Chuyện về nhóm tình nguyện xe máy dẹp đường cho xe cứu thương ở Indonesia

Trong những ngày Indonesia sa vào 'vũng lầy' dịch COVID-19, một nhóm người đi xe máy không ngại khó khăn đã tình nguyện làm nhiệm vụ dẹp đường, điều phối giao thông, giúp xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 đến kịp các cơ sở y tế.

Nhóm tình nguyện xe máy hộ tống xe cứu thương chở thi thể nạn nhân COVID-19 đến nghĩa trang ở Depok, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Nhóm tình nguyện xe máy hộ tống xe cứu thương chở thi thể nạn nhân COVID-19 đến nghĩa trang ở Depok, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), trong những ngày này, Sebastian Dwiyantoro và nhóm tình nguyện xe máy của anh đang bận rộn làm nhiệm vụ dẹp đường cho xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 qua các con phố đông đúc ở thành phố Depok, Jakarta, đến bệnh viện trong bối cảnh tình trạng nhiễm biến thể Delta tăng cao ở Indonesia.

Các tình nguyện viên của nhóm Indonesia Escorting Ambulance lái xe máy, đi trước xe cứu thương hú còi khẩn cấp, báo hiệu cho các phương tiện khác nhường đường cho xe chở người bệnh COVID-19 đến cơ sở y tế, hoặc đưa thi thể họ đến nghĩa trang.

Tình nguyện viên ra tín hiệu cho các phương tiện nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh: Reuters

Tình nguyện viên ra tín hiệu cho các phương tiện nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh: Reuters

Anh Sebastian Dwiyantoro, 24 tuổi, đã làm việc cho nhóm tình nguyện này suốt 4 năm mỗi khi anh có thời gian rảnh rỗi. Chàng thanh niên cho biết vào thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở Indonesia, nhóm của anh phải hộ tống khoảng 20 chuyến xe cứu thương mỗi ngày. Trước khi làn sóng dịch bệnh mới ập đến, mỗi ngày chỉ có khoảng 3 đến 4 chuyến.

"Thành thật mà nói chúng tôi cũng sợ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng tôi luôn nghĩ rằng đây là lời kêu gọi từ trái tim. Lương tâm của chúng tôi mách bảo cần phải giúp đỡ mọi người. Đồng thời, chúng tôi cũng tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch COVID-19", anh Sebastian, người thường ngày làm công việc bảo vệ, nói khi đeo khẩu trang và mặc một chiếc áo khoác đồng phục của nhóm.

Nhóm tình nguyện tập trung trước khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Reuters

Nhóm tình nguyện tập trung trước khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Reuters

Những nỗ lực của nhóm tình nguyện xe máy luôn được các lái xe cứu thương đánh giá cao.

"Chúng tôi cảm thấy rất vui mỗi khi nhóm tình nguyện hộ tống xe cứu thương. Họ có thể dẹp đường, phân làn cho chúng tôi vì giao thông trong khu vực thành phố Depok rất đông đúc. Chúng tôi không biết sẽ khó khăn như thế nào nếu không có sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện, chúng tôi có thể sẽ không kịp chuyển thi thể đến nghĩa trang hoặc hỗ trợ những bệnh nhân nguy kịch đang hấp hối đến bệnh viện”, Endang Firtana, 42 tuổi, lái xe cứu thương cho biết.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân nói chuyện với một tình nguyện viên xe máy. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân nói chuyện với một tình nguyện viên xe máy. Ảnh: Reuters

Lái xe cứu thương chở thi thể bệnh nhân COVID-19 đến một nghĩa ở ngoại ô Jakarta, Indonesia hôm 2/7. Ảnh: Reuters

Lái xe cứu thương chở thi thể bệnh nhân COVID-19 đến một nghĩa ở ngoại ô Jakarta, Indonesia hôm 2/7. Ảnh: Reuters

Indonesia đã ghi nhận trên 20.000 trường hợp mắc mới và vượt ngưỡng 400 trường hợp tử vong mỗi ngày trong tuần qua, khi biến thể Delta dễ lây lan hơn đang “càn quét” quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế của nước này. Nhiều bệnh nhân đã tử vong tại bệnh viện trên đảo Java do thiếu hụt ôxy.

Tính đến thời điểm hiện tại, với tổng số trên 2,28 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và vượt ngưỡng 60.500 trường hợp tử vong, Indonesia đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở ở khu vực Đông Nam Á.

Quốc gia này cũng đang phải chạy đua với virus để triển khai tiêm chủng đến càng nhiều người càng tốt. Nhưng nguồn cung không đủ, địa lý phức tạp của "quốc gia vạn đảo" và sự do dự của một số người Indonesia đã làm thất bại những nỗ lực tiêm chủng của chính phủ.

Theo số liệu của Our World in Data, hiện có khoảng 13,9 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19, chiếm khoảng 5,1% tổng dân số.

Quốc gia này cũng đang nỗ lực phát triển vaccine của riêng mình. Nhưng nếu vượt qua các thử nghiệm lâm sàng, loại vaccine này cũng chỉ có thể đưa vào sản xuất đại trà vào năm 2022.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-ve-nhom-tinh-nguyen-xe-may-dep-duong-cho-xe-cuu-thuong-o-indonesia-20210705154032357.htm