'Chuyện nhỏ' không hề nhỏ

Công viên Bến Bạch Đằng là điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện nay. Mỗi đêm, khu vực này thu hút hàng chục nghìn lượt du khách.

Rất hiện đại và đẳng cấp, nhưng khi thiết kế xây dựng quần thể văn hóa giải trí này, nhà đầu tư lại “quên” nhà vệ sinh công cộng? Thế là mỗi khi có nhu cầu sinh học, người dân và du khách phải tìm đến các nhà hàng, khách sạn xung quanh để “đi nhờ” nhà vệ sinh, thậm chí không ít người phải “giải quyết” ngay bên gốc cây, lùm cỏ, bờ tường, ghế đá...

Công trình mới xây dựng còn thế, những khu vực hiện hữu lâu năm, việc thiếu vắng nhà vệ sinh công cộng còn nan giải hơn.

Chẳng riêng TP Hồ Chí Minh, thiếu nhà vệ sinh công cộng đang là một thách thức không nhỏ đối với công cuộc chỉnh trang đô thị ở các thành phố lớn. Hiện nay, số nhà vệ sinh trên mỗi ki-lô-mét vuông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,01. Trong khi ở Paris (Pháp), con số này là 6,72; tại Sydney (Australia) là 3,64... Dẫn vài số liệu so sánh như vậy để thấy, nếu không sớm có giải pháp khắc phục, chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi trong chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thực trạng này tồn tại kéo dài có nguyên nhân từ tâm lý xã hội. Từ xa xưa, khi xây dựng nhà cửa, người Việt mình thường chỉ quan tâm đến nhà ở, còn nơi vệ sinh thì không được coi trọng. Việc hình thành, phát triển các cộng đồng dân cư cũng thế. Tích tụ lâu năm, nó trở thành điểm yếu cố hữu. Khi hội nhập quốc tế, nhiều thứ người Việt từng coi là “chuyện nhỏ” lại không hề nhỏ. Nhà vệ sinh công cộng là một dẫn chứng. Du khách đến từ các nước có nền văn minh phát triển, họ đặc biệt coi trọng không gian vệ sinh công cộng. Đó phải là nơi sạch sẽ, thơm tho, là không gian văn minh không kém gì nơi ăn, ngủ, giải trí...

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1, diễn ra ngày 19-3, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo tập trung giải pháp phát triển nhà vệ sinh công cộng. Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị của thành phố phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, có hành động quyết liệt để giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Trong lúc chờ đợi quy hoạch tổng thể, quận 1 đã có sáng kiến vận động các chủ cơ sở kinh doanh, như: Nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, trung tâm thương mại, cửa hàng... được trưng dụng nhà vệ sinh miễn phí. Cơ quan chức năng tiến hành đặt, gắn biển chỉ dẫn để tiện cho người dân và du khách mỗi khi có nhu cầu cần “giải quyết”. Chủ trương của quận nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Hiện đã có hơn 100 địa chỉ nhà vệ sinh ở quận 1 được trưng dụng.

Cách làm của quận 1 là một sáng kiến hay, các địa phương khác có thể tham khảo, vận dụng. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao sự năng động, chủ động của quận 1 trong việc giải quyết những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, việc quy hoạch, xây dựng, vận hành hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở đô thị rất cần sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ của người dân và các doanh nghiệp trong việc hiến đất, tìm mặt bằng, huy động nguồn lực, duy trì hoạt động... Muốn vậy thì phải có chiến dịch tuyên truyền, vận động bài bản, căn cơ, xóa bỏ ngay tư duy coi chuyện “giải quyết nhu cầu cá nhân” chỉ là “chuyện nhỏ”...

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chuyen-nho-khong-he-nho-722385