Chuyện tình từ 400 năm trước đi vào nhạc - họa: Tái hiện mối tình vượt đại dương

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, bên cạnh tập truyện tranh dành cho thiếu nhi có tên 'Công nữ Anio' vừa được NXB Kim Đồng ấn hành, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã công diễn 3 đêm vở opera 'Công nữ Anio'. Đặc biệt, đây là 2 tác phẩm hoàn toàn mới với nội dung được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa của Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nhật Bản cách ngày nay tới 400 năm...

Mối tình vượt đại dương

“Công nữ Anio” là cuốn truyện tranh được NXB Kim Đồng cùng công ty Kadokawa (Nhật Bản) phối hợp thực hiện vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách kể về cuộc đời của Công nữ Ngọc Hoa (? - 1645), tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa - là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong và mối lương duyên đặc biệt của nàng với thương nhân Araki Sotaro đến từ Nhật Bản vào thế kỷ XVII.

Tập truyện tranh "Công nữ Anio" vừa được NXB Kim Đồng cùng công ty Kadokawa (Nhật Bản) phối hợp thực hiện.

Tập truyện tranh "Công nữ Anio" vừa được NXB Kim Đồng cùng công ty Kadokawa (Nhật Bản) phối hợp thực hiện.

Đầu thế kỉ XVII, Nhật Bản bắt đầu mở cửa, cho phép thương buôn ra nước ngoài, hình thành nên nhiều khu phố Nhật Bản ở các nước trong khu vực, trong đó có Hội An. Lúc bấy giờ tại Nagasaki có một thương nhân xuất thân là samurai (võ sĩ đạo) với ước mơ được lên thuyền đi khắp thế gian tên là Araki Sotaro. Mang trong mình trái tim đầy can đảm, Sotaro rời Nhật Bản, dẫn đầu một đoàn thuyền Châu Ấn đến Hội An buôn bán.

Trong một lần dạo chơi, công nữ Ngọc Hoa vô tình gặp gỡ chàng thương nhân người Nhật. Hai người vừa gặp đã như quen biết từ lâu, hết sức tâm đầu ý hợp. Sau đó, thương nhân Sotaro đã tìm cách yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên để hỏi cưới người con gái mình đem lòng thương mến. Sotaro nguyện thề với chúa Sãi rằng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho Ngọc Hoa, dù là khi hai người còn ở quê nhà của công nữ hay khi đã về Nhật Bản.

Cảm mến chàng trai khảng khái, chúa Sãi ban cho chàng tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang và chấp thuận gả con gái cho chàng. Sau lễ rước dâu tại Hội An, công nữ Ngọc Hoa cùng Araki Sotaro lên thuyền về Nagasaki (Nhật Bản) tổ chức một lễ cưới linh đình và sống rất hạnh phúc bên nhau. Mỗi khi trò chuyện với chồng, Ngọc Hoa thường gọi “Anh ơi!”, người dân vùng Nagasaki nghe nhầm tiếng gọi ấy thành “Anio”, từ đó về sau, họ trìu mến gọi nàng là nàng “Anio”.

Câu chuyện tình này cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho hậu thế: Cứ bảy năm một lần, vào tháng 10, khung cảnh lễ rước kiệu đón công nữ sẽ được tái hiện trong phân cảnh đoàn thuyền Châu Ấn tại lễ hội mùa thu Nagasaki Okunchi tại tỉnh Nagasaki (Nhật Bản). Hiện tại, tại Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn lưu giữ một chiếc gương được cho là của nàng Ngọc Hoa - Anio.

Từ các tài liệu còn lưu trữ được có thể thấy rằng, công nữ Ngọc Hoa là nàng dâu, là người Việt đầu tiên sống trên đất nước Nhật Bản. 15 năm sau khi kết hôn, chàng Sotaro qua đời, công nữ Ngọc Hoa vẫn làm công việc sổ sách cho cửa hiệu của chồng và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giao thương giữa hai nước. Bà qua đời năm 1645 và được an táng cạnh mộ chồng trong khuôn viên chùa Daionji tại Nagasaki.

Cuốn sách “Công nữ Anio” là tác phẩm tranh truyện lịch sử ghi dấu sự kết hợp giữa phần nội dung do tác giả Nhật Bản Koshiya Kasuji thực hiện với tranh minh họa của họa sĩ Việt Nam Lưu Đình Thắng. Thông qua những bức tranh sinh động, lời kể cô đọng, súc tích, cuốn truyện tranh “Công nữ Anio” cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa tốt đẹp giữa hai nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, đại diện nhóm biên tập - sản xuất cuốn sách là ông Nguyễn Võ Huyền Dương cho biết: “Theo tôi, điều khó khăn nhất đối với toàn bộ nhóm sản xuất “Công nữ Anio” là làm sao để kể một câu chuyện hấp dẫn, gần gũi dựa trên các nguồn sử liệu mà cả hai nước còn lưu giữ về cuộc đời của công nữ Anio và chồng. Các bên tham gia dự án đã nỗ lực đem đến một sản phẩm chỉn chu, phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi, góp phần vào kho tàng truyện kể về những nhân vật lịch sử của dân tộc…”.

Cũng trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa NXB Kim Đồng với công ty Kadokawa trong hơn 1 năm qua để thực hiện việc sản xuất truyện tranh “Công nữ Anio”, một cuộc thi vẽ tranh chủ đề về “Công nữ Anio” đã được 2 đơn vị này phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều họa sĩ trẻ. Những tác phẩm xuất sắc nhất về câu chuyện tình lãng mạn vượt đại dương này được nhận giải thưởng xứng đáng.

Dấu ấn đặc biệt của vở opera “Công nữ Anio”

Nghệ sĩ Đào Tố Loan (vai Anio) và Kobori Yusuke (vai Sotaro) trong vở opera "Công nữ Anio".

Nghệ sĩ Đào Tố Loan (vai Anio) và Kobori Yusuke (vai Sotaro) trong vở opera "Công nữ Anio".

Cùng kể câu chuyện về mối tình của công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Sotaro, vở opera “Công nữ Anio” được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng với Ban điều hành “Công nữ Anio” (Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc Yamaha Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế NPO) lên kế hoạch và sản xuất nhằm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Trong đêm diễn ra mắt 22/9 vừa qua, vở opera “Công nữ Anio” vinh dự có Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tham dự trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Sau 3 đêm diễn tại Hà Nội, “Công nữ Anio” được công diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên vào tối 27/9. Theo Ban tổ chức, vào tháng 11/2023, buổi diễn ra mắt công chúng Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Hội trường Hitomi Memorial Hall của Trường Đại học nữ sinh Showa, Tokyo.

Vở opera “Công nữ Anio” là sản phẩm nghệ thuật của sự hợp tác giữa nghệ sĩ 2 nước, trong đó: Tổng đạo diễn là nhạc trưởng Honna Tetsuji; Tác giả âm nhạc: nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng; Đạo diễn - tác giả kịch bản và soạn lời tiếng Nhật: Oyama Daisuke; tác giả soạn lời tiếng Việt: Hà Quang Minh. Thể hiện các vai chính trong vở opera là những giọng ca opera trẻ tài năng của Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, vai Anio trong 2 đêm 22 và 24/9 là Đào Tố Loan - giọng Soprano từng giành giải Nhất cuộc thi Opera quốc tế, vai Sotaro là Kobori Yusuke - giọng Tenor từng đạt giải Nhì Cuộc thi âm nhạc Tokyo lần thứ 16 và giải Nhất Cuộc thi âm nhạc Nhật Bản lần thứ 88.

Ở đêm diễn 23/9, hai nghệ sĩ đảm nhận vai chính này là Bùi Thị Trang và Yamamoto Kohei. Tổng đạo diễn, nhạc trưởng Honna Tetsuji từng tiết lộ với báo chí rằng, Ban điều hành dự án “Công nữ Anio” đã tìm được hậu duệ đời thứ 18, 19 của công nữ Anio và đã cùng đại diện dự án đến chào hỏi nhà Araki đồng thời sẽ mời họ tham dự, xem vở opera “Công nữ Anio” khi vở diễn đến Nhật Bản trong thời gian tới.

Có thể thấy, vở opera “Công nữ Anio” sau khi ra mắt đã có những đêm diễn thành công, tạo được dấu ấn, sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận. Sắp tới, vở diễn dự kiến sẽ được trình diễn tại Hội An và TP. Hồ Chí Minh. Để có được tác phẩm nghệ thuật đặc biệt là vở opera “Công nữ Anio” dựa trên câu chuyện tình có thật cách đây 400 năm và trở thành biểu tượng đẹp cho mối bang giao giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, Ban điều hành dự án “Công nữ Anio” đã có thời gian dài để chuẩn bị, đầu tư, sáng tạo và học hỏi lẫn nhau.

Vở opera “Công nữ Anio” kể về câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích mang ý nghĩa, thông điệp sâu sắc và còn là minh chứng giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đã tồn tại mối quan hệ tốt đẹp, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Hai người yêu nhau dựa trên sự bình đẳng, vượt qua cả sự khác biệt quốc gia, giai cấp để đến được bến bờ hạnh phúc.

Cũng kể câu chuyện về mối lương duyên đặc biệt này, hồi tháng 6/2023, trong khuôn khổ sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”, lễ cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki giữa lòng phố cổ đã được phục dựng, trong đó có cảnh vợ chồng Công nữ lên tàu về Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như du khách.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/chuyen-tinh-tu-400-nam-truoc-di-vao-nhac-hoa-tai-hien-moi-tinh-vuot-dai-duong-i709391/