPBank và giảm phụ thuộc vào nguồn vốn bán buôn. HDBank tận dụng việc tiếp nhận DongA Bank để củng cố vị thế trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), duy trì tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức 0,7%.

Đối với các ngân hàng yếu kém, chuyển giao bắt buộc cũng mở ra cơ hội hồi phục với sự hậu thuẫn từ các tổ chức nhận chuyển giao. CBBank được Vietcombank hỗ trợ về vốn, tạo tiền đề cho quá trình tái cấu trúc.

OceanBank hưởng lợi từ kinh nghiệm và năng lực quản trị khoản vay doanh nghiệp nhà nước của MBBank. GPBank ghi nhận chuyển biến tích cực trong cơ cấu tài sản nhờ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ từ VPBank. DongA Bank, vốn từng ghi nhận mức suy giảm mạnh trong biên lợi nhuận, hiện được HDBank hỗ trợ tối ưu hóa danh mục SMEs.

Tuy nhiên, các rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản và sự phụ thuộc vào nguồn vốn bán buôn vẫn cần được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ.

Lan tỏa toàn ngành

CGBB không chỉ là giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém mà còn góp phần củng cố hệ thống ngân hàng theo đúng định hướng của Đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn 2021–2025. Việc giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém và ngăn ngừa rủi ro lan truyền hệ thống đã được hiện thực hóa một cách cụ thể.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các sửa đổi bổ sung trong năm 2025 góp phần nâng cao tính minh bạch, trong đó có các quy định quan trọng như siết chặt sở hữu chéo và giảm hạn mức cấp tín dụng từ 14% xuống còn 10% đối với một khách hàng, từ 23% xuống còn 15% với nhóm khách hàng liên quan trong giai đoạn 2026–2029. Các thay đổi này nhằm hạn chế các rủi ro tương tự như trường hợp SCB vào năm 2022.

Bên cạnh đó, xu hướng bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) gia tăng mạnh mẽ trong năm 2025. Điều này giúp các ngân hàng yếu kém như CBBank giảm bớt áp lực tài chính, tạo điều kiện xử lý nợ xấu tồn đọng và củng cố niềm tin vào sự ổn định của toàn hệ thống.

Chuyển giao bắt buộc cũng tạo ra sự phân hóa tích cực trong ngành ngân hàng, khi MBBank, VPBank và HDBank từng bước nâng cao vị thế.

Trong đó, HDBank được kỳ vọng có thể vươn lên gia nhập nhóm ngân hàng dẫn đầu, góp phần tái định hình cục diện thị trường và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Dù vẫn tồn tại một số áp lực thanh khoản, chẳng hạn như khoản phải thu từ chuyển nhượng dư nợ trị giá 21.413 tỷ đồng của VPBank cho GPBank, các ngân hàng nhận chuyển giao hiện sở hữu bộ đệm vốn dày và chính sách trích lập dự phòng chủ động. Nhờ đó, các rủi ro tiềm ẩn được kiểm soát và ổn định hệ thống được duy trì.

Hoạt động tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu và thu hút dòng vốn quốc tế trong giai đoạn 2025–2026 được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng yếu kém cải thiện tình trạng âm vốn chủ, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng tín dụng bền vững.

“Công tác quản trị rủi ro hiệu quả sẽ đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững sau chuyển giao,” FiinRatings nhấn mạnh.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chuyen-giao-bat-buoc-tai-dinh-hinh-cuc-dien-nganh-ngan-hang-d41090.html