Chuyển giao, ứng dụng hiệu quả nhiều dự án khoa học - công nghệ

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phối hợp nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều dự án khoa học - công nghệ lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo Global GAP; sản xuất bưởi da xanh VietGAP; cải tạo thâm canh tăng năng suất…

Hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, tỉnh luôn coi nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này, do đó, cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Mô hình trồng rau trong nhà màng tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Hồng Vương

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhưng đến nay, theo thống kê từ các địa phương, chỉ với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu về số lượng so với mục tiêu đề ra. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2 - 3 lần. Cụ thể, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 706ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn tỉnh có 77 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.

Đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao và ứng dụng

Tại huyện Long Thành, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Lâm Văn Minh, thời gian qua, huyện đã triển khai dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất măng cụt theo VietGAP tại xã Bình Sơn, xã Bình An. Kết quả, đã giảm tỷ lệ măng cụt bị sượng và da cám, xây dựng được 10ha măng cụt đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng từ 15-20%.

Ngoài ra, huyện đã triển khai có hiệu quả dự án ứng dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất lúa tại xã Long Phước. Nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hoạt động về thông tin khoa học công nghệ, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ luôn được huyện quan tâm.

Còn tại huyện Trảng Bom, huyện đã phối hợp nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả một số dự án như xây dựng mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây cà phê và điều; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo Global GAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… Toàn huyện hiện có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao.

Huyện Cẩm Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai, nhân rộng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng, giảm nhân công, kinh phí. Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Cẩm Mỹ sẽ đăng ký hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hồ tiêu Lâm San theo hình thức, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh; vận động các hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại.

Mặc dù có nhiều lợi thế song các địa phương cũng gặp phải một số khó khăn trong việc phát huy tiềm lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Huyện Nhơn Trạch đề xuất tỉnh có các giải pháp hỗ trợ địa phương bảo tồn giống đặc sản của địa phương; nâng cao năng suất cây trồng cho các hộ dân trồng sen trên địa bàn; nâng cao giá trị sản xuất tôm chua; ứng dụng chuyển đổi số để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương. Đồng thời, nâng cao giá trị sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường cho khu vực nuôi thủy sản.

Đối với huyện Long Thành, khó khăn hiện nay là người dân trên địa bàn vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết để hình thành các chuỗi sản xuất lớn khó thực hiện. Huyện Long Thành kiến nghị tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ tham gia OCOP; có các giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ; hỗ trợ triển khai các đề tài dự án khoa học công nghệ thuộc chương trình khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huyện cũng mong muốn được tiếp tục hỗ trợ, hợp tác để địa phương triển khai ứng dụng hiệu quả các đề tài, dự án, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tâm Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/chuyen-giao-ung-dung-hieu-qua-nhieu-du-an-khoa-hoc---cong-nghe-i344066/