Chuyện kể từ Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Kỳ 2 - Lớp học cách mạng giữa 'địa ngục trần gian'

Những ngày đấu tranh gian khổ để biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người tù chính trị Nguyễn Tiến Hà, câu chuyện của 70 năm trước như mới diễn ra ngày hôm qua với cảm xúc đầy tự hào...

Chiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà là một cựu tù chính trị đặc biệt ở nhà tù Hỏa Lò. Bị bắt giữ và giam cầm gần 3 năm tại chốn “địa ngục trần gian”, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà hiểu rõ hiểu rõ hơn ai hết những nỗi khổ của người tù chính trị.

Cho đến nay, khi đã ngoài 90 tuổi, tuy sức khỏe đã phần nào suy giảm nhưng người chiến sĩ già vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng.

Tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tiến Hà được giao nhiều trọng trách quan trọng, trong đó có nhiệm vụ truyền đạt chữ quốc ngữ cho nhân dân.

Năm 1948, ông được điều động về vùng địch tạm chiếm trong nội thành Hà Nội, hoạt động đội quân ngầm, thọc sâu vào lòng địch, kìm chân địch, đánh từ trong đánh ra.

Vì bị bắt nên ông lấy danh nghĩa là giáo sư dạy học cho các gia đình khá giả để hoạt động bí mật. Nhờ việc dạy học, Nguyễn Tiến Hà đã bồi dưỡng cho học sinh tinh thần yêu nước, vận động thế hệ trẻ tham gia cách mạng. Từ đây, bí danh Nguyễn Tiến Hà ra đời với lời thề “Tiến về Hà Nội” để giải phóng thủ đô.

Đến 1950 khi có lệnh từ Thành ủy, ông và đồng đội phải cứu đồng chí phái viên công an hoạt động nội thành bị bắt ở nhà thương Phủ Doãn nay là Việt Đức. Ít ngày sau, Nguyễn Tiến Hà bị bắt, bắt đầu cuộc hành trình dài 3 năm bị giam giữ tại Nhà tù thực dân.

Trước khi bị đưa đến Nhà tù Hỏa Lò, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tiến Hà trải qua một cuộc vượt ngục bất thành tại Sở Mật thám với tất cả hành trang chỉ là một chiếc đinh thuyền cùng với ý chí lớn lao của những trái tim yêu nước.

“Khi bị bắt, tôi vẫn liên hệ được với bên ngoài qua đường người thân vào tiếp tế trong tù. Nhờ họ gửi cái đinh thuyền, dùng nó làm dụng cụ đào tường. Chúng tôi phải chọn địa điểm đào là toilet, lấy lý do dội nước để trôi phân để cho tường ẩm. Phải đào mạch tường, rút một mạch ra, mỗi ngày chỉ có thể moi một tí”, ông kể lại.

Chỉ với một chiếc đinh, trong vòng nửa tháng, Nguyễn Tiến Hà và đồng đội đã đào được con đường “chỉ vừa một người chui ra” để thoát khỏi trại giam. Tiếp đó, những người tù chính trị phải vượt qua hàng rào dây thép gai nối điện.

Để vượt ngục những chiến sĩ cách mạng phải vượt qua những bức tường cao chằng chịt những mảnh thủy tinh và dây thép gai điện.

Để vượt ngục những chiến sĩ cách mạng phải vượt qua những bức tường cao chằng chịt những mảnh thủy tinh và dây thép gai điện.

Người chiến sĩ già nhớ lại: “Để vượt qua hàng rào, trước đó chúng tôi phải tìm thùng phi để sát vào tường mới trèo ra được. Tránh bị giật điện, chúng tôi phải tìm cái chăn đắp lên dây thép gai, người cũng trùm chăn kín rồi mới vượt qua bên kia và phải nhảy xuống bên kia tường. Cho đến người cuối cùng nhảy bị lộ vì có tiếng người rơi bịch xuống”.

Tưởng như đã rời khỏi được vòng vây của địch, Nguyễn Tiến Hà bị phát hiện và bắt trở lại Sở Mật thám sau một tuần trốn thoát. Và tại đây, một lần nữa ông phải nếm trải những hình thức tra tấn vô cùng tàn độc.

“Sau khi bị phát hiện, chúng bắt tôi về và tra tấn để bắt khai tổ chức cuộc vượt ngục như thế nào, ai chỉ huy. Tôi đã trải qua đủ loại tra tấn dã man, chích điện, cho đi tàu bay, rúc đầu vào bể nước đến chết ngất. Bấy giờ, chúng tưởng tôi đã chết nên chuyển sang nhà tù Hỏa Lò để phi tang. Bởi nếu có người tù chết tại Sở Mật thám, những anh em khác sẽ đứng lên phản đối”.

Khi được chuyển đến đây, Nguyễn Tiến Hà đã được chính những người đồng đội của mình chăm sóc, cứu sống. Từ đó, ông tiếp tục nung nấu ý chí, khát vọng mang về độc lập, tự do cho dân tộc.

Cho đến ngày nay, không ít sách báo, tài liệu đã ghi lại những khó khăn, vất vả của chiến sĩ cách mạng khi bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò.

Bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò từ tháng 6 năm 1950 đến cuối năm 1952, ông Nguyễn Tiến Hà - khi ấy là chàng thanh niên yêu nước 21 tuổi, đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ, chịu cực hình cả về thể xác lẫn tinh thần.

Với người cựu tù, ở cái tuổi gần đất xa trời này, điều khiến ông nhớ mãi đó chính là những ngày tháng lao khổ trong Hỏa Lò. Ông nhớ về những đêm lạnh nằm trên chiếc phản dài được ghép hờ bởi những miếng gỗ, ngày mùa đông, côn trùng đầy nhặng cắn vào da thịt những người tù khiến họ không thể nào ngủ được.

Ông nhớ về những bữa ăn cũng chỉ gọi là có cái để cho vào miệng bởi thứ thức ăn nơi địa ngục ấy phải gọi bằng sự “ghê gớm”, “kinh hãi”. Ở đây, thức ăn dành cho tù nhân thiếu cả về lượng lẫn chất, người tù không được sử dụng bát, đũa, cho bữa ăn mà thay vào đó là những máng gỗ, thùng tôn, anh em gọi những đồ dùng này “Lập là”.

“Việc ăn uống được quản lý nhà tù giao cho nhà thầu ở ngoài vào để nấu cơm cho tù nhân. Chúng mang gạo, rau cỏ nhưng lại để tù nhân phải làm bếp, chúng ăn bớt của tù nhân, không cho chúng tôi ăn hết. Người tù phải ăn thịt ôi thiu rẻ tiền, cá mè nhỏ kho trắng trợn rất tanh không thể nào ăn được, nếu có ăn cũng dễ bị tiêu chảy, thịt nấu cả bì không thể ăn được, anh em gọi là quai guốc…”, ông nhớ lại.

Trong chốn khốn khổ ấy, những người lính không thể sống và sinh hoạt như người bình thường. Cơ thể họ suy kiệt, mang nhiều bệnh do quá trình sinh hoạt tại đây quá khắc nghiệt. Thậm chí, sau này khi hòa bình lập lại, những người lính trở lại cuộc sống thường ngày, di chứng mà năm tháng tại Hỏa Lò để lại vẫn còn lưu vết trên cơ thể họ.

Trong âm mưu của thực dân, chúng tham vọng dựng nên Hỏa Lò để giam giữ những người chiến sĩ Việt, đày đọa họ sống khổ sở để tiêu diệt ý chí phấn đấu và triệt tiêu lòng yêu nước của người lính.

Thế nhưng, điều chúng không ngờ có lẽ là sự đoàn kết, tinh thần bất khuất của những người lính, họ bao bọc, chở che nhau và cùng vượt qua sóng gió, chờ ngày đất nước được độc lập.

Là nơi giam cầm, đầy ải người chiến sĩ cách mạng nhưng chính Hỏa Lò cũng là trường học cách mạng rèn luyện nghị lực, niềm tin, nơi bừng sáng của tình đồng chí, đồng đội, một lòng vì lý tưởng cách mạng. Ông Nguyễn Tiến Hà là một trong những người tiên phong trong việc truyền bá chủ trương của Đảng và hoạt động cách mạng bí mật ngay trong tù.

Ông được anh em tại tù Hỏa Lò tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân.

“Khó khăn khổ sở là thế, nhưng trong Nhà tù đã được thành lập một chi bộ bí mật sớm. Tôi đã có thời kỳ làm Bí thư chi bộ, tức là liên hệ với thành ủy bên ngoài, Quận ủy bên ngoài để thông tin đi thông tin lại. Chi bộ phải làm nhiệm vụ vận động các Đảng viên, tuyên truyền cho anh em để anh em không sa sút ý chí”, ông Hà nhớ lại.

Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó. Ông cùng đồng đội đã tổ chức các lớp học văn hóa, học chính trị, mở các lớp dạy học cho những người lao động, kém văn hóa, bắt đầu những kiến thức từ lớp 1 lớp 2, ai học khá hơn thì được học ngoại ngữ.

Những khổ cực của tù nhân Hỏa Lò được miêu tả trong bài thơ do chính họ viết lên.

Những khổ cực của tù nhân Hỏa Lò được miêu tả trong bài thơ do chính họ viết lên.

Để tránh sự dò thám của kẻ thù, việc mở lớp cũng phải được tổ chức chặt chẽ, bí mật. Theo lời người cựu tù, mỗi trại sẽ có một số đảng viên nòng cốt, vận động anh em trong tù kháng chiến cùng, động viên tinh thần ý chí phấn đấu.

“Ngoài dạy học, tôi phải lấy tin tức từ ngoài vào thông báo cho anh em những tin thắng lợi ở ngoài của phía ta để cho anh em mừng, không bị đứt dây đứt đoạn. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các cuộc văn nghệ hát hò, đóng kịch nhân các dịp ngày lễ lớn của bên ngoài ví dụ như sinh nhật Bác, Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán… Chứ bây giờ ai cũng sống, cũng ngồi ngắm lên tường không thôi thì sẽ mất lý trí ngay”, Chiến sĩ – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà hồi tưởng.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-ke-tu-di-tich-nha-tu-hoa-lo-ky-2--lop-hoc-cach-mang-giua-dia-nguc-tran-gian-d165752.html