Chuyện ít biết về cú 'quay xe bất ngờ' của ông Trump trong vấn đề Ukraine

Việc Tổng thống Trump chuyển hướng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga có thể không phải quyết định trong 'một sớm một chiều' của ông chủ Nhà Trắng.

Rạng sáng ngày 4/7, điện thoại của Tướng Keith Kellogg - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Nga - Ukraine, bất chợt vang lên. Đầu dây bên kia là Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski.

Trong đêm trước đó, lãnh sự quán Ba Lan tại trung tâm Kiev đã bị hư hại nghiêm trọng sau làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Ông Sikorski nói với ông Kellogg: “Hãy khôi phục việc cung cấp đạn phòng không cho Ukraine".

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Chỉ hai ngày trước đó, hoạt động viện trợ quân sự đã đột ngột bị tạm ngừng, khiến nhiều người lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump lại đang quay lưng với Kiev.

Ngay sau cuộc gọi với ông Sikorski, ông Kellogg lập tức liên lạc với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump. Tổng thống Trump đã trả lời gần như ngay lập tức. Sau vài lời chúc mừng lễ Độc lập, họ đi thẳng vào vấn đề Ukraine.

Chỉ vài giờ trước đó, Kiev hứng chịu đợt tấn công lớn nhất kể từ khi xung đột bùng nổ. Cuộc không kích diễn ra chỉ sau một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga bàn về việc chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tại thời điểm đó, người đứng đầu Nhà Trắng đang mất kiên nhẫn với Nga khi tiến trình hòa đàm không có nhiều tiến triển. Tướng Kellogg nhanh chóng tường thuật cho Tổng thống về vụ tấn công, đồng thời lập luận rằng cần nối lại viện trợ tên lửa Patriot.

Ngay lập tức, ông Trump yêu cầu Lầu Năm Góc dỡ bỏ lệnh tạm ngưng đối với một số hệ thống Patriot PAC-3 và ra lệnh cho ông Kellogg liên lạc với Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth để nối lại việc giao hàng cho Kiev.

Đáng chú ý, ông Trump được cho là đã không hề biết về quyết định tạm ngưng viện trợ - một quyết định mà ông Hegseth thực hiện nhưng không báo trước cho Nhà Trắng hay Quốc hội. Các quan chức như ông Kellogg và Ngoại trưởng Marco Rubio chỉ biết tin qua báo chí.

Lần này, ông Kellogg không để mọi thứ diễn ra âm thầm. Ông yêu cầu ông Hegseth xác nhận mệnh lệnh từ chính Tổng thống Trump hoặc tự mình gọi lại cho tổng thống.

Chiều cùng ngày, Tổng thống Trump cam kết với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực phòng không của Kiev.

Trong nội bộ Washington, đặc biệt là với những người ủng hộ Ukraine, quyết định này đánh dấu lần đầu tiên ông Trump dường như thực sự nhận ra vai trò chiến lược của Mỹ trong việc định hình cục diện chiến tranh và xây dựng lộ trình hòa bình.

Dù vậy, phải mất thêm bốn ngày để các tên lửa đầu tiên được triển khai, trong đó có 40 tên lửa Pac-3 được đặt mua ở Ba Lan dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Biden, giờ được chuyển giao cho Ukraine.

Các đồng minh châu Âu nhanh chóng nắm bắt tín hiệu thay đổi từ phía ông Trump. Thủ tướng Đức Friedrich Merz bắt đầu đề xuất mua thêm hệ thống Patriot cho Ukraine, trong khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte đề nghị Tổng thống Mỹ một kế hoạch mà theo đó các nước châu Âu và Canada sẽ hoàn trả hàng tỷ USD giá trị vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Ông Trump đã chấp thuận điều đó, phần vì những cố vấn như ông Kellogg khéo léo trình bày rằng kế hoạch này phù hợp với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại": Mỹ sản xuất, đồng minh trả tiền, Ukraine được hỗ trợ.

Không chỉ là đòn bẩy chiến lược, các hệ thống Patriot còn là công cụ quảng bá sức mạnh công nghiệp quốc phòng Mỹ và thúc đẩy tái vũ trang châu Âu.

Chín ngày sau cuộc gọi ban đầu, ông Trump và ông Rutte cùng công bố một gói viện trợ mới trị giá 10 tỷ USD, đồng thời cảnh báo khả năng áp thuế nặng lên Nga và bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua nhiên liệu hóa thạch của nước này.

Cuối tuần đó, các khẩu đội Patriot đầu tiên từ Đức đã đến Ukraine. Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nhân cơ hội này kêu gọi các nước châu Âu chấp nhận mạo hiểm, gửi kho dự trữ tên lửa của họ sang Kiev trong khi chờ Mỹ bổ sung. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn ngần ngại, do các hệ thống thay thế sẽ không kịp đến Ukraine cho đến đầu năm sau.

Đầu tuần này, Berlin công bố một thỏa thuận mới với Washington để tặng thêm 5 khẩu đội Patriot cho Ukraine. Đức sẽ tài trợ cho hai hệ thống, Na Uy tài trợ một, còn hai hệ thống còn lại được trích từ đơn hàng từng cam kết với Thụy Sĩ.

Theo tiết lộ, các lô hàng dành cho Thụy Sĩ đã bị chuyển hướng sang Ukraine theo đề nghị của phía Mỹ. Các cố vấn nói với ông Trump rằng việc "lấy" hệ thống từ một đơn hàng chưa cấp thiết như của Thụy Sĩ là cách khả thi nhất để hỗ trợ Ukraine ngay lập tức.

Năm 2022, Thụy Sĩ đặt mua 5 hệ thống Patriot, dự kiến giao từ năm 2026 đến 2028. Giờ đây, ít nhất một phần trong số đó đang giúp Kiev giữ vững bầu trời.

Diệp Thảo/VOV.VN (Tổng hợp) Theo CNN, Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-it-biet-ve-cu-quay-xe-bat-ngo-cua-ong-trump-trong-van-de-ukraine-post1217708.vov