Chuyện khác biệt về lính mũ nồi xanh Việt Nam

Việt Nam đang tích cực trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bên cạnh năng lực chuyên môn, sự sáng tạo và cần cù của lính mũ nồi xanh Việt Nam đã tạo nên những nét riêng, rất Việt Nam.

Tại căn cứ Aweil thuộc bang Northern Bahr El Ghazal của Nam Sudan, câu chuyện về Trung tá Lê Ngọc Sơn đã gây được tiếng vang và tiếp nối truyền thống của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam để tạo nên sự khác biệt này.

Giàn mướp trĩu quả tại mảnh vườn Việt Nam.

Giàn mướp trĩu quả tại mảnh vườn Việt Nam.

Từ mảnh vườn “check-in”

Mùa khô tại Nam Sudan kéo dài từ tháng 11 hàng năm đến hết tháng Năm năm sau. Vào khoảng thời gian này, tại bang Northern Bahr El Ghazal, nhiệt độ ngoài trời thường khoảng 50-56 độ C. Khu vực quanh nhà Trung tá Sơn ở khi ấy chỉ toàn đất sỏi.

Ngay khi đặt chân đến căn cứ Aweil, anh Sơn đã bắt tay vào việc cải tạo khu đất sỏi cạnh nhà, quyết tâm biến chúng thành một nơi xanh tươi. Hằng ngày, tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc, anh mượn xe đẩy (xe cút kít) đi đến các khu vực cách chỗ ở khoảng hơn 300m để mang đất và phân hữu cơ về làm vườn.

Mảnh vườn của anh có hình dáng giống như một bông hoa với vòng tròn nhụy hoa ở giữa, các cánh hoa là các ô được phân cách bởi các rãnh chạy dài từ vòng tròn ra bờ bao mảnh vườn (được làm từ các chai nhựa). Mỗi ô anh trồng một loại rau khác nhau, vòng tròn ở giữa anh trồng hoa. Chính giữa vòng tròn anh dựng cột, treo lá cờ Tổ quốc.

Khi mùa mưa bắt đầu đến, mảnh vườn của anh như một công viên phủ kín rau xanh và rực rỡ sắc hoa. Phía trên, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay, bên cạnh đó là giàn mướp trĩu quả. Ngoài ra, anh có ba mảnh vườn khác và một “vườn treo”, nơi anh trồng rau muống vào chai nhựa và treo ở khu vực có bóng râm để bảo vệ rau trước cái nóng đổ lửa của Nam Sudan trước khi mùa mưa đến. Xung quanh nhà, anh trồng một số loại hoa làm đẹp cảnh quan.

Thấy anh yêu Tổ quốc, chăm chỉ, sáng tạo và vườn rau ngày càng xanh tốt không phụ công người chăm sóc, đồng nghiệp thường đến thăm, nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm làm vườn, trồng rau. Nơi đây cũng trở thành địa điểm “check-in” chụp ảnh yêu thích của bạn bè quốc tế.

Đến hồi sinh ngôi trường

Hiểu tinh thần vượt khó, lạc quan và đặc biệt là quan điểm của anh về giáo dục, tinh thần giúp đỡ cộng đồng, Thiếu tá Wilson Macling thuộc phòng Giám sát các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp và ngừng bắn (CTSAMM) đã giới thiệu anh gặp giáo sư Stephen Chol, Hiệu trưởng Trường Đại học Northern Bahr El Ghazal.

Đây là ngôi trường đã có quyết định thành lập từ năm 2011. Tuy nhiên, do nội chiến, nhiều phần của ngôi trường đã bị phá hủy và chưa từng trở thành một ngôi trường hoàn chỉnh. Sau quyết định thành lập Chính phủ Nam Sudan vào tháng 2/2020, các bang đang tiến hành tái thiết, quy hoạch, xây dựng và phát triển. Phó Tổng thống và Thống đốc bang Northern Bahr El Ghazal đã đến Trường và bàn về chủ trương xây dựng lại ngôi trường.

Giáo sư Stephen và Trung tá Sơn đã gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi về kế hoạch xây dựng, phát triển trường, tuyển dụng giáo viên, kêu gọi quỹ tài trợ và sự hỗ trợ từ các tổ chức, kế hoạch tuyển sinh… Anh Sơn rất mong muốn sớm có những hoạt động về giáo dục, cho dù ngôi trường chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Anh cũng trao đổi về việc có thể mở các lớp ở các phòng học còn sót lại tại ngôi trường này, kêu gọi những nhân viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế hỗ trợ giảng dạy cho các em.

Anh trao đổi với Hiệu trưởng: “Nếu làm được như thế, trẻ em khu vực sẽ sớm được tiếp cận với giáo dục; đây cũng là bước chuẩn bị thế hệ sinh viên tương lai cho chính nhà trường; xây dựng được một mạng lưới các tình nguyện viên từ nhiều tổ chức quốc tế; khi nhiều tổ chức quốc tế biết đến kế hoạch của nhà trường, họ có thể xây dựng những chương trình, dự án hỗ trợ…”.

Anh chia sẻ, do nhiệm kỳ của anh còn không dài, nên anh không thể tham gia trực tiếp phát triển ý tưởng đó. Giáo sư Stephen đánh giá cao ý tưởng của anh, hứa sẽ nghiên cứu để biến ý tưởng thành hiện thực và ước muốn có được nhiều người tâm huyết như anh chia sẻ, hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho nhà trường.

Trung tá Lê Ngọc Sơn (bên phải) cùng Giáo sư Stephen Chol (đứng giữa).

Trung tá Lê Ngọc Sơn (bên phải) cùng Giáo sư Stephen Chol (đứng giữa).

Tinh thần chống Covid-19

Việt Nam hứng chịu làn sóng Covid-19 từ đầu năm 2020. Trong khi đó, ca nhiễm đầu tiên được công bố tại Nam Sudan vào đầu tháng 4/2020. Trung tá Sơn về phép đúng vào lúc đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Anh đã được chứng kiến cảnh Chính phủ, người dân với bao khó khăn, vất vả, tốn kém, cùng nỗ lực, chung tay ngăn chặn sự lây lan của đại dịch không quản ngày đêm.

Trở lại Nam Sudan, anh mang những kinh nghiệm chống dịch ở Việt Nam và những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vận dụng ở Phái bộ. Anh khuyên mọi người nên đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và không tham gia hoặc tổ chức các bữa tiệc. Anh cũng đề xuất hạn chế chơi các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…

Tuy nhiên, những ý tưởng đó ban đầu không được bạn bè quốc tế đón nhận, họ cho rằng anh khắt khe, tự tách mình khỏi tập thể. Đặc biệt khi đồng nghiệp quốc tế đều xa quê hương, xa gia đình, thì môi trường Phái bộ được coi như một gia đình thứ hai và họ cần có các hoạt động gắn kết. Hơn nữa, văn hóa đeo khẩu trang không phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Trung tá Sơn chấp nhận suy nghĩ của mọi người và tin tưởng họ sẽ nhận ra điều anh nói là cần thiết. Anh nói: “Mối quan hệ gắn kết cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ, bảo đảm an toàn cho nhau. Nếu mọi người không tuân thủ, chẳng may có ca nhiễm tại đơn vị, lúc đó sẽ dễ vỡ trận”.

Sau đó ba tuần, Phái bộ chính thức ban hành những quy định phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó có đề cập tất cả những điều Trung tá Sơn đã nói trước đó.

Ngoài ra, cũng vào thời điểm đầu tháng 3/2020, trong buổi giao ban sáng, anh đã đưa sáng kiến về việc tổ chức tập bài về tình huống đơn vị có người nghi nhiễm, hoặc nhiễm Covid-19, trong đó chú trọng đến khâu cách ly, liên lạc, đảm bảo hậu cần, thậm chí vận chuyển y tế đường không (MEDEVAC). Tuy nhiên, sáng kiến đó đã không được chấp nhận và đồng nghiệp cho rằng tất cả mọi công việc đó là của cơ quan y tế (Bệnh viện dã chiến cấp 1) tại địa bàn.

Thế nhưng, vào đầu tháng 8/2020 (năm tháng sau khi Trung tá Sơn đề xuất ý tưởng), Phái bộ đã chính thức có văn bản hướng dẫn và quy định về trách nhiệm, công việc của người hỗ trợ (sponsor) cho những cá nhân đang trong giai đoạn cách ly.

Anh vui vẻ nói: “Tôi không buồn khi mọi người không đồng tình với ý tưởng của mình. Chân lý sẽ phải được thực hiện. Tôi chỉ lo lắng nếu mọi người không sớm thực hiện, nếu dịch bệnh lan đến đơn vị thì sẽ để lại hậu quả khôn lường. Cuối cùng, mọi quy định cũng đã rõ ràng và giống như những kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19”.

Trước những nỗ lực và ý tưởng của Trung tá Sơn về giáo dục, giúp đỡ cộng đồng, cũng như công tác phòng chống đại dịch Covid-19, nhiều bạn bè quốc tế và nhân viên địa phương đang làm việc tại Căn cứ Aweil đều nói rằng: “Bộ đội Việt Nam rất khác biệt”.

PHƯƠNG MAI

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-khac-biet-ve-linh-mu-noi-xanh-viet-nam-145184.html